Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công chức, lương và một xã hội thuận lợi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công chức, lương và một xã hội thuận lợi

Công chứng viên ở Phòng Công chứng nhà nước đang hướng dẫn người dân làm thủ tục – Ảnh: Tuệ Doanh

(TBKTSG) – Ngay cả khi luật, chính sách là đúng và khả thi, việc thi hành suôn sẻ vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống hành chính, bộ máy công chức.

Công chức và lương

Bố của bạn tôi là một trí thức, ông từng là công chức, nay đã về hưu. Ông là một mẫu người trung thực, chính trực và là công chức mẫn cán. Anh bạn tôi, là một luật sư, gần đây có thưa chuyện với bố: “Tình hình lạm phát thế này, chắc phải tăng lương cho cô A, người giúp việc trong nhà”. Ông lập tức phản đối: “Việc tăng lương là không cần thiết, thực chất lương cô A chỉ là khoản phụ, hàng ngày cô đi chợ cho gia đình, chắc chắn sẽ có tiền “dư dôi”, khoản ấy đã bù vào lương”.

Dẫu là một trí thức chính trực, ông đã vô tình chấp nhận một nguyên tắc bất thành văn trong gia đình mình: lương chỉ tượng trưng, còn người giúp việc đương nhiên sẽ thậm thụt ngân sách của gia đình.

Câu chuyện nhỏ cho thấy rằng trong tập quán xã hội, người dân cũng dần dần có thói quen chấp nhận hình thức “thu nhập ngoài luồng” và tiền lương chỉ mang tính tượng trưng. Chấp nhận quy trình vận hành tài chính “không nói ra mà ai cũng biết” này, vô hình trung lợi bấp cập hại.

Xét cho cùng số tiền tiêu tốn của gia đình anh bạn tôi cũng như thế, thậm chí còn tiêu tốn hơn trong khi những người trong cuộc trở thành nạn nhân của chính mình: ông chủ trở thành nạn nhân của sự khuất tất, và người giúp việc trở thành nạn nhân trong chính sách của ông chủ. Người làm công, ai cũng muốn được sống đàng hoàng, tự trọng. Họ đáng được nhận thù lao một cách ngay tình, minh bạch phù hợp với công sức lao động của mình.

Trên phạm vi xã hội, nếu tư duy này được áp dụng trong hệ thống công quyền thì người ngay cũng dễ dàng trở thành kẻ gian và nguy hiểm hơn, người ngay sẽ bị đánh đồng với kẻ gian. Áp dụng tư duy này, các giá trị đạo đức xã hội chính trực không còn được tôn trọng, tạo ra một môi trường không ai tin ai.

Khi lòng tự trọng không có thì mọi giá trị xã hội tất yếu sẽ bị đảo lộn. Một công chức sống đàng hoàng hoàn toàn có thể bị nghi ngờ bởi những người xung quanh, dư luận có thể dễ dàng suy luận: bằng lương chính thức làm sao họ đủ sống? Áp lực trước định kiến xã hội đó cũng có thể là một nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người rời bỏ hệ thống nhà nước. Tất cả mọi người, đặc biệt là giới công chức, trí thức, luôn có nhu cầu được sống trong danh dự, được sống với những giá trị của mình, và cần được xã hội tôn trọng.

…Và một xã hội thuận lợi

Dư luận và thông tin đại chúng phàn nàn rất nhiều về trình độ, thái độ phục vụ của viên chức nhà nước. Đấy là một sự thật nhưng trong chừng mực nào đó cũng không hoàn toàn công bằng. Cán bộ, công chức của ta không chỉ thiệt thòi về thu nhập, định kiến của xã hội mà còn bị áp lực rất lớn bởi cơ chế thi hành công vụ. Nếu cán bộ công chức làm tốt thì chẳng được gì, hoặc chỉ được khen thưởng tượng trưng, nếu làm sai thì lại phải chịu trách nhiệm cá nhân và con đường phía trước của họ rất hẹp.

Quyết một việc, “đúng” hay “sai” khi áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành quả là không dễ dàng và rõ ràng. Bản chất hệ thống pháp luật của ta dựa trên nền tảng dân luật, theo đó mọi vấn đề phải được quy định bằng văn bản.

Để cải thiện hệ thống hành chính hiện nay và để chống tham nhũng hiệu quả, cần phải trả lương cho công chức sòng phẳng, chính thức và tạo ra môi trường làm việc mà họ có thể hành xử đúng và được bảo vệ theo pháp luật.

Trong khi đó, đời sống xã hội thì vô cùng đa dạng, không có quy định pháp luật nào có thể phủ kín được mọi khía cạnh hoạt động của xã hội và đặc thù của môi trường kinh doanh. Sẽ không có quy định nào đúng trong mọi hoàn cảnh, áp dụng đúng cho mọi trường hợp. Khuynh hướng tự nhiên và thường xảy ra trong thực tế là một khi quy định của luật pháp không rõ hoặc không có, các viên chức sẽ không quyết, hoặc quyết theo cách bảo thủ nhất để tự bảo vệ mình.

Khi người dân, doanh nghiệp muốn viên chức “vượt rào” để được việc thì phải lót tay để cán bộ công chức mạnh dạn chấp nhận rủi ro. Trong một vài trường hợp, nếu viên chức quyết định ngay tình, thuận lợi cho dân, cho doanh nghiệp thì rất có thể họ sẽ bị đồng nghiệp, cơ quan chủ quản quy chụp trách nhiệm. Cách hành xử mà đa số coi là tốt nhất là đẩy hết khiếm khuyết luật pháp về phía người dân và doanh nghiệp, tạo ra một xã hội làm gì cũng khó và cái khó đấy lại tiếp tục đẩy xã hội vào vòng tròn luẩn quẩn càng khó khăn với nhau hơn, càng nghèo, càng tụt hậu hơn.

Về mặt luật pháp, để bảo vệ công chức và tạo thuận lợi cho chính người dân và vì phúc lợi của toàn xã hội, các nhà làm luật cần phải đề ra một nguyên tắc pháp lý nền tảng: trong trường hợp luật không quy định, hoặc quy định không rõ, công dân và doanh nghiệp được quyền giải thích theo hướng có lợi cho mình. Tòa án phải tôn trọng và bảo vệ nguyên tắc này khi xét xử nhằm tạo ra một căn bản xã hội thuận lợi, thay vì một xã hội đầy khó khăn.

Quản trị hành chính cũng cần phải dựa trên quy luật là lẽ công bằng, không thể thuần túy dựa vào sự hy sinh và kêu gọi đạo đức. Quy luật là công chức đại diện cho Nhà nước “phục vụ” nhân dân. Lẽ công bằng là công chức cũng phải được chăm lo bằng đồng lương tương xứng và các phúc lợi khác như trường học cho con cái, được ưu tiên về chăm sóc y tế.

Nhà nước là người được nhân dân ủy thác lo cho cán bộ, công chức của mình, để cán bộ, công chức phục vụ nhân dân một cách hiệu quả, thuận lợi. Không hoàn thành nhiệm vụ này, Nhà nước chưa hoàn thành được bổn phận chính mà nhân dân giao phó.

Trả lương sòng phẳng và môi trường làm việc minh bạch

Tóm lại, để cải thiện hệ thống hành chính hiện nay và để chống tham nhũng hiệu quả, cần phải trả lương cho công chức sòng phẳng, chính thức và tạo ra môi trường làm việc mà họ có thể hành xử đúng và được bảo vệ theo pháp luật. Nhà nước phải hợp pháp hóa những chi phí, phí tổn xã hội thành lương chính thức của viên chức để họ có thể sống đàng hoàng, góp phần xây dựng một xã hội minh bạch trong đó mọi người, đặc biệt là cán bộ, công chức được sống đàng hoàng, tự trọng.

Thực chất, người dân, doanh nghiệp đang phải tốn kém rất nhiều về tiền của, thời gian và công sức vì hệ thống “hành là chính” của chúng ta. Tiền trả lương cho công chức cũng là tiền của dân.

Nếu tất cả chi phí ngoài luồng của người dân, doanh nghiệp được hợp thức hóa thành lương, để người dân, doanh nghiệp không phải tốn kém phi chính thức, chắc chắn cả nền kinh tế xã hội Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn và theo quy luật Nhà nước lại thu được về cho ngân sách nhiều hơn từ sự đóng góp của nhân dân và sự phồn thịnh của doanh nghiệp.

LUẬT SƯ NGÔ THANH TÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới