Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Công nhân dệt may đang “chạy” về doanh nghiệp lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Công nhân dệt may đang “chạy” về doanh nghiệp lớn

Sau Tết, sự sàng lọc lao động ngành dệt may sẽ diễn ra. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Một số doanh nghiệp dệt may dự báo, lao động trong ngành này trong năm 2009 có thể sẽ chuyển dịch từ các công ty nhỏ gặp khó khăn sang các doanh nghiệp lớn. “Thừa” lao động do việc chuyển dịch nên các doanh nghiệp lớn đang đặt ra những tiêu chí tuyển dụng cao hơn.

Từ những sự chênh lệch

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện tại, trong ngành đang có sự phân hóa mạnh. Trong khi một số doanh nghiệp lớn vẫn tiếp tục có đơn hàng đến tháng 6-2009, và kết quả sản xuất kinh doanh vẫn đạt được hiệu quả cao trong năm 2008, thì phần lớn doanh nghiệp còn lại, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ, có kết quả kinh doanh thấp hơn nhiều so với năm 2007 và trong thời gian tới chỉ phấn đấu có đủ nguồn hàng cho công nhân làm việc để có thu nhập.

Hiện nay, mức lương giữa các doanh nghiệp dệt may đang khá chênh lệch. Tại nhiều doanh nghiệp lớn, như Nhà Bè, Phong Phú, Việt Tiến, mức lương bình quân của người lao động thường từ 2,2 đến 2,6 triệu đồng/tháng.   Trong khi đó, ở các doanh nghiệp nhỏ, mức lương bình quân chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng.

Cách đây 6 tháng, việc giãn ca, tăng ca khá phổ biến tại các doanh nghiệp nhỏ, nên công nhân tại các doanh nghiệp này phải làm thêm giờ và vì vậy có thêm thu nhập bù vào mức lương quá thấp. Cho nên thời điểm đó, thu nhập của công nhân tại các doanh nghiệp nhỏ cũng xấp xỉ các doanh nghiệp lớn cùng ngành.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã đổi khác, trong khi các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đơn hàng thì các doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu cầm cự với việc nhận “bừa” các đơn hàng, không phân biệt khó-dễ, lớn-nhỏ, hay mức giá cao-thấp, hòng để có thể trả lương cho công nhân. Chuyện tăng ca, giãn ca như trước nay không còn nữa, vì thế mức lương của công nhân tại các doanh nghiệp nhỏ này hiện khá thấp.

Làm ăn khó khăn, ngoài tiền lương thấp, chuyện thưởng tết tại các doanh nghiệp nhỏ cũng “bèo bọt” theo. Trong khi các doanh nghiệp lớn có mức thưởng hơn hai tháng lương cho công nhân thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ một tháng, có doanh nghiệp chỉ thưởng 300.000 đồng/công nhân.

Sẽ chỉ tuyển lao động có nghề

Theo ông Vũ Ngọc Quyến, ủy viên thường vụ Công đoàn Dệt may Việt Nam thì chuyện chuyển dịch lao động trong ngành là không mới. “Nhảy việc” liên tục đã là chuyện quen thuộc của công nhân ngành này. Nhưng nếu trước đây, sự chuyển dịch này cũng chỉ lẻ mẻ do sự chênh lệch mức lương không lớn lắm, thì nay, sự chênh lệch mức lương, mức thưởng ngày càng lớn có thể tạo thành một luồng dịch chuyển lớn và như vậy tình trạng thừa lao động tại các doanh nghiệp lớn và thiếu lao động tại các doanh nghiệp nhỏ sẽ xảy ra trầm trọng hơn sau tết.

Trưởng phòng nhân sự một công ty lớn trong ngành dệt may cho biết, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2008, công ty ông đã tuyển được trên 500 lao động, trong khi cuối năm 2007, số tuyển vào cũng chỉ xấp xỉ 30 người/tháng.

Là công ty lớn, với số lượng lao động lên đến hơn 20.000 người, tết năm nay, mức thưởng của các công ty con, công ty liên kết đều trên 2 tháng lương, công ty mẹ là 2,5 tháng, mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/tháng khiến trong thời gian vừa qua, khi các doanh nghiệp khác giải thể, công ty này đã tuyển vào được một số lao động lớn. Hiện nay, số lượng lao động thiếu hụt cũng chỉ còn khoảng 700, không phải như những năm trước, mức thiếu hụt luôn cao hơn 1.500 lao động. Sau Tết Nguyên đán, công ty ông sẽ tổ chức tuyển dụng số lao động còn thiếu, nhưng không như mọi năm, do dự đoán cung nhiều, cầu ít nên công ty dự định lần tuyển dụng này sẽ tập trung vào việc thi tay nghề, nếu đạt yêu cầu mới nhận.

Với Công ty Dệt may Phong Phú, bà Lưu Đặng Thương Thương, Phó chủ tịch công đoàn, cho biết mức thưởng tết năm nay là khoảng 6 triệu đồng cho tất cả cán bộ công nhân viên, khá cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Cũng vì mức lương và thưởng cao trong ngành, lao động ở đây hiện khá ổn định. Trong năm 2009, Phong Phú cũng sẽ không tuyển thêm nhiều, nếu có thì cũng sẽ có sự sàng lọc để chọn ra lao động có tay nghề chứ không có chuyện tuyển ồ ạt như những năm trước.

Theo ông Tuấn Nguyên Nghị, Giám đốc điều hành Công ty May Nhà Bè, trong năm sau, với lượng đơn hàng có thể có đến gần hết quí 2-2009 thì việc tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục. Nhưng ông Nghị không lo lắng tình trạng biến động lao động như những năm trước vì ít có nguy cơ công nhân nghỉ việc, do mức lương vẫn ổn định và mức thưởng tết cao – trung bình trên 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc các công ty khác đang có xu hướng sa thải lao động sẽ là cơ hội để Nhà Bè có thêm nguồn lao động có tay nghề hơn.

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây, khi tình hình lao động mất việc tràn lan thì các công ty dệt may lớn vẫn tiếp tục gửi đến liên đoàn những thông báo nhận công nhân mất việc, trong đó có Việt Hưng, Nhà Bè, Việt Tiến, Việt Thịnh… và trong số 10.726 lao động mất việc thì đã có 8.367 công nhân đã có được chỗ làm mới.

“Tuy vậy, người lao động muốn tiếp tục tồn tại ở những công ty lớn và những lao động có nguyện vọng vào làm việc tại các doanh nghiệp lớn thì phải chú ý hơn về tay nghề của mình, nhất là trong bối cảnh ngành dệt may vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới”, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho biết.

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới