Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp có thể còn đi xuống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp có thể còn đi xuống

Cao su là một trong những ngành công nghiệp bị tác động nhiều nhất trong năm 2008 và có thể cả năm 2009. Nguyên nhân là cho đến nay, ngành này chủ yếu vẫn xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị rất thấp – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tuy công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, hiệu quả kinh doanh của ngành này đã giảm mạnh và có thể còn tiếp tục giảm trong năm 2009.

Hiệu quả giảm mạnh

2008 là năm đầy khó khăn đối với ngành công nghiệp. Những yếu tố bất lợi xảy ra gần như đồng thời đã có tác động tiêu cực tới tốc độ phát triển chung của toàn ngành. Mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp năm 2008 xuống còn 16,3%, nhưng đến nay có thể khẳng định mục tiêu này đã trở nên xa vời.

Từ tháng 6-2008 đến nay, tốc độ tăng của toàn ngành có xu hướng chậm lại và dự kiến trong năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 15,5%.

Chiều hướng suy giảm trong công nghiệp xuất hiện không lâu sau khi Chính phủ quyết định thực hiện chính sách siết chặt tín dụng để chống lạm phát. Việc các ngân hàng hạn chế cho vay, đồng thời lãi suất huy động và vay tín dụng cũng được đẩy lên rất cao không những làm chi phí sản xuất tăng mạnh, mà còn tác động xấu tới sức mua của thị trường nội địa. Cùng lúc đó, giá cả một loạt nguyên liệu, vật tư trên thị trường thế giới tăng mạnh, khiến cho khó khăn của ngành công nghiệp càng thêm chồng chất.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bị mất khoảng 1,5 điểm phần trăm trong năm nay vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Vấn đề đáng quan tâm hơn chính là hiệu quả của ngành đóng góp tới gần một nửa GDP của Việt Nam này.

Theo một báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong năm nay chỉ vào khoảng 7,3-7,5%, mất hơn ba điểm phần trăm so với năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1991 đến nay và nếu gộp chung ngành xây dựng vào công nghiệp, thì giá trị tăng thêm chỉ còn chưa đầy 7%.

Hiệu quả kinh doanh giảm mạnh hơn so với giảm tốc độ tăng trưởng cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu và chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên. Thành tích phát triển cao về giá trị sản lượng trong những năm qua, mà một số người cho là “ngoạn mục và thần kỳ”, thực chất chỉ là sự phát triển về số lượng, trong khi chất lượng thì ngày càng sa sút.

Ở thời điểm năm 2000, để đạt được một đồng giá trị gia tăng, ngành công nghiệp chỉ phải đầu tư 3,73 đồng, nhưng đến nay con số này đã lên đến 5,12 đồng. Chính việc phát triển thiên về số lượng hơn chất lượng đã khiến cho ngành này trở nên yếu sức chống chọi hơn trước khó khăn đến từ bên ngoài.

Có thể thấy, những khó khăn trong nước và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã không chừa một doanh nghiệp nào. Bầu không khí lo lắng đang bao trùm trong giới doanh nhân. Nhiều công ty đã phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy và bắt đầu sa thải công nhân.

Thành tích phát triển cao về giá trị sản lượng trong những năm qua, mà một số người cho là “ngoạn mục và thần kỳ”, thực chất chỉ là sự phát triển về số lượng, trong khi chất lượng thì ngày càng sa sút. Ở thời điểm năm 2000, để đạt được một đồng giá trị gia tăng, ngành công nghiệp chỉ phải đầu tư 3,73 đồng, nhưng đến nay con số này đã lên đến 5,12 đồng.

Trong công nghiệp, chịu tác động nhiều nhất cho đến nay là các ngành dệt, sản xuất thép, ô tô, thủy tinh, công nghiệp cao su, dầu thực vật, phân bón và hóa chất, giày dép và vật liệu xây dựng… Đối với ngành ô tô, tuy lượng xe bán ra cho cả năm vẫn còn tăng trên 40%, nhưng mức tiêu thụ trong tháng qua giảm đến một nửa so với cùng kỳ.

Bi đát nhất có lẽ là ngành sản xuất thép xây dựng. Theo ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ giữa tháng 9-2008 nhiều công ty đã phải tạm ngưng sản xuất để tiêu thụ hết hàng tồn kho.

2009 còn khó khăn hơn

Đến nay, tuy Chính phủ đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng, lãi vay ngân hàng cũng giảm dần xuống gần mức của những tháng đầu năm, đồng thời giá cả các loại nguyên vật liệu trên thị trường thế giới cũng rớt mạnh, nhưng triển vọng phát triển của công nghiệp không vì thế mà sáng sủa hơn, mà thậm chí còn có thể tiếp tục giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2009 sẽ chỉ còn tăng 5%. Như vậy, công nghiệp chắc chắn khó mà giữ được mức phát triển, cả về tổng sản lượng lẫn giá trị gia tăng, như năm nay.

Khả năng duy trì nhịp độ tăng trưởng của công nghiệp phụ thuộc vào sức mua của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ở thị trường trong nước, mặc dù sức mua trong năm nay vẫn tăng xấp xỉ 30%, nhưng cũng đang có dấu hiệu suy giảm. Từ tháng 9-2008 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước trong chiều hướng giảm liên tục, bất kể các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Đây là dấu hiệu không bình thường, nhất là khi thị trường đang vào mùa mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng sức mua của thị trường Việt Nam tăng cao trong năm 2008 là có phần đóng góp rất lớn của thành quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu không có hơn 10 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư của các dự án FDI được giải ngân, tăng hơn gấp đôi so với năm 2007, chắc chắn sức mua của thị trường trong nước sẽ không được khả quan như vậy.

Năm 2008, Việt Nam thu hút được hơn 60 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, tăng trên ba lần so với 2007. Nhưng vấn đề đặt ra là năm 2009 các nhà đầu tư sẽ giải ngân được bao nhiêu?

Gần 90% vốn đầu tư được cấp giấy phép trong năm 2008 là vào các ngành luyện cán thép, lọc hóa dầu và bất động sản. Hiện nay, thị trường thép thế giới đang thừa, nhiều tập đoàn thép lớn (trong đó có những công ty có dự án đầu tư ở Việt Nam) đang phải cắt giảm sản lượng sản xuất. Kinh tế thế giới khủng hoảng cũng làm nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu giảm. Tình trạng đóng băng trong thị trường nhà đất vẫn chưa dứt.

Trong tình hình đó, khả năng các công ty hoãn tiến độ triển khai các dự án, dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư bị giảm sút là khó tránh khỏi. Ngoài ra, sức mua trên thị trường thế giới suy giảm còn đẩy doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ bị hàng hóa tồn kho từ Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nếu thị trường nội địa mà không giữ nổi, ngành công nghiệp sẽ lâm nguy.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới