(KTSG Online) – Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất Phước Thành IV đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ chế biến gạo 72 giờ. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng tầm chất lượng hạt gạo Việt. Từ đây, Phước Thành IV cũng từng bước mở rộng vùng nguyên liệu để hoàn thiện hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững.
Việt Nam đã xuất khẩu lúa gạo được hơn 30 năm, từ chỗ chỉ bán được khoảng 1,4 triệu tấn vào năm 1989, đến nay, mỗi năm cả nước đã xuất khẩu từ 6-6,5 triệu tấn, đặc biệt vào năm 2011, đã vượt con số 7 triệu tấn. Điều này, giúp khẳng định tên tuổi và đưa ngành lúa gạo Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chuỗi thương mại gạo toàn cầu.
Tuy nhiên, khi xét ở khía cạnh tổn thất sau thu hoạch, tỉ lệ thất thoát của lúa gạo Việt Nam vẫn cao, ở giai đoạn trước năm 2015 lên đến 20-30%, tức cao hơn gấp đôi so với hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan.
Từ thực trạng trên, từ năm 2005, lãnh đạo và kỹ sư của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ chế biến gạo 72 giờ, kỳ vọng sẽ giúp giảm tổn thất sau thu hoạch.
Sau 10 năm chỉnh sửa và hoàn thiện, công ty đã ứng dụng thành công quy trình này. So với công nghệ chế biến gạo truyền thống, công nghệ mới có ba ưu điểm nổi bật, gồm giúp kéo giảm tổn thất sau thu hoạch từ 3-5%; cho hạt gạo thành phẩm đẹp, đồng đều, giữ được trọn vẹn dinh dưỡng và bảo quản được lâu hơn và giúp hạt cơm khi nấu lên đẹp, không bị “đổ lông”.
Theo Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV, với công nghệ truyền thống, quá trình xay xát lúa đến thành phẩm chỉ mất thời gian trong khoảng 1-2 giờ. Việc hạt gạo phải qua nhiều công đoạn chế biến liên tục, không được dừng nghỉ sẽ làm hạt gạo nóng lên, dẫn đến rạn nứt, làm cho tổn thất trong quá trình chế biến nhiều hơn.
Với dây chuyền công nghệ 72 giờ, hạt gạo qua quy trình chế biến 1 giờ sẽ được dừng nghỉ 2-3 giờ, sau đó, tiếp tục chế biến 1 giờ và cho nghỉ 2-3 giờ… Việc được dừng nghỉ mỗi lần 2-3 giờ sẽ hạt gạo làm nguội tự nhiên, giữ được các vitamin, khoáng chất còn với công nghệ truyền thống, do phải liên tục qua các công đoạn chế biến khác nhau nên hạt gạo bị nóng dẫn đến các vitamin, khoáng chất bốc hơi ra ngoài.
Việc cho gạo dừng nghỉ và làm nguội tự nhiên cũng giúp hạt không bị gãy đầu, được làm khô một cách tự nhiên và sâu từ bên trong nên thời gian bảo quản lâu hơn.
Ở lần thí nghiệm đầu tiên, toàn bộ quy trình chế biến của Phước Thành IV được thực hiện trong 12 giờ, sau đó nâng lên 24 giờ, rồi 36 giờ, thậm chí có thể nâng lên 80-90 giờ. Thế nhưng, khi thử nghiệm đến điểm 72 giờ thì sản phẩm gạo đạt chất lượng tốt nhất về hình thức bên ngoài lẫn độ dinh dưỡng được giữ lại bên trong, các chỉ số về tổn thất cũng ở mức tốt hơn so với quy trình cũ.
Công nghệ 72 giờ còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện vì không cần sử dụng năng lượng làm để làm nguội “cưỡng bức” hạt gạo.
Về chi phí, so với công nghệ truyền thống, chi phí đầu tư của công nghệ 72 giờ cao hơn, lên đến khoảng 1 triệu đô la Mỹ, tương đương 23-25 tỉ đồng cho hệ thống dây chuyền 10 tấn/giờ và cần diện tích đất lớn gấp đôi so với công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, với việc giúp giảm tổn thất trong quá trình chế biến 3-5% so với công nghệ truyền thống thì sản xuất trong vòng 3 năm có thể sẽ giúp nhà đầu tư thu hồi được vốn.
Từ năm 2015 đến nay, Công ty Phước Thành IV đã đầu tư công nghệ 72 giờ cho bốn hệ thống dây chuyển sản xuất chế biến gạo của đơn vị này với công suất chế biến đạt 250 tấn/dây chuyền/ngày đêm, tức đạt tổng công suất tương đương 1.000 tấn/ngày đêm.
Theo ông Thành, hiện Phước Thành IV cũng đã chuyển giao công nghệ này cho một số đơn vị hoạt động trong ngành lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các đơn vị thuộc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Cùng với Phước Thành IV, một số đơn vị hoạt động ở lĩnh vực này như Bùi Văn Ngọ, LAMICO cũng đã nghiên cứu, chế tạo công nghệ 72 giờ áp dụng chế biến gạo.
Từ thành công của công nghệ 72 giờ, Công ty Phước Thành IV đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ sinh thái ngành gạo để tạo nên các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, có việc mở rộng vùng nguyên liệu lúa – tôm. Mô hình này đã được công ty thực hiện thành công ở tỉnh Trà Vinh từ 10 năm qua, nay tiếp tục mở sang các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang.
Ông Thành cho biết, ưu điểm của dòng lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, ST24, ST25 là trồng được ở vùng đất lúa – tôm, cho chất lượng sản phẩm rất cao, giữ được mùi thơm và hạt gạo rất đẹp. Vì vậy, Phước Thành IV đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái theo hướng này, để môi trường được bền vững hơn.
Song song đó, Phước Thành IV cũng đang nghiên cứu phát triển mô hình lúa – cá, lúa – tôm càng xanh ở vùng sinh thái ngọt của các địa phương như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo cho nông dân có thu nhập cao cũng như giảm tác động đến môi trường.
Cùng với công nghệ 72, việc mở rộng vùng nguyên liệu đã giúp hệ sinh thái nông nghiệp của Phước Thành IV ngày càng hoàn thiện. Hiện công ty đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 65 sản phẩm gạo có chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng.
Sản phẩm của công cũng đã có mặt tại những thị trường mới, mang về nguồn thu tốt hơn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông, Mỹ…
Ở khâu phân phối, theo ông Thành, công ty cũng xây dựng thêm chuỗi cung ứng trong nước và mở rộng hệ thống các nhà phân phối ở châu Âu, Mỹ để khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp ở những thị trường này.