Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cộng đồng giúp bảo tồn sinh thái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cộng đồng giúp bảo tồn sinh thái

Cộng đồng giúp bảo tồn sinh thái
Một góc rừng quốc gia Nam Cát Tiên – Ảnh: Mộng Bình

(SGTO) Tại cuộc hội thảo về bảo tồn sinh thái từ ngày 18 đến ngày 22-9 đang diễn ra tại rừng Quốc gia Cát Tiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nêu bật tầm quan trọng của việc tham gia của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh thái.

Các chuyên gia này cho rằng các cộng đồng địa phương sống gần khu bảo tồn hiểu rất rõ rừng quan trọng đến cuộc sống của họ và tương lai của con cháu họ.

Theo bà Nguyễn Bích Hà, quản lý chương trình của tổ chức Bảo tồn Động và Thực vật Quốc tế, nên xem người dân địa phương là tác nhân chủ yếu góp phần làm cho các dự án bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh thái thành công. Bà Hà nhấn mạnh: “Chúng ta cần xem người dân địa như là những đối tác hữu ích trong việc bảo tồn hơn là xem họ như là những người bị tác động bởi dự án.”

Bà cũng giải thích rằng cộng đồng địa phương là những người biết rõ những khu rừng gần nơi họ sinh sống hơn là những cán bộ phụ trách dự án, do vậy dự án bảo tồn sẽ mang lại hiệu quả hơn nếu cả hai bên cùng hợp tác thực hiện.

Cùng quan điểm với bà Hà, phó giám đốc Trung tâm Du lịch Sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, ông Nguyễn Duy Khang nhấn mạnh chính người dân sống trong vùng đệm của rừng cũng đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ rừng.

Bà Hà cũng cho rằng để việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh thái hiệu quả thì cũng cần phải giúp người dân nhận thức được mối liên kết quan trọng giữa cuộc sống của họ với các sản phẩm của rừng mà họ có thể hưởng lợi.

Điều phối viên của tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã WWF tại Quảng Nam, ông Lương Quang Hùng thì cho rằng cần phải giúp người dân nhận thức được rằng rừng là tài sản của chính họ, là tương lai của con cháu họ, như thế họ mới quyết tâm bảo vệ.

Tuy nhiên, bà Hà cũng bày tỏ mối lo ngại là hiện nay cộng đồng dân địa phương chưa được hướng dẫn khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng, nhất là tại các khu bảo tồn. Các đại biểu khác tại hội thảo cũng cho rằng cần cần giúp người dân cải thiện cuộc sống dựa trên các ngành nghề, các cây trồng thích hợp và cũng là lợi thế của địa phương.

Tại hội thảo, đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Rừng Quốc tế (CIFOR) cho rằng một trong các thách thức lớn nhất mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt là sự cân bằng nhu cầu của hàng triệu dân nghèo tại các vùng nông thôn trong việc nuôi sống gia đình của họ từ việc săn bắn thú rừng và khai thác các sản phẩm khác từ rừng. Việc bảo vệ rừng trong lúc đang bị tàn phá rất nghiêm trọng như hiện nay cũng là một vấn đề không dễ giải quyết.

CIFOR dẫn chứng số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết hiện nay rừng chiếm giữ 80% của nguồn đa dạng sinh thái trên trái đất, và có đến một tỉ người cực nghèo đang xem rừng như là kế sinh nhai của họ. Ở Việt Nam, có đến hàng trăm ngàn người nghèo tại vùng nông thôn kiếm sống từ rừng. Do vậy, CIFOR cho rằng việc vật lộn với đói nghèo của người nghèo vùng nông thôn là một tác nhân chính làm giảm tính đa dạng sinh học trên trái đất.

Nhà khoa học cấp cao phụ trách chương trình kế sinh nhai và rừng của CIFOR, tiến sỹ Sunderland thì lại chia xẻ với SGTO rằng nghèo đói không nguy hiểm bằng chính sự thờ ơ của con người về ảnh hưởng nghiêm trọng của các dự án khai thác gỗ, khai khoáng, phá rừng để trồng hoa màu, và xây dựng các đập thủy điện tràn lan mà họ đang thực hiện.

Hội thảo do CIFOR tổ chức với sự giúp đỡ của Quỹ MacArthur, và sự tham dự của 15 đại diện của các tổ chức bảo tồn, phát triển và các ban ngành của Chính phủ. Hội thảo là một phần của dự án Phát triển và Bảo tồn Lưu vực Sông Mekong, tập trung vào phân tích ảnh hưởng của phát triển hạ tầng, sự thay đổi của việc thay đổi mục đích của đất, chính sách của chính phủ, và cơ hội thị trường đến công việc bảo tồn.

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới