Công nghệ thông tin vẫn thu hút sinh viên
Đình Nghĩa
![]() |
Lượng sinh viên theo học ngành CNTT năm nay không giảm mà có xu hướng tăng so với năm trước. ảnh: Đình Nghĩa |
(TBKTSG Online) – Trái với dự báo của các chuyên gia, năm nay, lượng sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin không những không giảm mà lại tăng khoảng 10% so với năm 2011.
Tiến sĩ Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (tên cũ là khoa Công nghệ thông tin – CNTT) trường Đại học Bách Khoa TPHCM, cho biết chỉ tiêu của khoa năm nay là khoảng 330 sinh viên, nhưng đến nay đã tuyển được khoảng 390 sinh viên, tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Theo tiến sĩ Trần Cao Đệ, Trưởng khoa CNTT trường Đại học Cần Thơ, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép khoa tăng 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2011, từ 320 lên đến 380 sinh viên, nhưng ở thời điểm này lượng sinh viên đăng ký đã lên khoảng 550 sinh viên.
“Việc lựa chọn chuyên ngành của sinh viên cũng có sự thay đổi, lượng sinh viên đăng ký học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm và Mạng máy tính đông hơn mọi năm. Hai chuyên ngành còn lại là Hệ thống thông tin và Khoa học máy tính thì trường vẫn đang tuyển thêm vì chưa đủ chỉ tiêu”, tiến sĩ Đệ nói.
Với số lượng tuyển ban đầu đều vượt chỉ tiêu, các trường kỳ vọng ngành CNTT năm nay sẽ không thiếu sinh viên, vì tỉ lệ chuyển ngành, rút hồ sơ trung bình mỗi năm đều dưới 10%.
Trong khi đó, tại các học viện đào tạo CNTT không chính quy, lượng sinh viên tuyển được của các trung tâm này lại giảm so với kỳ vọng ban đầu.
Ông Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm đào tạo FPT Aptech TPHCM, cho biết năm nay trung tâm dự tính tuyển khoảng 1.000 sinh viên, nhưng mới chỉ tuyển được khoảng 70%, bằng số lượng tuyển sinh năm ngoái.
Nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực phần mềm đang tăng Ông Tân cho hay, chỉ trong tháng 8 vừa qua, FPT Aptech nhận được yêu cầu đào tạo khoảng 100 sinh viên, chủ yếu về lĩnh vực phần mềm và lập trình web (Java, Dot Net, Java/Php) cho các công ty như Fujinet, Rocket Internet, Tinh Vân và các công ty thành viên của FPT như FPT-FIS, FSoft, FPT Telecom. Sắp tới, FPT – Aptech sẽ đẩy mạnh việc đào tạo cho sinh viên thực hiện các đồ án phần mềm theo quy trình công nghiệp, đưa yếu tố thực tiễn vào nhiều hơn. Ngoài ra, trường này cũng đổi mới một số chương trình đào tạo như điện toán đám mây, lập trình theo ngôn ngữ Dot Net, Java. Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin New Horizons Việt Nam, đối tác của Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt, cho biết trung tâm đang đàm phán với một công ty dịch vụ phần mềm của Mỹ tại Việt Nam để đào tạo học viên theo 3 – 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 100 người. Theo khảo sát riêng của trung tâm này, hiện nhu cầu về các kỹ năng quản trị mạng, quản trị hệ thống không nhiều, trong khi nhu cầu của phần lớn doanh nghiệp là nhân viên có các kỹ năng chuyên sâu về quản trị cơ sở dữ liệu. |