Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ 5G tạo đột phá trong ngành sản xuất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ 5G tạo đột phá trong ngành sản xuất

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Mạng không dây 5G, với tốc độ cao gấp 100 lần mạng 4G, được dự báo không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ ngành giải trí, truyền thông và vận tải trong những năm tới mà sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt lớn trong hoạt động sản xuất, theo hãng tin CNN.

Sức mạnh của công nghệ 5G

Doanh nghiệp đón cơ hội lớn từ 5G

Công nghệ 5G tạo đột phá trong ngành sản xuất
Ericsson đang hợp tác với hãng xe Audi để ứng dụng công nghệ 5G trong quy trình sản xuất linh kiện ô tô tự động bằng các robot. Ảnh: Ericsson

Các công ty viễn thông di động ở nhiều nước như Hàn Quốc và Mỹ đang rục rịch triển khai mạng 5G để phục vụ nhu cầu kết nối siêu tốc độ của người dùng smartphone và các doanh nghiệp dù họ vẫn chưa trả lời được câu hỏi liệu người dùng có chấp nhận bỏ ra mức cước đắt đỏ hơn để sử dụng mạng 5G hay không.

Tuy nhiên, mạng 5G có thể được lắp đặt nhanh chóng trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn, chẳng hạn như một nhà máy. Sự kết hợp giữa tốc độ, tính thực tiễn và khả năng tiết kiệm chi phí của mạng 5G đang khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm công nghệ mới này.

Các kết quả thử nghiệm cho đến nay rất tích cực, gợi ra triển vọng công nghệ 5G có thể được sử dụng rộng rãi ở các nhà máy trước các smartphone và các thiết bị tiêu dùng kết nối khác, đặc biệt là khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng Mỹ chưa sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được tiếp cận mạng 5G.

Năm ngoái, Ericsson (Phần Lan), một trong nhà cung cấp thiết bị 5G lớn nhất thế giới, đã hợp tác với Viện Công nghệ sản xuất Fraunhofer (Đức) để tiến hành thử nghiệm hiệu quả của 5G trong hoạt động sản xuất.

Cuộc thử nghiệm được diễn ra ở một nhà máy sản xuất đĩa lưỡi kim loại sử dụng cho động cơ phản lực ở nhà máy của Công ty sản xuất động cơ máy bay MTU Aero Engines (Đức). Các đĩa này được sản xuất trong một quy trình được gọi là phay kim loại (tức gọt sắt bằng máy phay), kéo dài đến 20 tiếng đồng hồ và đòi hỏi các nhát cắt phải cực kỳ chính xác.

Quy trình này có tỷ lệ sai sót khá cao, khiến 25% lưỡi của đĩa lưỡi cần phải được gọt lại. Thông thường, các sai sót này không thể phát hiện cho đến khi hoàn tất quy trình. Điều này có nghĩa là phải mất nhiều nỗ lực để hoàn thiện lại các lưỡi bị lỗi.

Tuy nhiên, bằng cách đặt các cảm biến có kết nối 5G trực tiếp vào các lưỡi đĩa hay máy phay, Ericsson có thể phát hiện lỗi theo thời gian thực và giảm tỷ lệ sai sót về còn 15%. Nhờ đó, chi phí sản xuất trung bình mỗi đĩa lưỡi giảm 3.600 euro.

Tốc độ và sự đáng tin cậy của mạng 5G giúp độ trễ kết nối giữa các thiết bị và máy chủ giảm gần như về mức 0. Ưu điểm này của 5G cũng rất hữu ích đối với các nhà sản xuất.

“Nhờ độ trễ kết nối chỉ ở mức một mili giây (1/1000 giây) của mạng 5G, bạn có thể cảm nhận được liệu có một sai lệch xảy ra trong quy trình hay không trước khi máy phay chạm vào đĩa lưỡi và bạn có thể tắt máy (để điều chỉnh các thông số, chẳng hạn tốc độ quay của máy phay) trước khi lỗi xảy ra”, Asa Tamsons, Phó Chủ tịch cấp cao của Ericsson, nói.

Nhờ áp dụng công nghệ 5G, quy trình sản xuất đĩa lưỡi của động cơ phản lực ở nhà máy của công ty sản xuất động cơ máy bay MTU Aero Engines (Đức) có thể được giám sát theo thời gian thực, giúp nhanh chóng điều chỉnh quy trình khi phát hiện có sai sót xảy ra. Ảnh: Ericsson

Nishith Tripathi, chuyên gia công nghệ không dây di động ở Công ty tư vấn Award Solutions, nhận định chỉ có 5G mới có thể mang lại hiệu quả cần thiết ở các nhà máy.

“Công nghệ 4G không thể đảm nhận nhiệm vụ này, bạn cần tốc độ truyền dữ liệu cao và độ trễ truyền dữ liệu cực kỳ thấp của 5G đáp ứng được điều này”, ông Tripathi nói.

Có hai đặc điểm nữa giúp mạng 5G trở nên lý tưởng để sử dụng trong các nhà máy: Các mạng 5G tương đối dễ lắp đặt và chúng có thể hỗ trợ cho một lượng thiết bị lớn.

Các nhà xưởng của hầu hết các nhà máy có thể nằm gọn trong tầm phủ sóng của mạng 5G nhờ một ăng-ten đặt trên mái nhà. Do vậy, ứng dụng mạng 5G ở các nhà máy dễ dàng triển khai hơn so với các ứng dụng khác của công nghệ này ở các lĩnh vực khác chẳng hạn xe tự lái (đòi hỏi rất nhiều tuyến đường phải được phủ sóng 5G).

Ông Tripathi cho rằng công nghệ 5G cũng cho phép một loạt kết nối diễn ra đồng thời. Nếu mỗi một thiết bị trong nhà máy đều cần kết nối, mạng 5G có thể đảm nhận gánh nặng này.

Hồi tháng 8 năm ngoái, Ericsson và hãng xe Audi đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ về việc thử nghiệm công nghệ 5G cho quy trình sản xuất linh kiện ô tô tự động ở phòng thí nghiệm sản xuất Audi ở Gaimersheim, Đức.

Ericsson không phải là công ty duy nhất đang thử nghiệm công nghệ 5G trong lĩnh vực sản xuất. Một nhà máy của Tập đoàn công nghệ Bosch (Đức) ở Worcester, Anh bắt đầu thử nghiệm 5G vào tháng trước. Tại Austin, bang Texas (Mỹ), hãng điện tử Samsung đang hợp tác với hãng viễn thông Mỹ AT&T để thiết lập khu vực sản xuất sáng tạo sử dụng công nghệ 5G.

Ông Tripathi cho rằng người dùng cần chờ đợi vài năm nữa mới có thể trải nghiệm các cuộc gọi video ba chiều (hologram) và thực tế ảo sử dụng 5G nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất, họ đã có thể trải nghiệm ngay từ bây giờ.

Ericsson cho biết chỉ tính riêng ở lĩnh vực sản xuất đĩa lưỡi, việc áp dụng công nghệ 5G sẽ tiết kiệm 27 triệu euro mỗi năm cho một nhà máy và con số này sẽ lên đến 360 triệu euro nếu công nghệ này áp dụng cho tất cả các nhà máy sản xuất đĩa lưỡi trên toàn cầu. Nếu công nghệ 5G áp dụng thành công ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác, mức tiết kiệm chi phí sẽ là con số khổng lồ.

Trong khi đó, hãng công nghệ Qualcomm dự báo sự chuyển tiếp sang mạng 5G sẽ giúp GDP toàn cầu tăng thêm 3.000 tỉ đô la vào năm 2035 đồng thời tạo ra thêm 22 triệu việc làm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới