Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp hóa với giá nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nghiệp hóa với giá nào?

TS. Trịnh Tiến Dũng

(TBKTSG) – Phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào khoảng năm 2020 là một trong những nội dung cốt yếu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta giai đoạn 2011-2020, sẽ trình Đại hội Đảng lần thứ XI trong vòng mấy tháng tới.

Bài này đề cập một số khía cạnh xã hội, nhân văn và môi trường của quá trình này: công nghiệp hóa ở Việt Nam trong thập kỷ tới cần được tiến hành như thế nào để không phải trả giá cao về mặt xã hội và môi trường.

Theo các chuyên gia, có ba phương cách công nghiệp hóa phổ biến mà các nước đang phát triển thường áp dụng. Đó là: công nghiệp hóa bằng mọi giá; công nghiệp hóa một cách hà khắc, “thắt lưng buộc bụng”; và công nghiệp hóa một cách hợp lý, bền vững, thân thiện với con người và môi trường.

Một điều rất rõ là Việt Nam không thể đi theo hai cách đầu tiên, nhưng thách thức đối với cách đi thứ ba sẽ rất lớn khi mà bệnh thành tích, bệnh phô trương “hoành tráng” vẫn còn khá phổ biến cả trong quá trình hoạch định lẫn thực thi chính sách ở mọi nơi, mọi cấp.

Công nghiệp hóa bằng mọi giá chính là cách làm mang tính phô trương hình thức bề ngoài, chạy theo thành tích, chú trọng lượng mà coi nhẹ chất, làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thiếu quan tâm thích đáng đến hiệu quả kinh tế, đến tác động xã hội, môi trường và tính bền vững. Khắp nơi đua nhau xây dựng sân bay, bến cảng, xa lộ cao tốc… Tất cả đều phải thuộc loại thượng hạng với cái cớ thoạt nghe khá thuyết phục: tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng. Tỉnh/thành nào cũng phải có sân bay, cảng nước sâu, nhà máy điện, nhà máy xi măng, nhà máy thép…

Không phải vô cớ mà nhiều nhà quan sát trong và ngoài Trung Quốc đều rất lo ngại trước hiện tượng “đại nhảy vọt” về GDP của Trung Quốc: hiện đã vượt Nhật Bản, đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ.

Lo ngại chủ yếu là vì cuộc “đại nhảy vọt” đó đã để lại những cái giá quá đắt về xã hội và môi trường. Môi trường bị hủy hoại, chi phí để khắc phục ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã lên tới con số 512 tỉ nhân dân tệ năm 2004, trên 3% GDP của nước này.

Chênh lệnh giàu nghèo – hố ngăn cách xã hội ngày càng rộng ra (hệ số Gini của Trung Quốc là 0,49, cao hơn nhiều so với châu Âu và Nhật Bản từ 0,24-0,36). Chỉ số tham nhũng của Trung Quốc đã tụt 52 bậc, từ thứ 27 những năm 1980 xuống thứ 79 năm 2009. Vậy đại bộ phận người dân Trung Quốc có hạnh phúc với sự tăng trưởng GDP kiểu nhảy vọt nêu trên? Chắc chắn là không.

Còn ở nước ta thì sao? Quan điểm của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng về mối quan hệ nhân quả giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, và với bảo vệ và phát triển môi trường. Có lẽ thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào để có thể đưa chủ trương, chính sách đúng đắn vào cuộc sống, tránh tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì sai”, hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Các số liệu dưới đây phần nào minh chứng điều này.

Có lẽ thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là làm thế nào để có thể đưa chủ trương, chính sách đúng đắn vào cuộc sống, tránh tình trạng “chủ trương thì đúng nhưng thực hiện thì sai”, hoặc nói một đằng, làm một nẻo.

• Nhóm 20% giàu nhất có thu nhập gấp 8 lần nhóm 20% nghèo nhất và gấp 2,6 lần so với mức thu nhập bình quân cả nước.

• Hệ số Gini (tính theo thu nhập) ở mức khá cao và có xu hướng ngày một tăng: 1993: 0,35; 1998: 0,39; 2002: 0,42; 2004:0,41; 2006: 0,43 (các nước phát triển có hệ số Gini giao động trong khoảng 0,23-0,26);

• Về thu nhập từ an sinh xã hội: Nhóm 20% giàu nhất có thu nhập từ an sinh xã hội gấp 10 lần nhóm 20% nghèo nhất (660.000 đồng so với 70.000 đồng)

• Về trợ cấp y tế: Hai nhóm dân cư giàu nhất hưởng 66% tổng trợ cấp y tế. Trong đó, nhóm giàu nhất hưởng 45% trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được có 7%.

• Về trợ cấp giáo dục: trên 57% tiền trợ cấp giáo dục rơi vào túi hai nhóm dân cư giàu nhất, còn nhóm nghèo nhất chỉ được hưởng 15%.

• Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam ở gần cuối bảng (183/194) về công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân vì người dân phải tự chi trả đến 73% chi phí khám chữa bệnh (theo WHO tỷ lệ này chỉ nên dưới 50%).

• Chỉ số nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam tụt dốc mạnh trong vòng một thập niên từ vị trí 74 năm 1998 xuống 123 năm 2007. Năm 2009 tăng được 3 bậc so với năm 2007 nhưng trị số tuyệt đối (2,7) vẫn chưa được cải thiện gì nhiều, chỉ tăng được 0,1 so với năm 2007.

Vẫn còn những chuyện xài tiền vốn nhà nước kiểu “thùng không đáy” như Vinashin (ví dụ mua tàu cũ của nước ngoài hàng chục triệu đô la rồi cho làm sắt vụn). Vẫn còn những cơ quan, cá nhân say sưa các siêu dự án hàng chục tỉ đô la kiểu như đường sắt cao tốc Bắc-Nam trong khi chưa tính kỹ hiệu quả đồng vốn trong hoàn cảnh đất nước. Còn những đề xuất như chi hàng chục tỉ đồng chỉ để làm cổng chào cho các cửa ngõ vào Thủ đô nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long…

Chừng nào còn bệnh phô trương hình thức, thì người dân còn chưa hết lo lắng về cách làm công nghiệp hóa bằng mọi giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới