Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp hóa và khu công nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp hóa và khu công nghiệp

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Một luật sư kể lại câu chuyện khi ông đại diện cho một số thân chủ trong một vụ khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định thành lập một cụm công nghiệp tại tỉnh nọ. Trong lần họp đối thoại để giải quyết, sau khi nghe những lý do vừa lý vừa tình của bên khiếu nại, vị đại diện UBND tỉnh kết luận đại ý: dù sao đi chăng nữa (ý là dù lý do thuyết phục) thì tỉnh cũng khó mà thay đổi chủ trương bởi vì lợi ích chung chúng ta cần ưu tiên thực hiện đường lối công nghiệp hóa đã xác định.

Khi lập quy hoạch kinh tế – xã hội hay cho ra đời một khu công nghiệp, cụm công nghiệp nào đó, các chính quyền địa phương thường bao giờ cũng dựa vào những khái niệm chung: “tập trung đẩy mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra bước đột phá…”, “thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa”…

Gắn với cái “mục tiêu” đó, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp hay những biến tướng khác được ồ ạt lập ra. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9-2008, 56 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có 194 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 46.600 héc ta; khoảng 650 cụm công nghiệp chiếm diện tích trên 30.000 héc ta. Nghĩa là, hầu như tỉnh nào cũng muốn trở thành một tỉnh công nghiệp.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đánh đồng công nghiệp hóa với KCN, nhân danh công nghiệp hóa để lập ra các KCN, cụm công nghiệp hay tương tự.

“Không thể hiểu công nghiệp hóa là máy móc, công nghiệp hóa là khu công nghiệp, công nghiệp hóa là thu hồi đất cho KCN. Không thể hiểu công nghiệp hóa thì tất yếu phải có KCN”.

Ông Anh cho rằng bản chất của công nghiệp hóa dưới góc độ kinh tế là một quá trình tổ chức dựa vào hàm lượng tri thức nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ví dụ, một sản phẩm dệt Việt Nam gia công cho nước ngoài thu được 20 cent/sản phẩm nhưng cũng sản phẩm đó khi đưa ra nước ngoài bán thì thu được 10 đô la Mỹ/sản phẩm. Sở dĩ giá bán tăng được ở đây là vì người tổ chức hoạt động kinh doanh đó đã dựa vào việc áp dụng các kiến thức từ thiết kế, gia công, phân phối, vận chuyển, marketing…

Do đó, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, vấn đề là dựa vào tri thức để tạo ra giá trị gia tăng, là hiệu quả kinh tế chứ không phải ồ ạt lập KCN. Ông lấy một trường hợp, chẳng hạn như Lâm Đồng, tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch, chè, cà phê, rau, quả…

Thủ tướng trong chuyến thị sát Lâm Đồng mới đây cũng yêu cầu: cần tập trung đưa du lịch, dịch vụ trở thành một trong những mũi nhọn phát triển của tỉnh. Trong khi đó, theo một báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này đã và đang ráo riết thiết lập 10 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.645 héc ta.

Chỉ riêng tại thị xã Bảo Lộc, trên thực tế đã có tới ba KCN, cụm công nghiệp. Có KCN, cụm công nghiệp chỉ cách nhau 1,5 cây số, KCN này còn ì ạch, chưa lấp đầy lại tiếp tục mở thêm khu, cụm công nghiệp khác.

Vậy, tại sao không ưu tiên phát triển nông nghiệp để giúp người nông dân ở đây có thể bán được cà phê với giá cao hơn, thay vì chỉ được 40-50 cent? Tại sao không phát triển du lịch, dịch vụ, thay vì mở KCN để rồi bỏ hoang, lãng phí?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới