Công nhân về quê đón Tết
Minh Duy
![]() |
Công nhân nghèo về quê ăn tết, nụ cười cũng có nhưng nỗi buồn lại rất nhiều. Ảnh Tuổi trẻ |
(TBKTSG Online) – Tối 26 tết, chị tôi, vốn là chủ một đại lý bán vé tàu, xe ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai mướt mồ hôi, khản cả tiếng để sắp xếp khách lên xe và hò hét những người khác dựng xe máy vào lề. Khách đều là công nhân làm việc ở khu công nghiệp của huyện về ăn Tết ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Giúp chị đưa khách lên xe mới hiểu cảnh công nhân nghèo về quê ăn tết, nụ cười cũng có nhưng nỗi buồn lại rất nhiều.
Mỗi tối, có từ 3-4 chuyến xe đến đón khách. Mỗi chuyến nhiều nhất cũng chưa đến 30 khách lên xe nhưng cái khoảng sân rộng trước cửa nhà chị tôi đặc kín người, xe máy chen ra cả ngoài đường. Cứ mỗi người đi thì ít nhất có hai người tiễn, có khi xóm trọ cả chục người đến đưa một người duy nhất về quê.
Anh chị tôi, người thì trả lời khách, người lại đưa khách lên xe rồi hò hét những người khác đừng để xe máy ngoài đường làm kẹt xe nhưng hầu như không ai nghe cả. Tất cả đều bận rộn. Người thì rộn ràng điện thoại cập nhật chi tiết từ khâu chuẩn bị lên xe, rồi sẽ đến lúc nào với người thân. Người thì rôm rả dặn dò là phải nấu món gì khi đến nhà. Kẻ khác lại bùi ngùi dặn dò bạn trọ ở lại đi làm tết đừng buồn…
Cười nói rôm rả, bịn rịn, thẫn thờ và cả những giọt nước mắt… cảm xúc gì cũng có thể cảm nhận được qua buổi tối hôm đó. Công nhân ở đây về quê khác lắm, không có vali kéo để kéo hành lý nhẹ nhàng, không có những bộ đồ đẹp đẽ sáng trưng hay một chỗ ngồi chờ thoải mái như hình ảnh mà tôi thường thấy khi tiễn bạn tôi về quê.
Ở đây, ai ai cũng nặng nề, vất vả ôm những chiếc giỏ xách chật cứng, những thùng giấy căng phồng được dán keo rất kỹ. Nhiều người còn kèm theo cả chiếc xe đạp nhỏ xíu cho trẻ con rồi năn nỉ nhà xe hết lời để những hành quá khổ như thế này được mang lên xe mà không tính thêm tiền. Đồng lương không đáng là bao, mua vé xe về tết là đã hết lương tháng 13, chưa tính tiền quà cáp, ăn uống, còn đâu mà trả cho hàng quá cước, mà hàng đó chỉ là kẹo, bánh, quần áo khuyến mãi và cả mấy gói bột nêm. Giá vé xe về các tỉnh miền Trung dịp bình thường chỉ trên dưới 400.000 đồng, đến những ngày trước tết là 680.000, đến tối 25 tết là 750.000, không có ăn, uống. Năm nay, thời tiết miền Trung, miền Bắc trở rét nên người về lại tốn thêm một khoản cho áo ấm. Nghĩ mà thương.
“Nhớ con quá nên phải về chứ thưởng chỉ đủ mua vé đầu ra cho 2 người, thừa vài trăm. Công ty tính lương cơ bản để thưởng lương tháng 13 mà lại tính theo mức lương cũ là 1,6 triệu đồng chứ không theo lương mới vừa được tăng mấy tháng trước. Buồn quá, giá như tăng thì 2 vợ chồng còn được thêm gần 300.000 cho con”, Huỳnh, công nhân của một công ty may giày gia công thuộc loại lớn nhất ở Nhơn Trạch nói.
Lương thấp, có tăng ca nhiều cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng một tháng mà giá cả thì tăng chóng mặt. Tiền trọ, điện nước… mỗi tháng cũng ngốn của 2 vợ chồng hết gần 600.000 đồng. Mới đây, khi có tin nhà nước tăng lương thì chủ trọ lại thông báo là tăng thêm tiền phòng, nhà trẻ cũng tăng phí giữ trẻ làm hai vợ chồng phải gửi con về ông bà ở Hà Tĩnh. Con nhỏ lại hay ốm đau nên gửi trẻ phải tốn nhiều tiền hơn mà cho một người nghỉ làm thì không đủ sống.
Đêm 26 tết, nhiều công nhân trẻ cứ chạy tới chạy lui đến cửa hàng chị tôi để hỏi khi nào còn chuyến về quê. Có người thì năn nỉ giữ chỗ dùm đến tối 28 tết (dĩ nhiên là không có tiền cọc) vì phải đi làm đến hết ngày đó thì công ty mới chịu phát thưởng. Có cô bé nhà ở Thanh Hóa, có lẽ chưa đến 20 tuổi cứ đứng mãi đế tính toán, về 28 tết rồi vô ngày mùng 4 để kịp đi làm thì tiếc tiền quá mà xin nghỉ thêm thì không có tiền, rồi lại mất tiền chuyên cần… “Thôi, con ở lại. Mai con đi mua vài thứ nhờ mấy người quen gửi về cho mẹ, gửi cả tiền dành mua vé xe là mẹ ăn tết vui vẻ rồi”, cô bé nói với chị tôi rồi quay xe đạp về nhà trọ.
Ở khu công nghiệp này, có rất nhiều doanh nghiệp than phiền là đau đầu vì thiếu lao động và đã làm đủ cách để hút công nhân. Nào là về tận các tỉnh để mời chào, rồi mang xe đến tận đó để đón công nhân vào. Nào là thưởng ít tiền cho công nhân cũ mời được người mới vào làm…. Sao những doanh nghiệp này không chăm lo hơn cho những người đang làm việc để công nhân gắn bó với công ty? Tôi có nghe nói ở đâu đó có vài công ty thuê xe đưa công nhân về quê ăn tết. Giá như ở đây có nhiều doanh nghiệp làm như thế để công nhân bớt khổ vì chờ đợi mua vé, lại có thêm một ít tiền để đoàn tụ mấy ngày Xuân. Đó cũng là một cách để giữ chân người lao động.