Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

COP26 thiếu vắng cam kết của các nước giàu trong chống biến đổi khí hậu

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gần 200 quốc gia trên thế giới đã đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu hôm 13-11 sau hai tuần đàm phán căng thẳng tại Glasgow, Scotland. Nhưng Liên Hiệp Quốc cho rằng thế giới chỉ mới chạm đến vấn đề thảm họa khí hậu, mà chưa có các cam kết mạnh mẽ bảo vệ người dân và các nước dễ bị tổn thương.

Thỏa thuận đạt được vào giờ chót sau khi có đòi hỏi điều chỉnh ngôn từ của Trung Quốc và Ấn Độ về nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất hiện nay là than đá.

Giảm dần than đá là cụm từ quan trọng lần đầu tiên được đề cập trong văn kiện COP26. Ảnh: Reuters

Nước giàu chỉ hứa suông

Các nước giàu bị cho là đã thất bại tại hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc (COP26) trong việc cung cấp tài chính rất cần thiết cho các quốc gia dễ bị tổn thương trước các nguy cơ hạn hán, nước biển dâng, hỏa hoạn và bão.

Các đại biểu đã bước vào các cuộc đàm phán nhằm duy trì mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 là khống chế nhiệt độ tăng lên 1,5-2oC. Họ cũng tìm kiếm nguồn tài trợ cho các quốc gia gặp các nguy cơ cao nhất về biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng cao.

Các nhà quan sát nói rằng thỏa thuận Glasgow không đủ các yếu tố cần thiết để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, giúp các quốc gia nghèo thích ứng hoặc bù đắp thiệt hại từ các thảm họa khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận này, nhưng nhấn mạnh rằng: “Thỏa thuận này vẫn chưa đủ. Chúng ta chỉ mới chạm đến đề tài thảm họa khí hậu”.

Laurence Tubiana, người dàn xếp các thỏa thuận của hiệp định Paris 2015, nói với AFP rằng: “COP26 đã thất bại trong việc hỗ trợ ngay lập tức cho những người đang chịu đựng các tổn thất”.

Văn bản của COP26 lưu ý “với sự hối tiếc sâu sắc” rằng các nước giàu đã không thể đóng góp đủ các cam kết chi mỗi năm 100 tỉ đô la mà chính họ đã hứa hẹn hơn một thập niên trước. Văn bản cũng kêu gọi các nước đã hứa hẹn cần thanh toán “khẩn và đến năm 2025 thì hoàn tất”. Các nước giàu cũng đưa ra lời hứa tăng gấp đôi nguồn tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng với tình trạng nhiệt độ gia tăng.

Lãng quên các mục tiêu cấp thiết

Nhưng các nước đang phát triển cho rằng hội nghị thượng đỉnh đưa ra một thỏa thuận không cân bằng, có phần nghiêng nặng về “giảm thiểu” – tức các phương thức mà các nền kinh tế có thể loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Nhóm này muốn được hướng dẫn cụ thể về cách họ có thể đáp ứng dự luật giảm phát thải, đồng thời thích ứng với các thảm họa thiên nhiên do tình trạng nóng lên toàn cầu gây ra.

Amanda Mukwashi, Giám đốc điều hành của Christian Aid, cho biết: “COP26 được xem là cơ hội cuối để duy trì mục tiêu 1,5oC, nhưng hội nghị đã cần đến thỏa thuận ngôn từ để có thể kết thúc. Các nước giàu đã trì hoãn thực hiện các cam kết, trong khi các cam kết này lại cần thiết và sống còn đối với những người đang ở tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng này”.

Hai tuần của hội nghị Glasgow tràn ngập lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới, chẳng hạn như cam kết giảm 30% mêtan vào năm 2030. Đó cũng là các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại những mục tiêu quá lâu dài, không phải là những chuyện khẩn cấp và thiết thực trước mắt.

Teresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại ActionAid International, cho biết COP26 là “sự sỉ nhục đối với hàng triệu người mà cuộc sống của họ đang bị khủng hoảng khí hậu phá nát”.

Tranh cãi ngôn từ

Cuộc tranh cãi về văn bản cuối cùng, tức Glasgow Climate Pact (Hiệp ước Khí hậu Glasgow) xoay quanh yêu cầu loại bỏ dần năng lượng hóa thạch, cụ thể là than đá.

Trong phiên họp toàn thể chính thức cuối cùng, Bộ trưởng Môi trường và khí hậu Ấn Độ Bhupender Yadav đã yêu cầu cụm từ “xóa bỏ dần than” (phase-out) chỉnh sửa cho nhẹ đi thành “giảm dần than” (phase-down). Ông Yadav cho rằng: “Điều này cần được thực hiện cùng với cung cấp hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, phù hợp với hoàn cảnh từng nước. Chúng ta cần nhận ra sự hỗ trợ cần kíp để hướng tới quá trình chuyển đổi công bằng”.

Trung Quốc nói rằng Nam Phi, Bolivia và các nước cùng quan điểm chia sẻ mối quan ngại của Ấn Độ. Vốn ở tuyến đầu của tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương như quần đảo Marshall và Fiji bày tỏ “sự ngạc nhiên và thất vọng vô cùng”. Họ phản ứng với một hiệp ước “xuống nước” mà còn với cách thức văn bản được chỉnh sửa ngay tại chỗ. Các nước khác cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ “quy trình không rõ ràng”.

Đáp lại, Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu nghẹn ngào: “Tôi chỉ xin nói với tất cả các đại biểu rằng tôi xin lỗi vì cách mà quá trình này đã diễn ra. Tôi vô cùng xin lỗi, nhưng điều quan trọng là chúng ta bảo vệ được hiệp ước này”. Cả khán phòng vỗ tay, và văn bản được quyết định mà không có sự phản đối chính thức.

Các đàm phán về loại bỏ than đá, một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị, đã đi vào chiều sâu. Các đại biểu và đại diện từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Anh và EU được nhìn thấy bước vào và rời khỏi một phòng bên ngay trước phiên họp toàn thể chính thức để thông qua các quyết định cũng như tổ chức các cuộc thảo luận sôi nổi trên sàn.

Bộ trưởng Yadav đã nhấn mạnh tại hội nghị rằng “các nước đang phát triển có quyền được chia sẻ công bằng trong ngân sách giảm thải carbon toàn cầu và được quyền sử dụng có trách nhiệm các nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi này”.

Yadav nhấn mạnh rằng “trong tình huống như vậy, làm sao ai có thể ngờ rằng các nước đang phát triển có thể đưa ra lời hứa về việc loại bỏ dần các khoản trợ cấp dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch, các nước đang phát triển vẫn phải đối phó với các chương trình phát triển và xóa đói giảm nghèo”.

Theo đánh giá thống kê về năng lượng thế giới 2021 của BP, than đá là loại nhiên liệu được tiêu thụ nhiều ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi ở các khu vực khác, than đá chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong hỗn hợp năng lượng khu vực, đặc biệt là khi nhu cầu năng lượng tăng lên khi kinh tế phát triển.

Dù sao, đây là lần đầu tiên một tuyên bố chính thức về giảm lượng than được ghi nhận trong tuyên bố chính thức của COP. Giáo sư Elizabeth Robinson, Giám đốc Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường thuộc Trường Kinh tế London, cho rằng sự thay đổi ngôn từ không đáng kể. “Tuy nhiên, điều quan trọng là cụm từ “giảm dần than đá” đã xuất hiện”.

Bà nói: “Tôi tin rằng thay đổi chỉ một từ phản ánh thực tế là các nước thu nhập thấp cảm thấy các nước thu nhập cao chưa làm đủ. Nếu các nước thu nhập cao hơn có thể làm nhiều hơn, cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn để các nước thu nhập thấp có thể nhanh chóng loại bỏ than đá, tôi nghĩ chúng ta không cần thiết đề cập sự thay đổi một từ duy nhất đó. Và thay vì cho rằng đây là một vấn đề từ Ấn Độ và các nước tiêu thụ nhiều than khác, điều này thật sự phản ánh tình trạng thiếu vắng các cam kết từ các nước giàu có”.

Các điểm chính của COP26:

Để hạn chế tăng nhiệt độ Trái đất chỉ 1,5oC và tránh tác động xấu nhất có thể xảy ra, thế giới cần cắt giảm mạnh khí thải, gồm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050.Năng lượng từ than mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 cần được giảm dần.Công nhận chuyển đổi có hỗ trợ – theo yêu cầu của các nước đang phát triển cần có năng lượng để phát triển kinh tế.Sang năm 2022, các nước phải “xem lại, làm mạnh hơn” mục tiêu cắt CO2 vào năm 2030.Các nước phát triển phải tăng ít nhất gấp đôi quỹ hỗ trợ nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, từ mức độ cam kết năm 2019-2025.

Theo AFP, Reuters và Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới