Thứ Bảy, 3/06/2023, 11:49
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Covid-19 ‘đốt nóng’ thương mại điện tử ở châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19 ‘đốt nóng’ thương mại điện tử ở châu Á

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Các nhà bán lẻ thương mại điện tử khắp châu Á ghi nhận doanh số tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khi người tiêu dùng ồ ạt chuyển sang mua sắm trực tuyến vì tính tiện lợi và an toàn của nó.

Covid-19  ‘đốt nóng’ thương mại điện tử ở châu Á
Các nền tảng thương mại điện tử ở châu Á được hưởng lợi lớn nhờ làn sóng chuyển dịch mua sắm lên không gian mạng. Ảnh: Nikkei Asian Review

Khi các cửa hành bán lẻ trực tiếp, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu, gần như đóng cửa hoàn toàn theo lệnh phong của các chính phủ ở châu Á, đó cũng là lúc cơ hội mở ra đối với những nền tảng thương mại điện tử phục vụ thị trường ngách mà nhiều người tiêu dùng có thể chưa bao giờ truy cập vào trước đây.

Công ty dịch vụ quảng cáo số Criteo cho biết dữ liệu nghiên cứu thị trường của công ty này cho thấy hơn 50% người tiêu dùng ở châu Á-Thái Bình Dương giờ đây dự định mua sắm trực tuyến nhiều hơn do tác động của dịch Covid-19.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đang tăng lên ở các sản phẩm chăm sóc vệ sinh và sức khỏe cá nhân bao gồm khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cùng với các nhu yếu phẩm hàng ngày khác như các sản phẩm đồ uống và thực phẩm có thể bảo quản lâu”,  Zhou Junjie, Giám đốc thương mại của nền tảng thương mại điện tử Shopee (Singapore), nói.

Shopee được hưởng lợi lớn nhờ đại dịch Covid-19 với tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trên nền tảng này tăng 74,3% lên mức 6,2 tỉ đô la Mỹ trong quí 1-2020. Tổng lượng đơn hàng trên Shopee trong quí 1 đạt 429,8 triệu, tăng 111,2% so với con số 203,5 triệu vào cùng kỳ năm ngoái.

Thừa thắng xông lên, Shopee, một trong những nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Đông Nam Á, vừa tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá đến 50% và miễn phí giao hàng.

Trong tháng này, tập đoàn Sea Group, công ty mẹ của Shopee, cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và có thể tiến hành các thương vụ thâu tóm nhờ nguồn vốn 1 tỉ đô la Mỹ huy động được đợt phát trái phiếu chuyển đổi.

Zhou Junjie nhận định: “Tình hình dịch bệnh Covod-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch các thói quen cuộc sống lên không gian trực tuyến và chúng tôi nghĩ rằng sự chuyển dịch này rất sâu rộng và không thể đảo ngược”.
Các đấu thủ khác trong ngành thương mại điện tử cũng nhanh chóng thiết kế các cuộc vận động để nắm bắt sự chuyển dịch này và chống lại xu hướng tiêu thụ suy giảm tổng thể trên toàn cầu.

Cuộc khảo sát của Công ty dịch vụ quảng cáo số Criteo hồi tháng trước cho thấy 52% người tiêu dùng ở châu Á – Thái Bình Dương giờ đây dự định mua sắm trực tuyến nhiều hơn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuần trước, CapitaLand, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất châu Á, có trụ sở ở Singapore, cho biết sẽ giới thiệu sàn giao dịch trực tuyến có tên gọi eCapitaMall để bày bán hàng hóa của những nhà bán lẻ đang sử dụng mặt kinh doanh tại các khu mua sắm của CapitaLand ở Singapore. Khách đặt mua trực tuyến có thể yêu cầu giao hàng đến nhà hoặc tự đến lấy hàng ở cửa hàng. Bên cạnh đó, CapitaLand cũng ra mắt nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến Capita3Eats.

“Là nhà vận hành mạng lưới khu mua sắm lớn nhất Singapore, chúng tôi muốn hỗ trợ các nhà bán lẻ tiếp cận nhiều khách hàng hơn và nhiều cơ hội kinh doanh trực tuyến hơn”, Chris Chong, Giám đốc mảng bán lẻ của CapitaLand ở Singapore, nói.

Tại Trung Quốc, các nền tảng thương mại điện tử đang gia nhập một lễ hội mua sắm mới có tên gọi “Double Five”  kéo dài 2 tháng bắt đầu từ ngày 5-5 do thành phố Thượng Hải phát động. Theo Ủy ban Thương mại Thượng Hải, chỉ trong vòng 24 tiếng đầu tiên, lễ hội này mang về cho các nhà bán lẻ doanh số 2,2 tỉ đô la. Các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc đã cung cấp cho khách hàng lượng  phiếu mua hàng giảm giá trực tuyến trị giá hàng tỉ nhân dân tệ trong lễ hội này.

Công ty quản lý đầu tư Invesco (Mỹ) lưu ý rằng ở Trung Quốc, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ trực tuyến đạt đến mức 28,2% trong quí 1-2020, tăng so với 23% vào cùng kỳ năm ngoái khi giới chức trách Trung Quốc siết chặt các biện pháp phong tỏa đi lại để kìm hãm tốc độ lây lan của virus Covid-19.

“Các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể tiếp tục giành thêm thị phần từ thị trường bán lẻ. Chúng tôi tin rằng họ sẽ tập trung phát triển và cải thiện các phương thức tương tác với khách hàng để bảo đảm tăng doanh số bán lẻ trực tuyến”, William Yuen, Giám đốc đầu tư của Invesco, nói.

Thách thức mà các nhà bán lẻ thương mại điện tử đang đối mặt là vấn đề hoàn thiện đơn hàng mua các sản phẩm thiết yếu đang tăng vọt giữa lúc các dịch vụ giao hàng căng sức hoạt động và các chuỗi ung ứng trên toàn cầu bị gián đoạn do lệnh phong tỏa.

Để cải thiện tốc độ giao hàng, nền tảng thương mại điện tử Bukalapak, một kỳ lân khởi nghiệp ở Malaysia, đang hợp tác với các dịch vụ giao hàng Grab và Go-Jek.

Anugrah Mardi Honesty, Giám tốc Tiếp thị số của Bukalapak, cho biết: “Chúng tôi có nhiều sáng kiến để giữ chân khách hàng, chẳng hạn phát cho họ mã giảm giá cho lần mua hàng tiếp theo hoặc cho phép họ lựa chọn phương án giao hàng ngay”.

Trong khi đó, Go-Jek (Indonesia) tiết lộ các giao dịch ở dịch vụ giao hàng GoFood vào đầu tháng 5 tăng 10% so với thời điểm cuối tháng 4. Công ty này vừa bổ sung thêm các dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa thiết yếu từ các cửa hàng lợi ở Indonesia.

Go-Jek cũng đang hợp tác với Bộ Nông nghiệp Indonesia để hỗ trợ nông dân giao những mặt hàng nông sản mà họ bán được thông qua sàn giao dịch trực tuyến mới ra mắt của Bộ Nông nghiệp có tên gọi Mitra Tani Market.

“Trước dịch Covid-19, chúng tôi bán được khoảng 1-1,5 tấn gạo mỗi ngày. Trong thời kỳ dịch bệnh, lượng gạo bán được của chúng tôi tăng 25-50% nhờ sàn giao dịch Mitra Tani Market đi vào hoạt động”, Agus Widodo, một thương nhân bán gạo ở Indonesia, nói.

Clement Lee, người đồng sáng lập Công ty tư vấn bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến Synagie Corporation (Singapore), nhận định dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen và lối sống của người tiêu dùng và điều này sẽ là di sản của cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Ông nói: “Mọi người sẽ làm việc từ xa tại nhà và cũng mua sắm tại nhà. Điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử mà mọi doanh nghiệp phải nắm bắt”.

Theo Nikkei Asian Review

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới