Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cộng hưởng nguồn lực đẩy con tàu Traphaco bứt phá

Tuyên Quang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không tăng giá bán thuốc trong đại dịch, “ông lớn” ngành dược Traphaco vẫn tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 nhờ thích ứng nhanh với bình thường mới.

Tăng trưởng kép

Công ty Cổ phần Traphaco (mã CK: TRA) vừa tiếp tục bứt tốc theo số liệu công bố trên báo cáo tài chính. Kết quả kinh doanh quý 3-2021 cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận 571 tỉ đồng doanh thu và 71 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 24% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, Traphaco ước đạt doanh thu hợp nhất 2.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 240 tỉ đồng. Như vậy, sau 11 tháng, so với kế hoạch cả năm là 2.100 tỉ đồng doanh thu và 240 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 10% và 11% so với năm 2020), công ty ước đạt 95% doanh thu và hoàn thành sớm lợi nhuận năm.

Với lợi nhuận 2021 ước đạt 270 tỉ đồng, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá mức P/E forward của TRA là 16,6 lần, tương đương mặt bằng ngành dược.

Đáng lưu ý, đây là mức tăng trưởng kép, nối dài đà tăng trưởng 2 con số từ năm 2020 được đánh giá là ấn tượng của doanh nghiệp này. Năm 2020, Traphaco đạt gần 1.909 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 11,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 216,7 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2019.

Những kết quả đạt được nói trên diễn ra trong bối cảnh kinh doanh không mấy thuận lợi của doanh nghiệp nói chung. Tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp ngoài dự đoán đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp.

Hệ thống kho đạt chuẩn GSP của Traphaco.

Đối với ngành dược, doanh thu bán thuốc từ kênh bệnh viện, vốn chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành, sụt giảm đáng kể do người dân e ngại dịch bệnh và hạn chế đến bệnh viện điều trị. Giãn cách xã hội buộc người dân ở trong nhà nên các nhà thuốc cũng bị sụt giảm doanh số đáng kể.

Việc phải hạn chế di chuyển liên tỉnh, duy trì sản xuất ba tại chỗ trở thành thách thức với doanh nghiệp khi nhà máy sản xuất và trụ sở công ty nằm ở các tỉnh khác nhau; nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy do nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn…

Trong bối cảnh đó, các công ty dược niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 3% về doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng kép tới hai con số về cả doanh thu và lợi nhuận của Traphaco được ghi nhận là điểm sáng trên sàn.

Đặc biệt, theo chia sẻ từ Lãnh đạo Traphaco, công ty đã không tăng giá bán sản phẩm trong 9 tháng đầu năm nay. Như vậy doanh thu tăng phần lớn do sản lượng bán hàng tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Chiến lược xuôi chiều gió

Có được kết quả trên, theo chia sẻ của Lãnh đạo công ty, là nhờ Traphaco đã cải tiến quy trình hoạt động cũng như chuẩn bị kế hoạch đối phó kịp thời ngay khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát hồi tháng 4-2021. Cùng với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, công ty đã tăng cường sản xuất và sớm vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, do đó không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước đó, một chiến lược được gọi là “xuôi chiều gió” của Traphaco đã giúp doanh nghiệp hưởng lợi nhờ vận động theo quy luật phát triển và đón đầu chính sách ưu đãi của Chính phủ và Bộ Y tế.

Ngay sau Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng quản trị Traphaco đã thành lập Tiểu ban ngoài đông dược nhằm phát triển các sản phẩm tân dược của Công ty. Với sự hoạt động tích cực của tiểu ban này, các hoạt động chuyển giao công nghệ đang được thực hiện mạnh mẽ. Traphaco đã thực hiện kick off và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giai đoạn 2 với Tập đoàn Deawoong Hàn Quốc; sản xuất và triển khai ra thị trường 5 sản phẩm chuyển giao đợt 1.

Theo đó, 9 tháng đầu năm nay, mảng tân dược đã vươn lên đóng góp gần 30% trong cơ cấu doanh thu và 24% trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế của Traphaco. Nhà máy tân dược thông minh Traphaco Hưng Yên dự kiến sẽ đạt mức sản lượng trên 70% công suất thiết kế vào năm 2025.

Mảng đông dược vốn đang có vị thế dẫn đầu thị trường của Traphaco tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tới 64% tổng doanh thu trong 9 tháng đầu năm. Các nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đang được vận hành hơn 90% công suất. Ngoài các sản phẩm chính như Boganic, Tottri và Ampelop, Traphaco cũng đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và đưa ra thị trường thêm 6 sản phẩm mới trong năm nay.

Trong các báo cáo phân tích về ngành dược, Công ty Chứng khoán FPTS nhận định, gia tăng giá trị tuyệt đối doanh thu của mảng tân dược, bên cạnh duy trì vị thế ngành đông dược là chiến lược “khôn ngoan” của Traphaco.

Hệ thống pha chế thuốc nhỏ mắt tự động tại Nhà máy thông minh Traphaco Hưng Yên.

Ngoài năng lực nội tại, thời gian gần đây Traphaco là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều từ chính sách ưu đãi ngành. Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên phát triển ngành dược để tăng tính tự chủ của sản xuất trong nước. Quyết định của Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 có hiệu lực từ ngày 17-3-2021, quy định, doanh nghiệp sản xuất thuốc phát minh được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao.

Với chủ trương này, việc Traphaco đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn dược phẩm lớn nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, sẽ đem đến nhiều lợi thế cho công ty. Trước mắt, hợp tác thành công với Deawoong sẽ mở ra hướng đi tích cực cho Traphaco trong thời gian tới, nhất là tham gia vào các gói thầu bệnh viện. Dự kiến, trong 5 năm tới, Traphaco và Deawoong sẽ hợp tác chuyển giao công nghệ tới 70 sản phẩm tân dược.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới