Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

COP21 và biến đổi khí hậu: nên lạc quan tới đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

COP21 và biến đổi khí hậu: nên lạc quan tới đâu?

Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG Online) – Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ 21 về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris-Le Bourget từ 30-11 đến 11-12-2015 được coi là một trong những hội nghị ngoại giao quốc tế lớn nhất, bên cạnh các kì đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York. 

COP21 và biến đổi khí hậu: nên lạc quan tới đâu?
Hôm qua 30-11 khai mạc COP21 tại Paris cũng là ngày thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc bị khói mù tệ hại nhất trong năm nay với lượng bụi nguy hiểm trong không khí cao gấp 20 lần mức cho phép. Ảnh Getty Images

Với sự tham gia của 150 nguyên thủ quốc gia, các bài phát biểu ngắn của các nguyên thủ trong ngày khai mạc phải tiến hành song song ở hai hội trường chính của hội nghị là "Loire" và "Seine".

Các cuộc đàm phán tại COP21 được tiến hành ở cấp kỹ thuật và cấp bộ trưởng trong hai tuần nhằm đạt được một thỏa thuận mới (Paris Agreement), dự kiến sẽ được kí vào đầu năm 2016. Với những thông tin có được tới thời điểm này, kết quả đạt được ở COP21 dù là đẹp nhất thì việc thực thi để đạt được mục tiêu giới hạn ở 2oC là vô cùng khó, nếu nói là không thể.

Theo Oliver Geden [1], mô hình từ trên xuống dưới (top-down) từ hội nghị thượng đỉnh Rio 1992 đang dần được thay thế bởi mô hình từ dưới lên (bottom-up); qua đó các ràng buộc mang tính pháp lý không khả thi được thay thế bằng các cam kết tự nguyện của các quốc gia thành viên INDCs (2). Mục tiêu có được sự tham gia trên diện rộng của các quốc gia chắc chắc sẽ đánh đổi mục tiêu giới hạn nhiệt độ tăng không quá 2oC vào năm 2100, nhưng dù sao nó cũng khả thi hơn. Cụ thể, với gần 160 cam kết tự nguyện từ các quốc gia, dự tính nhiệt độ tăng khoảng 2,7oC vào năm 2100.

Không những thế, theo nghiên cứu gần đây của Bjørn Lomborg [3], muốn giữ được nhiệt độ chỉ tăng thêm 2,7oC, thì cần giảm một lượng khí thải là 3000Gt (1 Gt = 1012 kg). Tuy nhiên tổng lượng khí thải cam kết giảm giai đoạn 2016-2030 khoảng 30Gt, tức là 1% so với yêu cầu để đạt được mức 2,7oC. Như vậy, trong vòng 70 năm tính từ 2030, phải thực hiện được 99% còn lại, điều này hoàn toàn không thể với những gì đã diễn ra.

Về nguồn lực tài chính, mục tiêu đến năm 2020 có được quỹ biến đối khí hậu hỗ trợ cho các quốc gia nghèo và đang phát triển hằng năm là 100 tỉ đô la Mỹ cũng khó khả thi khi mà hiện nay, mới chỉ có 38 quốc gia cam kết đóng góp được 10,2 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu tính đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu của cả khu vực công và tư thì ước tính được khoảng 62 tỉ đô la Mỹ trong năm vừa qua .

Bài viết gần đây của Thomas Piketty [4] cho thấy, trách nhiệm đóng góp tài chính cần dựa trên mức độ gây ô nhiễm trực tiếp và gián tiếp của các quốc gia. Tuy nhiên, việc thống nhất cách tính là hết sức khó khăn. Chẳng hạn dân số của Trung Quốc là gấp 3 lần cả châu Âu và gấp 4 lần Bắc Mỹ. Mức thải trung bình của người dân Trung Quốc là 6 tấn CO2-eq/người/năm (gần với mức trung bình của thế giới) trong khi ở châu Âu là 13 tấn CO2-eq/người/năm và Bắc Mỹ là trên 22 tấn CO2-eq/người/năm. Với việc đặt các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, nếu tính đủ thì lượng khí thải ở châu Âu phải tăng thêm 40% và Bắc Mỹ là 13%.

Gần 50% dân số thế giới phân bổ ở châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á nhưng chỉ chiếm 15% tổng lượng khí thải trong khi 1% dân số ở các quốc gia giàu có cũng chiếm gần như vậy. Hơn nữa, khó khăn còn nằm trong việc xác định mức đóng góp còn ở việc đánh thuế khí thải (theo tỷ lệ chứ không theo lũy tiến), định giá khí thải và thị trường chuyển nhượng quyền gây ô nhiễm.

Chi phí cho việc thực hiện các cam kết cũng là thách thức lớn. Nếu như Hoa Kỳ thực hiện cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050, chi phí ước tính khoảng 1 ngàn tỉ đô la Mỹ hiện giá mỗi năm. Châu Âu cũng phải cần 3-6 ngàn tỉ euro mỗi năm để thực hiện như Hoa Kỳ. Với Trung Quốc, cam kết giảm khoảng 2Gt vào năm 2030 cũng cần khoảng 200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nếu thực hiện cam kết của các quốc gia tại COP21 theo như INDCs, mỗi năm thế giới sẽ tốn ít nhất 1 ngàn tỉ đô la Mỹ cho đến cuối thế kỉ này.

Ngoài ra, hai nội dung có thể đi đến thống nhất là việc tạo ra một cơ chế kiểm tra lại (upward revision) để kiên định mục tiêu 2oC (ratcheted-up), dự kiến thực hiện sau mỗi 5 năm và các khung sáng kiến ở cấp độ vùng, thành phố lớn cũng như doanh nghiệp để bổ trợ mô hình bottom-up.

Như vậy, với những trở ngại về tài chính và việc chuyển đổi mô hình để có được sự tham gia rộng rãi của các quốc gia, xác suất đạt được mục tiêu 2oC hầu như bằng không. Hơn nữa, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, không thể áp đặt, nhưng không áp đặt thì không thể đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như chống chủ nghĩa khủng bố, xung đột địa chính trị, chủ nghĩa dân tộc cực đoan v.v… sẽ tác động ít nhiều đến thứ tự ưu tiên các vấn đề của mỗi quốc gia.

Quan trọng hơn, đối với nhiều chính phủ, ưu tiên của họ là lá phiếu của cử tri và các thành công về kinh tế trong ngắn hạn. Họ chỉ tích cực khi các đối thủ khác cũng dùng vấn đề biến đổi khí hậu để cạnh tranh sự ủng hộ của cử tri.

(*) : Nghiên cứu sinh tại Pháp, hội chuyên gia AVSE

[1] https://www.project-syndicate.org/commentary/paris-climate-change-pragmatic-approach-by-oliver-geden-2015-11 

(2) INDC : viết tắt của cụm từ tiếng Anh intended nationally determined contributions, là một thuật ngữ ra đời tại hội nghị COP19 tại Ba Lan tháng 11-2013, chỉ mức độ đóng góp tự nguyện mà mỗi quốc gia cam kết trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên (BT)

[3] https://www.project-syndicate.org/commentary/paris-climate-change-agreement-too-costly-by-bj-rn-lomborg-2015-11

[4] http://piketty.blog.lemonde.fr/2015/11/28/les-pollueurs-du-monde-doivent-payer/

Đọc thêm:

– Trăm năm nữa không còn loài người !!!

– Thế giới đòi thỏa thuận hiệu quả chống biến đổi khí hậu

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới