Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 – cỗ máy thời gian đến từ tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 – cỗ máy thời gian đến từ tương lai

V.Dũng

(KTSG Online) – Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhưng hệ lụy ám ảnh cho nền kinh tế, tuy nhiên ở một góc nhìn lạc quan hơn, có thể thấy Covid-19 như một cỗ máy thời gian đưa môi trường kinh doanh tiên tiến của tương lai đến hiện tại.

Đại dịch có thể là sự tác động bất ngờ và nặng nề trong một thời gian ngắn nhưng trong tình thế phải thay đổi các mô hình kinh doanh cũng cho thấy tốc độ nâng cấp không kém. Thông thường quy trình thay đổi hình thái kinh doanh của doanh nghiệp có thể mất nhiều năm mới hoàn thành thì nay họ chỉ tiến hành trong vài tháng. Mọi mô hình kinh doanh, đầu tư bị Covid-19 chạm đến đều buộc phải xoay trở để tồn tại và khi mọi thứ đi vào quỹ đạo thì giá trị tích cực cũng đã lộ diện.

Thế giới đã trải qua vài cuộc cách mạng về công nghệ, nhưng lần này vẫn cho thấy sự khác biệt khi sức ép đến từ mọi mặt và cơ hội để thử và thất bại là không có. Sự chuyển đổi như một cuộc chiến sống còn và lợi thế sẽ mở ra cho những quốc gia, những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt cho hạ tầng công nghệ.

Không còn giả lập, Covid-19 đang đưa môi trường kinh doanh của tương lai đến thực tại một cách trần trụi và thử thách những ai can đảm, dám thay đổi. Điều đáng nói là sự chuyển đổi này đang đem đến hiệu quả mà chính những người trong cuộc cũng không ngờ đến.

Công nghệ thông tin là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi, đây là những hoạt động rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh. Người dân có thể thực hiện nhiều giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bênh xuất hiện cuối tháng 1-2020.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ 9 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đều tăng trưởng mạnh, tương ứng 75,2% và 30% so với trước đó; đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh, tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm trước đó.

Một thống kê khác cũng cho thấy, trước khi Covid-19 xuất hiện, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau sáu tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp thực hiện. Tỷ lệ này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Covid-19 gây ra cú sốc cho cả thế giới, tạo một cú nhảy vọt từ nền kinh tế vật thể sang kinh tế số. Khi Covid-19 xảy ra, điều không ai lường trước được là nó chặn đứng tất cả các kết nối thực, đồng thời, buộc người ta không được di chuyển. Hiện nay tình trạng đó vẫn đang diễn ra, nền kinh tế vật chất hiện tại bị đứt gãy ở cả hai chiều cung lẫn cầu và giao tiếp xã hội. Nhưng công nghệ số đang được xem như là chìa khóa dần cởi bỏ những khúc mắc này.

Theo một cách nào đó Covid-19 đã thúc đẩy kinh tế thực sang kinh tế số như một phép màu, thúc đẩy loài người tiến bộ.

Covid-19 là một bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Đây là lời nhắc nhở rằng Việt Nam có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình số hóa. Công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm mà còn nâng cao năng lực đối phó giữa bối cảnh khủng hoảng – giúp chúng ta giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn xã hội, giúp chúng ta kết nối, làm việc hiệu quả, và quan trọng là vẫn có thể giao tiếp xã hội cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm.

Ở góc độ kinh tế đầu tư, khi dự đoán đúng về xu hướng thì Covid-19 trở thành trọng lực đè nén chiếc lò xo tạo nên một lực đàn hồi rất mạnh khi các kênh đầu tư thoát ra khỏi sức ép. Nhìn lại xu hướng của các kênh đầu tư trong năm qua có thể thấy rõ điều này khi cả vàng, chứng khoán, tiền ảo đều thiết lập những kỷ lục mới về đà tăng.

Không chỉ các kênh đầu tư có đặc tính “thuần chủng” về số hóa, Covid-19 như là động lực để các kênh hàng hóa khác như bất động sản, nông sản… mở đường vào không gian số. Khi hạ tầng về công nghệ của các lĩnh vực này được hoàn thiện họ có quyền kỳ vọng vào sự đột phá.

Áp dụng số hóa giúp chúng ta có thể mô phỏng thực tại. Tuy nhiên, bản thân chúng ta không phải là những sinh vật kỹ thuật số. Quá trình tiến hóa của con người sẽ tiếp tục đòi hỏi những trải nghiệm vật lý vì vậy sự điều chỉnh để cân bằng trong thời gian tới là điều cần thiết.

Thực tế cũng cho thấy, không chỉ những “gói hàng” chất lượng của tương lai mà Covid-19 cũng là lăng kính giúp chúng ta thấu đạt những góc tối của nền kinh tế.

Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp thì chưa đề cao quy hoạch vùng, còn chạy theo phong trào, ít chú ý đến lợi thế so sánh; biết là lệ thuộc đầu ra từ phía Trung Quốc nhưng biện pháp khắc phục ít được chú ý một cách triệt để nên dẫn đến việc phải “giải cứu” liên tục. Việc phải tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, chú trọng nhiều hơn đến quản lý rủi ro… cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm và thực hiện.

Nếu không phải là những góc khuất mang tính vĩ mô như vậy thì Covid-19 cũng đã khiến nhiều cá nhân thức tỉnh và điều chỉnh hành vi và tư duy tài chính của mình một cách hợp lý hơn. Cách quản lý tài chính của người Việt đã có thay đổi theo hướng tăng ý thức phòng ngừa những rủi ro trong tương lai và hướng đến sự tiêu dùng văn minh hơn.

Đại dịch đã buộc các mô hình kinh doanh chuyển từ thế giới vật chất lên kỹ thuật số chỉ trong vài tháng. Sự vận động tốc độ cao trên một quy mô lớn có thể gây tổn thương cho nhiều thành phần kinh tế nhưng những giá trị tích cực mà cỗ máy thời gian này mang lại vẫn đáng được ghi nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới