Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

COP 21: Giờ G sắp điểm, thương lượng vẫn căng thẳng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

COP 21: Giờ G sắp điểm, thương lượng vẫn căng thẳng

Phúc Minh

COP 21: Giờ G sắp điểm, thương lượng vẫn căng thẳng
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP 21, hy vọng COP 21 đạt được thỏa thuận chung cuộc. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Chỉ còn 1 ngày, Hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) đang diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) sẽ kết thúc, các cuộc thương lượng vẫn diễn ra căng thẳng nhằm thông qua thỏa thuận mới mang tính sống còn – theo Epochtimes.

Trước đó vào chiều ngày 9-12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP 21, đã công bố dự thảo thỏa thuận mới được các bên thông qua. So với dự thảo ngày 5-12, dự thảo mới được rút ngắn đáng kể, từ hơn 40 trang xuống còn 29 trang.

Trong những giờ còn lại, bộ trưởng 195 nước sẽ xem xét dự thảo thỏa thuận mới và đưa ra quyết định về nhiều điểm, hiện vẫn còn tranh cãi.

Đến nay, các điều khoản còn gây tranh cãi đã giảm 3/4 nhưng vẫn còn 366 mục gây tranh cãi, liên quan đến 47 điều khoản cần tiếp tục thương lượng.

Theo các nhà quan sát, 3 chủ đề quan trọng nhất mà các bên chưa tìm được tiếng nói chung và vẫn đang đàm phán là: phân chia trách nhiệm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, vấn đề huy động tài chính, mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất là bao nhiêu.

Nhiều nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, ngày 9-12 bày tỏ thất vọng trước ý định đóng góp không nhiều của các nước phát triển. Trong khi đó, nhiều nước phát triển lại muốn các nước mới nổi khá giả rút hầu bao, đặc biệt là các nước dầu mỏ vùng Vịnh, Hàn Quốc hay Brazil.

Vấn đề huy động tài chính, được dự báo có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại của COP 21 trước khi khai mạc hội nghị, đang có những bước tiến, dù khó khăn. Mục tiêu của các nước là phải huy động được 100 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020 nhằm trợ giúp các nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Đến nay, các nước đã huy động được hơn 2/3 số tiền này. Ngày 9-12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẽ tăng gấp đôi đóng góp cho các chương trình trợ giúp các nước nghèo chống lại tác động của biến đổi khí hậu, với số tiền 860 triệu đô la Mỹ.

Chủ đề lớn gây tranh cãi nhất trong dự thảo thỏa thuận mới là mức tăng nhiệt độ Trái đất vào thời điểm cuối thế kỷ 21 so với thời điểm tiền công nghiệp (năm 1880). Các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu cho rằng mức tăng nhiệt 2 độ C là quá cao và muốn đặt ra tham vọng giảm mức tăng nhiệt xuống 1 độ C hoặc dưới 1,5 độ C. Hàng ngàn tổ chức phi chính phủ (NGO) đã biểu tình để phản đối dự thảo thỏa thuận mới mà theo họ là “quá ít tham vọng” và gần như không thay đổi gì trong phần liên quan đến các thách thức lớn.

Mục tiêu của COP 21 là thỏa thuận chung cuộc sẽ được thông qua vào lúc 17 giờ GMT ngày 11-12, xác định khuôn khổ chung cho hành động của các nước trong 15-20 năm tới. Thỏa thuận này được hy vọng sẽ mang lại lực đẩy quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp thế giới tránh được các hậu quả tồi tệ nhất do Trái đất nóng dần lên vì sử dụng các loại năng lượng hóa thạch như than đá, dầu, khí đốt…

Đọc thêm:

>> Chỉ còn 5 ngày để đạt thỏa thuận về khí hậu toàn cầu

>> COP21 và biến đổi khí hậu: nên lạc quan tới đâu?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới