Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ biếu tặng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghệ biếu tặng

Trường Nam

Công nghệ biếu tặng
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Bực mình vì cô bạn đến giờ hẹn mà không thấy tăm hơi, anh định ra khỏi quán cà phê, bỗng thấy nàng bịt mặt kín mít, hai tay hai chùm túi bánh trung thu nặng trĩu: “Thông cảm, tớ phải đi tặng bánh trung thu, phải hẹn người ta, còn phải chờ đợi, toàn sếp, ai có thời gian như bọn mình…”.

1. Cô ấy là trợ lý của giám đốc một doanh nghiệp bậc trung, khéo ăn nói nên kiêm luôn việc tặng quà, đối ngoại. Mà quà tặng cũng khá nhiều: tặng đối tác, các sếp ở cơ quan cấp trên, bên cấp dự án, bên cấp giấy phép, bên làm giấy tờ, bên chính quyền địa phương…, thiếu gì!

“Thế chỉ tặng bánh trung thu thôi ư?”.

“Chỉ ăn bánh có mà điên à? Tháng nào chả có lý do để tặng quà. Tết Dương lịch, rồi Tết Âm lịch; tháng Hai có ngày 3-2; tháng Ba thì dễ ẹc, có ngày 8-3; rồi đến 30-4, 1-5, 1-6; tháng Tám có Tết Trung thu, 19-8. Sau đó đến 2-9, 20-10, 20-11, Noel, Năm Mới. Còn tháng Bảy, tất nhiên không thể tặng quà nhân ngày 27-7 nên tớ phải nói là đi công tác về có chút quà…”.

Anh nghe chưa kịp thở thì cô đã tiếp: “Này nhé, có công ty bạn của sếp tuyển riêng vài cô rất trẻ đẹp, chưa học hết cấp 3 nhưng với chức danh thư ký, chỉ để chuyên đi tiếp khách, đưa khách đi ăn, đi hát karaoke rồi thì tặng quà. Công nghệ biếu tặng nó phải thế!”.

Thì ra có cả công nghệ tặng quà. Hôm trước qua cửa khẩu sân bay, anh đã thấy cảnh bác khách hàng cứ dùng dằng với anh cán bộ hải quan: “Chú thông cảm, anh có dùng hết bốn cái iPhone đâu, tiền đâu mà xài, mua để làm quà ấy mà”. Vậy ra nhiều người còn mặc định quà mua để tặng nhất thiết phải rất khác với cái mình dùng. Ở Hà Nội hay TPHCM có những cửa hàng chuyên bán đồ xa xỉ, được quảng cáo là bán hàng làm quà. Các anh bên hải quan cũng bảo, nhiều loại hàng quốc cấm hay sừng tê giác cũng được người mang về thanh minh là để làm quà!

Có lần, nhân viên một cơ quan nhà nước rì rầm chuyện ông sếp nhận được một phong bì, trong đó là sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu với căn biệt thự ở khu đô thị mới X. Tên hai vợ chồng ông bà được viết đầy đủ, ngay ngắn. Chủ đầu tư cảm ơn vụ giấy phép dự án, tinh tế đến mức sếp không hề biết trước?! Các anh làm bất động sản lâu năm đã biết tính ý của các anh, mấy mảnh “đất hoa hậu” thường để riêng, sử dụng cho việc “cảm ơn” hoặc để dành bán cho những người mua để cảm ơn. Xa rồi cái thời tặng rượu ngoại, bánh kẹo, đặc sản. Quà tặng mốt mới bây giờ là mảnh đất, căn hộ, suất cho con đi du học, tặng một cái hộp bé xíu nhưng mở ra có cái chìa khóa xe hơi…

Thời bây giờ ăn nhiều thì béo bụng, thừa mỡ máu, thôi thì đối tác tặng anh một cô bạn gái trò chuyện cho đỡ buồn, một cái thẻ chơi golf lại càng quý cho sức khỏe.

Lại có người cao lương mĩ vị ăn đã chán, đã yếu sức ăn chơi, thôi thì tinh thần là chính, thỉnh thoảng đối tác mời anh ăn tối cùng một ca sĩ, hát riêng cho anh nghe. Một bữa như thế hết khoảng vài ngàn đô la Mỹ.

Có người quen làm việc trên miền núi thường được người nhờ tìm đầu mối mua đầu bò tót, dạ dầy nhím, sừng tê tê, chân gấu, mật gấu rừng…, cũng để làm quà biếu!

Có quà tặng rồi còn phải biết cách tặng nữa. Muốn đến nhà ông A, bà B phải xin lái xe, thư ký địa chỉ, “rình” cho đúng lúc anh hay chị nhà đồng ý tiếp. Có người còn không chịu nhận, phải năn nỉ gãy lưỡi rằng “bác cầm giúp cho em vui” để họ thấy chút áy náy mà nhận cho người tặng khỏi buồn.

Không biết cách tặng nhiều khi cũng… rủi ro! Có lần bạn anh đến cảm ơn cô hiệu trưởng một trường điểm vì đã nhận con anh vào trường cũng phải xếp hàng cả giờ đồng hồ, vì ai đến trước vào trước. Khổ nỗi anh không biết trước tình huống này, phong bì để trong túi trái cây chẳng ghi tên tuổi gì, vào nhà mới thấy có bao nhiêu túi quà thế kia, cô làm sao nhớ nổi? Thế là phải gọi điện thoại cho một chị bạn quen con dâu cô, nhờ chị con dâu lấy túi ra ghi rõ tên họ học sinh, lớp mấy, ở trường nào chuyển sang…

Còn biết bao chuyện trớ trêu vì quà. Cô trợ lý một sếp ở một tổng công ty có lần hủy tài liệu trong thùng rác của sếp hủy luôn cả phong bì tiền, lần khác khi đem vứt bó hoa sếp được tặng, chị mới phát hiện vẫn còn phong bì kẹp ở bên trong.

2. Dịch giả Nguyễn Tùng ở Paris, đã ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn “Luận về biếu tặng” của Marcel Mauss luận vấn đề biếu tặng dưới góc nhìn triết học và xã hội học. Tác giả đưa ra một nguyên tắc bất thành văn rằng nhận quà thì phải cho lại như một cách đáp trả. Khi giới thiệu cuốn sách này, ông Olivier Tessier, Phó giáo sư nhân học Viện Viễn đông Bác cổ (Pháp) tại Hà Nội, nói: Việc biếu tặng là nguồn gốc tạo ra sự cạnh tranh, sự ganh đua và sự loại bỏ. Việc biếu tặng đi vào “chu trình nợ” mà ngay từ đầu đã tạo ra quan hệ rất bất cân xứng, bởi biếu tặng là sự tìm kiếm tối đa hóa lợi ích vật chất. Nó cũng có thể vật chất hóa mối quan hệ tình cảm.

Emmanuel Pannier, nghiên cứu sinh nhân học (IRSEA – Đại học Provence) sau khi nghiên cứu các trường hợp biếu tặng ở nông thôn Việt Nam đã cho rằng, gần như luật chơi ở Việt Nam là nhận quà và có sự đáp trả, nó không mang tính cưỡng bức và không ghi trong bất kỳ văn bản nào nhưng lại có sức mạnh hơn cả. Mối quan hệ này không phải nhận và đáp trả là hết, nhiều khi đó là chuỗi quan hệ mở, không có điểm dừng, nếu anh không trả ngay thì phải trả trong tương lai.

Nói về biếu tặng, ông Ulric Rudebeck, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Urvision tại Stockholm (Thụy Điển), một chuyên gia về quản trị kinh doanh quốc tế đã chia sẻ rằng, văn hóa đôi khi chỉ là thứ mà số đông người đang theo nó, và trở thành thứ thống lĩnh dù ta không muốn.

Cũng theo ông này, khi một người trong mắt xích của một tổ chức nhận quà biếu, tức anh ta đã chịu tác động, chịu sự chi phối và nhận chỉ thị gián tiếp của bên khác và không chỉ còn chịu ảnh hưởng từ bên trong tổ chức của mình nữa. Khi đó, năng suất công việc của các “mắt xích nhận quà” sẽ giảm, làm hại trực tiếp đến tổ chức, bị các thế lực khác tác động làm nó chệch hướng so với mục tiêu ban đầu. Một tổ chức càng có nhiều người nhận quà và ở cấp càng cao thì tổ chức ấy càng yếu đi.

Với quan điểm quản trị hiện đại, ông Rudebeck cho rằng thậm chí chưa cần đến việc nhận quà, nếu một đơn vị tuyển một người vì người đó có quan hệ với ai đó và mình tuyển vì quan hệ đó cũng là tham nhũng. “Tệ nạn quà biếu còn đặt ra vấn đề xung đột lợi ích giữa hiện tại và tương lai. Vì mỗi một phong bì được nhận sẽ làm chậm thêm thời gian cá nhân và tổ chức thực hiện mơ ước của mình và của tổ chức, cũng như thế hệ sau này. Mỗi một cơ hội làm đúng việc dự định ban đầu mất đi, một đất nước sẽ bị kéo lê thêm nhiều năm và mất đi hàng triệu đô la, thế hệ con cháu cũng sẽ mất đi nhiều cơ hội khác”, ông Rudebeck nói.

Không chỉ có vậy, trong lịch sử còn có những quan điểm phản đối việc tặng quà từ thiện khi cho đó là cách mua lại tội lỗi với giả rẻ mạt.

Trong khi đó, công nghệ biếu tặng ngày nay đã phát triển lên nhiều hình thức, vòng vèo, tinh vi, khó từ chối, khó phát hiện, và việc biếu tặng không chỉ xuất hiện vào mùa trung thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới