Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19 không được xem là yếu tố ‘bất khả kháng’ để được cơ cấu nợ tiêu dùng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dịch Covid-19 không phải là điều kiện bất khả kháng để buộc các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, nên khách hàng cần phải chủ động hơn để các tổ chức tín dụng hiểu rõ tình trạng của mình nhằm có thể được tái cơ cấu nợ, theo các chuyên gia.

Nhiều công ty, nhà máy đóng cửa, giảm hoạt động khiến thu nhập của người lao động cũng giảm theo, thậm chí không còn. Nhiều người vay từ đó không có tiền để trả những khoản nợ vay tiêu dùng.

Theo quy định, các khoản vay tiêu dùng từ công ty tài chính được tái cấu trúc tương tự như các khoản vay kinh doanh của ngân hàng. Sau khi Thông tư 14 (cơ cấu nợ xấu vì Covid-19) có hiệu lực từ ngày 7-9, các công ty tài chính cho biết sẽ tăng tốc hỗ trợ khách hàng,

Dù việc hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp khách hàng, nhưng rất nhiều độc giả, khách hàng cho biết rằng họ không thể tiếp cận các phương án hỗ trợ này từ phía các công ty tài chính, rất nhiều đơn hỗ trợ rơi vào im lặng, không nhận được phản hồi.

 

Cần có phương án trả nợ

Khách hàng cần có kế hoạch trả nợ rõ ràng hơn các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu nợ. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chuyên gia cho rằng người đi vay cần phải chủ động hơn trong hồ sơ đề nghị được cơ cấu nợ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, các khoản vay tiêu dùng là giao dịch dân sự giữa hai bên, nên người đi vay phải giải quyết chứ không thể trông chờ vào các cơ quan chức năng liên quan để được hỗ trợ.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, xét về pháp lý thì khách hàng cần hiểu rằng dịch Covid-19 không phải là điều kiện bất khả kháng để trở thành lý do được cơ cấu nợ, nếu hợp đồng không được thỏa thuận từ trước, vì đây là khó khăn chung của tất cả mọi người.

Với hợp đồng tín dụng, khách hàng có quyền đề nghị tái cấu trúc nợ nhưng quyền tái cơ cấu là nằm ở các ngân hàng. “Khách hàng cần tránh ngộ nhận rằng các tổ chức tín dụng bắt buộc phải làm, thậm chí nếu có phát sinh tranh chấp thì họ sẽ bảo vệ quyền lợi của họ”, ông Hải nhận định.

Do đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị hiện nay chỉ có phương án gửi đề xuất hỗ trợ cơ cấu nợ. Việc xử lý đề xuất này thì lại không thể nói trước được điều gì, vì chúng còn phụ thuộc vào chính sách mỗi đơn vị.

Dù vậy, theo ông Hải, một yếu tố quan trọng mà tổ chức tín dụng đánh giá là xem khách hàng có khả năng trả nợ được hay không. “Khách hàng cần thể hiện ra cho ngân hàng biết là năng lực trả nợ sau đó ra sao, để cho ngân hàng trên cơ sở đó quyết định”, ông Hải nói.

Tương tự, ông Hiếu cho rằng hiện nay mọi người đều mong muốn hoãn nợ cho tới thời điểm khách hàng có thể trả được nợ, nên điều đầu tiên là khách hàng phải đưa ra được thời điểm nào có thể trả nợ. “Nếu không đưa ra phương án thì ngân hàng cũng không làm thay được việc này của khách hàng”, ông Hiếu nói.

Với các doanh nghiệp, phương án trả nợ là có thể là phương án kinh doanh sau dịch Covid-19, còn với người dân, phương án trả nợ có thể đơn giản chỉ là khi nào đi làm lại, có thu nhập để trả nợ hay không, hay đơn giản hơn là thời điểm dự kiến đi làm lại, khoản tiền nào để trả nợ, ông Hiếu bình luận.

Từ ngày 1-10, các hoạt động kinh tế tại TPHCM dần trở lại sẽ giúp kế hoạch trả nợ dần rõ ràng hơn. Ảnh: Lê Vũ

Phía ngân hàng cũng phải rõ ràng

Hiện nay, không chỉ có khách hàng của công ty tài chính, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phản ánh rằng đã nộp đơn xin ngân hàng, công ty tài chính hỗ trợ trong mùa dịch nhưng thường rơi vào im lặng, không ai phản hồi, hoặc từ chối không có lý do rõ ràng.

Ông Hiếu cho rằng các ngân hàng ngại đưa ra tiêu chí cụ thể vì sợ bị ràng buộc, thậm chí có nguy cơ bị kiện. Dù vậy, ngân hàng cũng nên đưa ra những tiêu chí chung để hướng dẫn cho khách hàng, chẳng hạn như một số tiêu chí về thu nhập giảm bao nhiêu, có khả năng phục hồi như thế nào, khi nào thì phục hồi được.

Thực tế hiện nay, minh bạch phần nào thông tin hỗ trợ từ phía ngân hàng là vấn đề quan trọng để cải thiện niềm tin vào các chính sách hỗ trợ thị trường từ phía các tổ chức tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước công khai số tiền hỗ trợ lãi suất của từng ngân hàng trong cam kết đồng thuận giảm lãi suất đưa ra từ giữa tháng 7, và sẽ có báo cáo theo từng tháng.

Ngoài ra, cũng có một số khách hàng phản ánh rằng các tổ chức tín dụng hoãn trả nợ nhưng chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn như khách hàng hoãn trả nợ đến tháng 1 năm sau, nhưng ngay sau đó phải trả luôn khoản gốc và lãi đã được cơ cấu hoãn, cũng làm nặng gánh người vay. Ông Hiếu cho rằng nên hoãn trả nợ 12 tháng, sau đó tiếp tục trả nợ như lịch cũ thì mới có đảm bảo được sự cân bằng dòng tiền giữa thu nhập và trả nợ.

Liên quan đến việc cơ cấu nợ xấu vì Covid-19 cho người vay, trước đó các ngân hàng cũng đưa ra nhiều góp ý sửa đổi trong dự thảo, nhưng Thông tư 14 về cơ bản chỉ nới rộng về các dấu mốc thời gian, bao gồm việc hỗ trợ các khoản nợ trước ngày 1-8 và kéo dài cơ cấu nợ đến thời điểm giữa năm sau. “NHNN nên có chính sách thiết thực và hợp lý hơn để đảm bảo ngân hàng, công ty tài chính có thể chủ động tiến hành cơ cấu nợ vì các đơn vị này vẫn bị ảnh hưởng bởi việc tính toán tỷ lệ nợ xấu, số tiền nợ xấu và các vấn đề liên quan”, ông Hải góp ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới