Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 đẩy hàng triệu doanh nghiệp nhỏ Thái Lan đến bờ vực phá sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 đẩy hàng triệu doanh nghiệp nhỏ Thái Lan đến bờ vực phá sản

Lê Linh

(KTSG Online) – Hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trụ cột của nền kinh tế Thái Lan, đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần, có thể buộc họ phải dừng kinh doanh khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại làm u ám triển vọng phục hồi kinh tế. Để cứu họ, chính phủ Thái Lan dự định triển khai chương trình hỗ trợ trả 50% lương tháng cho người lao động ở các SME gặp khó khăn.

Covid-19 đẩy hàng triệu doanh nghiệp nhỏ Thái Lan đến bờ vực phá sản
Cảnh vắng vẻ ở đường phố Khaosan, Bangkok trong thời kỳ dịch bệnh. Khaosan vốn là khu du lịch bụi sầm suất trước đại dịch. Ảnh: Reuters

Dịch bệnh kéo dài, SME tổn thương nặng nề

Sangchai Theerakulwanich, Chủ tịch Liên đoàn SME Thái Lan, người đã kiến nghị chính phủ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ vào tháng trước, cho biết: “Làn sóng lây nhiễm hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với năm ngoái và hàng triệu doanh nghiệp nhỏ đang chịu tổn thương. Nếu tình hình này kéo dài đến cuối năm, đất nước sẽ lâm vào khủng hoảng, với 80% SME của chúng tôi sẽ phá sản”.

Các SME của Thái Lan, nhiều trong số đó hoạt động trong ngành du lịch, đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề kể từ khi Thái Lan đóng cửa biên giới vào năm ngoái, khiến nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á chứng kiến cơn suy thoái sâu nhất trong hơn hai thập kỷ.

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở Thái Lan ngày càng nghiêm trọng với số ca nhiễm và số ca tử vong liên tiếp tăng lên các mức kỷ lục mới, buộc chính phủ nước này áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội mới vào cuối tháng 6 vừa qua.

Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã nhiều lần kêu gọi tăng cường thanh khoản cho các SME vì họ đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế.

Nhưng cho đến nay, các nỗ lực bơm hàng tỉ đô la tín dụng với mức lãi suất thấp, cho phép giãn nợ và cung cấp tín dụng có tài sản bảo đảm vẫn chưa thể thổi sức sống mới cho các SME.

Thống đốc BoT, Sethaput Suthiwartnarueput, cho biết: “Tăng trưởng tín dụng đối với các doanh nghiệp lớn đã tăng hơn 10%/năm. Ngay cả đối với khu vực hộ gia đình, tăng trưởng tín dụng cũng tăng ở mức khoảng 4%/năm. Nhưng tăng trưởng tín dụng ở khu vực SME lại đang giảm”.

Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 3,1 triệu SME, sử dụng 12,7 triệu lao động. Phòng Thương mại Thái Lan tin rằng số lượng SME trên thực tế có thể lên tới 5 triệu, vì nhiều SME không đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng. Theo Văn phòng Xúc tiến doanh nghiệp SME  củaThái Lan, các SME đóng góp 35% GDP trong quí 1-2021.

Tháng trước, BoT hạ dự báo tăng trưởng của Thái Lan trong năm nay về mức 1,8% từ 3,8% trong lần dự báo hồi đầu năm do tiêu dùng trong nước suy yếu, triển vọng của ngành du lịch u ám. Trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp 20% GDP của Thái Lan, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Nhưng giờ đây, BoT dự báo chỉ có khoảng 700.000 du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay, giảm mạnh so với con số gần 40 triệu trong năm 2016.

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay tiền

Patcharabhorn Salacheep, 34 tuổi, sở hữu một doanh nghiệp vẽ tranh trên cơ thể (body painting), chủ yếu phục vụ người nước ngoài, đã dừng hoạt động các cơ sở ở Pattaya và Phuket vào năm ngoái do biên giới đóng cửa. Sau khi sa thải 70% nhân sự, cô vẫn có 3 cơ sở hoạt động ở chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok nhưng chỉ kiếm được khoảng 10% doanh thu so với trước đại dịch

Cô đang muốn vay tiền để duy trì hoạt động kinh doanh nhưng không chắc liệu có được các ngân hàng cho vay hay không. Patcharabhorn nói: “Nếu tôi không vay được, doanh nghiệp của tôi có thể thể trụ lại được trong năm nay. Chính phủ không bao giờ bồi thường cho những gì chúng tôi đang đối mặt. Những gì chính phủ cung cấp là tái cấu trúc nợ và các khoản cho vay. Điều này chỉ khiến chúng tôi gánh thêm nợ, trong lúc, chúng tôi gần như chẳng kiếm được đồng thu nhập nào cả”.

Các biện pháp hỗ trợ SME gần đây nhất của Thái Lan bao gồm 250 tỉ baht (7,8 tỉ đô la Mỹ) cho vay với lãi suất thấp dành cho hoạt động tái cấu trúc, 100 tỉ baht cho vay trong một chương trình cho phép SME chuyển nhượng tài sản cầm cố cho cho các ngân hàng và sau đó thuê lại chúng để kinh doanh hoặc có thể mua lại với giá hợp lý khi tình hình kinh doanh cải thiện

Kể từ khi các biện pháp này có hiệu lực hồi cuối tháng 4, khoảng 24% trong số 250 tỉ baht cho vay với lãi suất thấp đã được giải ngân. Theo Liên đoàn SME Thái Lan, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng ở khu vực SME đang ở mức 3.500 tỉ baht, bao gôm 240 tỉ baht bị xếp vào nợ xấu và khoảng 440 tỉ khác có thể trở thành nợ xấu vào cuối năm nay nếu nền kinh tế không cải thiện.

Sắp tới, chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ các SME nâng cấp hoạt động kinh doanh. Bắt đầu từ ngày 1-10, chính phủ Thái Lan sẽ trợ cấp 50-80% chi phí nâng cao năng suất, quản lý doanh nghiệp, tiếp thị và phát triển thị trường nước ngoài…cho các SME.

“Cung cấp thanh khoản cho các SME không phải một giải pháp giúp khắc phục mọi khó khăn nhanh chóng. Những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh và thu nhập tích cực mới có cơ hội được nhận các khoản vay lãi suất thấp.

Nếu doanh nghiệp của bạn vẫn đang quá trình tá cấu trúc nợ với các ngân hàng hoặc không thể tạo ra thu nhập hứa hẹn, bạn có thể không được vay”, Naris Sathapholdeja, nhà kinh tế của Ngân hàng TMBThanachart Bank ở Bangkok, nói. Sathapholdeja lưu ý các ngân hàng rất cẩn trọng trong giai đoạn này vì không muốn gánh núi nợ xấu.

Thống đốc BoT, Sethaput Suthiwartnarueput cũng cho biết không phải SME nào cũng được tiếp cận các biện pháp hỗ trợ, mà chỉ những doanh nghiệp có khả năng tồn tại cho đến khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Hôm 2-7, tờ Bangkok Post cho hay chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch phân bổ 60 tỉ baht (1,86 tỉ đô la) cho một chương trình hỗ trợ trả 50% mức lương hàng tháng cho người lao động của các SME gặp khó khăn vì dich bệnh. Nguồn ngân sách của chương trình được trích từ khoản vay 500 tỉ baht của Bộ Tài chính đã được Hạ viện Thái Lan thông qua hồi đầu tháng 6.

Danucha Pichayanan, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển kinh xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan (NESDC) cho biết các cơ quan chức năng đang nghiên cứu các chi tiết cấu trúc chương trình hỗ trợ trả lương cũng như xác định các SME đủ điều kiện nhận sự hỗ trợ này. Tháng trước, Phó Thủ tướng Thái Lan, Supattanapong Punmeechaow nói rằng những SME đủ điều kiện sẽ bao gồm những doanh nghiệp không vay được từ gói cho vay lãi suất thấp 250 tỉ baht của BoT. Ông nói chương trình hỗ trợ trả lương cho người lao động ở các SME có thể kéo dài trong 3-9 tháng.

Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đề xuất chính phủ đặt ra mức trần hỗ trợ trả lương là 15.000 baht (10,7 triệu đồng VN) /người lao động/tháng trong thời gian 3 tháng. Ngoài ra, FTI gợi ý chính phủ giảm 50% thuế VAT cho các SME để giúp họ giảm chi phí.

Theo Blooomberg, Bangkok Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới