Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid -19 đã làm biến mất “ngày hôm qua”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid -19 đã làm biến mất “ngày hôm qua”

Trần ngọc Châu

(TBKTSG Online) – Tôi đang nghe lại bài hát “Yesterday” (Ngày hôm qua”) của Beattles: "Tất cả phiền muộn tưởng đã đi xa… Chỉ còn tôi ở lại… Nhưng, không giống dù chỉ một nửa tôi của ngày hôm qua…”. Dịch bệnh Covid-19 khiến “ngày hôm qua” của chúng ta không còn nữa.

Covid -19 đã làm biến mất
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

Chúng ta đang đối mặt với một kẻ săn mồi vô hình chưa từng có. Có lẽ thế hệ chúng ta chưa từng biết đến một cuộc khủng hoảng nào như vậy. Những quyết định mà các chính phủ thế giới, trong đó có Việt Nam, đưa ra có thể sẽ định hình thế giới trong nhiều năm tới. Không chỉ các hệ thống y tế thay đổi mà cả các kinh tế, chính trị và văn hóa của chúng ta cũng không giống ngày hôm qua.

“Chúng ta phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, đồng thời phải cân nhắc hậu quả lâu dài của các hành động đó", sử gia Yuval Noah Harari khuyến cáo.

Tuy vậy, dịch bệnh dù nguy hiểm đến đâu, cũng sẽ đi qua, loài người sẽ sống sót, hầu hết chúng ta vẫn còn sống – nhưng chúng ta sẽ sống ở một thế giới khác, "một thế giới không giống hôm qua".

Và tôi cũng cần một chỗ để “tự cách ly”, chỗ tốt nhất là “ngày hôm qua”. Phải chăng Beatles dự báo (Now I need a place to hide away.Oh, I believe in yesterday).

Nhưng “ngày hôm qua” là câu chuyện cũ. Nó không cần giải pháp sửa sai.

Còn hôm nay thì cần: nhiều biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Bởi vì “nếu không làm gì còn nguy hiểm hơn”.

Điều gì xảy ra khi mọi người làm việc ở nhà và giữ khoảng cách xa trong giao tiếp? Điều gì xảy ra khi toàn bộ trường học và trường đại học đều học qua mạng? Trong thời gian bình thường, Chính phủ, doanh nghiệp và hội đồng giáo dục sẽ không bao giờ đồng ý tiến hành các thí nghiệm như vậy. Nhưng đây không phải là thời bình thường. Đây là khủng hoảng. Và chúng ta phải đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa quyền giám sát của Chính phủ và quyền tự do của công dân. Thứ hai là chọn lựa hoặc giữa cách ly quốc gia và nối kết toàn cầu.

Để ngăn chặn dịch bệnh, toàn bộ dân số cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định.

Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ giúp theo dõi mọi người, mọi lúc, mọi nơi.

Năm mươi năm trước, không nước nào, hay cơ quan tình báo nào có thể theo dõi mọi người dân. Nhưng bây giờ các chính phủ có thể dựa vào các cảm biến có mặt ở khắp mọi nơi và các thuật toán mạnh mẽ để kiểm soát tất cả mọi người.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, một số chính phủ đã triển khai các công nghệ giám sát mới.

Trung Quốc là trường hợp đáng chú ý nhất. Bằng cách giám sát chặt chẽ điện thoại thông minh của người dân, sử dụng hàng trăm triệu máy ảnh nhận diện khuôn mặt và bắt buộc mọi người phải báo cáo tình trạng cơ thể và tình trạng y tế của mình, chính quyền Trung Quốc không chỉ có thể nhanh chóng xác định những người bị nghi nhiễm coronavirus, mà còn theo dõi nơi mà họ đi qua  và xác định những ai mà họ tiếp xúc.

Một loạt các ứng dụng di động cảnh báo người dân về sự tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Công nghệ đã tạo một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ “giám sát ngoài da” thành “kiểm soát dưới da”.

Để ngăn chặn dịch bệnh coronavirus, các chính phủ có thể tận dụng công nghệ và các thiết bị giám sát mới.

Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và những gì 10 năm trước được xem là khoa học viễn tưởng, thì nay đã cũ rồi. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, chính phủ yêu cầu mọi người dân mang vòng đeo tay sinh học theo dõi nhiệt độ cơ thể và nhịp tim 24 giờ một ngày.

Dữ liệu được lưu giữ và phân tích bằng các thuật toán của chính phủ. Các thuật toán sẽ biết rằng bạn bị bệnh, ngay cả trước khi bạn biết điều đó và họ cũng sẽ biết bạn đã ở đâu và bạn đã gặp ai.

Đường lây lan dịch bệnh có thể được rút ngắn đáng kể, và thậm chí cắt giảm hoàn toàn. Một hệ thống như vậy có thể ngăn chặn được dịch bệnh trong vài ngày.

Sử gia Harari viết: “ Nếu bạn biết rằng tôi đã nhấp vào liên kết Fox News chứ không phải liên kết CNN, điều đó có thể cho bạn biết vài điều về quan điểm chính trị của tôi và có lẽ cả tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim khi tôi xem video clip, thì bạn có thể biết điều gì khiến tôi cười, điều gì khiến tôi khóc và điều gì thực sự khiến tôi tức giận".

Lưu ý rằng: hỉ, nộ, ái, ố là những hiện tượng sinh học giống như sốt và ho. Công nghệ nào đo được cơn ho cũng có thể đo được nụ cười.

Nếu các tập đoàn và chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh học của con người, họ có thể hiểu chúng ta hơn chúng ta hiểu chính mình. Sau đó họ không chỉ dự đoán cảm xúc mà còn thao túng cảm xúc và hoàn toàn có thể bán “cảm xúc” đó cho bất cứ ai cần – có thể là một công ty dược hoặc một chính trị gia. Thuật toán giám sát sinh học còn nguy hiểm hơn loại công nghệ ăn cắp dữ liệu tiểu sử cá nhân của Cambridge Analytica trước đây.

Tất nhiên, bạn có thể biện hộ rằng giám sát sinh trắc học chỉ là biện pháp tạm thời, được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp mà thôi. Nó sẽ biến mất khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Nhưng các biện pháp tạm thời có một thói quen khó chịu là những trường hợp khẩn cấp tồn tại lâu dài, đặc biệt là luôn có một tình huống khẩn cấp mới đang rình rập.

Ngay cả khi các ca nhiễm Covid-19 xuống 0, một số chính phủ đói dữ liệu có thể lập luận rằng họ cần phải giữ các hệ thống giám sát sinh trắc học vì họ sợ một đợt coronavirus thứ hai hoặc do có một chủng Ebola mới phát triển ở Trung Phi, v.v và v.v…

Nhiều người cho rằng làm như thế chẳng khác gì vi phạm quyền công dân. Nhưng nếu con người được lựa chọn giữa quyền công dân và sức khỏe, họ thường sẽ chọn sức khỏe.

Trên thực tế, đây là gốc rễ của vấn đề. Tại sao không chọn cả hai. Chúng ta có thể và nên tận hưởng cả quyền công dân và sức khỏe. Các chính quyền có thể chọn bảo vệ sức khỏe của nhân dân và ngăn chặn dịch coronavirus mà không phải hy sinh quyền công dân của họ. Đơn giản là mọi thông tin liên quan sức khỏe của cộng đồng phải được minh bạch và tin cậy.

Trong những tuần gần đây, một số nỗ lực thành công nhất để ngăn chặn dịch coronavirus đã được Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore phối hợp. Mặc dù các quốc gia này đã sử dụng một số ứng dụng theo dõi, họ đã dựa nhiều vào thử nghiệm rộng rãi, báo cáo trung thực và sự hợp tác thiện chí của một công chúng được tự do tiếp cận thông tin. Việt Nam chúng ta bước đầu cũng đã làm được.

Khi mọi người được thông báo về các sự thật khoa học và khi mọi người tin tưởng các cơ quan công quyền, công dân có thể làm điều đúng đắn mà không cần giám sát. Một nước mà dân chúng được thông tin tốt thường mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều so với một nước có dân chúng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.

Ví dụ rửa tay bằng xà phòng. Bạn có biết: Đây là một trong những tiến bộ lớn nhất từ trước đến nay trong vệ sinh của con người? Hành động đơn giản này cứu hàng triệu mạng sống mỗi năm. Mặc dù chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng chỉ đến thế kỷ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng. Trước đây, thậm chí các bác sĩ và y tá đã làm một ca phẫu thuật thứ hai ngay sau khi vừa phẫu thuật ca thứ nhất mà không cần rửa tay.

Ngày nay, hàng tỷ người rửa tay hàng ngày, không phải vì họ sợ cảnh sát, mà vì họ hiểu sự thật. Tôi rửa tay bằng xà phòng vì tôi đã nghe nói về virus và vi khuẩn, tôi hiểu rằng những sinh vật nhỏ bé này gây bệnh và tôi biết rằng xà phòng có thể loại bỏ chúng. Như vậy tôi có đủ thông tin và kiến thức để có thể tự mình rửa tay mà không cần nhắc nhở.

Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như vậy, bạn cần tin tưởng. Mọi người cần tin tưởng vào khoa học, tin tưởng các cơ quan công quyền và tin tưởng vào các phương tiện truyền thông.

Thông thường, niềm tin đã bị xói mòn trong nhiều năm không thể được xây dựng lại qua một đêm. Nhưng đây không phải là thời gian bình thường. Trong một khoảnh khắc khủng hoảng, tâm trí cũng có thể thay đổi nhanh chóng.

“Bạn có thể có những cuộc cãi vã cay đắng với anh chị em của mình trong nhiều năm, nhưng khi một số trường hợp khẩn cấp xảy ra, bạn đột nhiên phát hiện ra một kho tàng quý giá của niềm tin và lòng nhân ái, và bạn vội vàng giúp đỡ lẫn nhau. Không quá muộn để xây dựng lại cho mọi người niềm tin vào khoa học, niềm tin vào chính quyền và niềm tin vào các phương tiện truyền thông", tác giả “Homo Sapiens” Harari chia sẻ trên trang web của mình.

Chắc chắn chúng ta phải sử dụng các công nghệ mới, nhưng những công nghệ này nên dùng để tăng sức đề kháng cho công dân. Chúng ta ủng hộ việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và huyết áp, nhưng dữ liệu đó không nên được sử dụng để tạo ra một quyền lực. Thay vào đó, dữ liệu đó sẽ cho phép chúng ta đưa ra các lựa chọn cá nhân sáng suốt hơn và chính phủ cũng chịu trách nhiệm cao hơn đối với các quyết định của mình. Ngày hôm qua thật sự không còn, nhưng tôi vẫn cần nó như một chỗ cách ly tâm lý. Cái mà chúng ta cần chung tay góp sức để bảo vệ chính là ngày hôm nay. Còn cái chúng ta hướng tới và là động lực để chịu đựng trong ngày hôm nay, chính là ngày mai, là tương lai an lành. Nhưng tương lai đó chắc chắn không phải chỉ là của một cá nhân, một cộng đồng,một quốc gia, mà là của toàn nhân loại.

Covid-19 là dịch bệnh toàn cầu. Chống lại nó chỉ có giải pháp toàn cầu. Nếu chúng ta chọn sự đoàn kết toàn cầu, đó sẽ là một chiến thắng không chỉ chống lại coronavirus, mà còn chống lại tất cả các dịch bệnh và khủng hoảng trong tương lai. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây nói đại ý rằng: Các nhà khoa học toàn cầu đang cùng WHO tìm ra vacxin chống lại Coronavirus, và vacxin đó chỉ có thể tiêm cho tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt một ai. Đó chính là thách thức, bởi vì nếu một người bị bỏ sót thì vẫn còn mầm dịch của tương lai.

Hôm qua đã ra đi, hiện tại dường như chậm lại, nhưng tương lai đang bước tới rõ ràng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới