Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid 19, ngành gỗ chỉ còn cầm cự 2-3 tháng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid 19, ngành gỗ chỉ còn cầm cự 2-3 tháng

Vũ Dung

(TBKTSG Online) – 15 container hàng nội thất xuất khẩu đi Mỹ của công ty Woodland đang chưa thể hoàn tất do thiếu một số phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. “Ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm nghìn đô la Mỹ”, vị chủ tịch của công ty cho biết.

Covid 19, ngành gỗ chỉ còn cầm cự 2-3 tháng
Covid-19 là cơ hội ngành gỗ trong nước giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hùng Lê.

Cầm cự trong 2-3 tháng

Ông Vũ Hải Bằng, người đã có hàng chục năm sản xuất trong ngành chế biến gỗ nội thất, tủ bếp, ván công nghiệp xuất đi Mỹ, dần thấm đòn từ dịch Covid 19 đang hoành hành ở Trung Quốc. Dù công ty chỉ nhập khoảng 5% nguyên phụ liệu từ thị trường này, nhưng nếu không có, toàn bộ dây chuyền sản xuất phải ngưng trệ, không thể xuất khẩu đơn hàng theo đúng thời hạn.

“Chúng tôi đang làm trước một số khâu và sẽ xuất bù khi tìm được nguồn phụ kiện mới thay thế”, ông Bằng nói.

Phân tích về chuỗi giá trị sản phẩm gỗ của mình, ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc, Chủ tịch Tiến đạt Furniture Corporation cho hay, chi phí về gỗ chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản phẩm. Đây là nguồn mà doanh nghiệp có thể tự chủ được từ thị trường nội địa và nhập khẩu tại một số thị trường ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, 65% chi phí khác, trong đó có một phần rất lớn như sơn, keo, ốc vít, giấy dán… lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Rất nhiều phụ liệu cho ngành gỗ phải nhập từ Trung Quốc. Do đó, nếu nguồn nguyên liệu này không được khai thông trong 2-3 tháng tới, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp”, ông Lập nói.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp gỗ đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19. Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends, Trung Quốc là nơi tiêu thụ và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ chế biến cho thị trường Việt Nam. Không chỉ vậy, Việt Nam còn nhập giá trị lớn nguồn phụ liệu từ quốc gia này. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn, có thể chỉ cầm cự sản xuất trong vòng 2-3 tháng tới.

Theo phân tích của ông Phúc, dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt gần 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trong cùng năm. Dịch viêm phổi cấp làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này.

Ngược lại, các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt gần 400 triệu đô la Mỹ, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam trong cùng năm. Covid-19 đã làm cho luồng cung này bị dừng lại.

“Lượng hàng đã nhập trước đó có thể giúp doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu trong vòng 2-3 tháng nữa. Hết giai đoạn này, nếu dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất”, ông Phúc nói.

Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc. Hiện nguồn cung này cũng bị chững lại.

Cơ hội giảm phụ thuộc Trung Quốc

Mới đây, hiệp hội gỗ đã chọn ra 18 doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam gặp gỡ các nhà mua hàng từ thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Họ sẽ đánh giá về năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội, đâu là những điểm yếu mà họ cần khắc phục để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường của họ. Đây là một trong những nỗ lực của doanh nghiệp gỗ trong nước nhằm lấp đầy khoảng trống đơn hàng mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại.

“Những vấn đề mà doanh nghiệp Việt cần cải tiến chủ yếu liên quan tới vấn đề an toàn và môi trường”, ông Lập nói và cho biết thêm, sau khi cải tiến chất lượng sản phẩm, những doanh nghiệp này sẽ có nhiều khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là một trong những cơ hội mà ngành gỗ có thể tận dụng. Bên cạnh đó, theo ông Tô Xuân Phúc, dịch Covid 19 cũng là lúc mà ngành gỗ đưa ra giải pháp mạnh mẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hiện nay, lãnh đạo công ty Woodland đang tìm kiếm nhà cung ứng tại Việt Nam. Theo ông Bằng, hiện nay có hai loại là sơn phủ bề mặt và một số phụ kiện các doanh nghiệp phía Nam có thể sản xuất được, nhưng để đáp ứng được số lượng và chất lượng, Woodland sẽ phải mất khoảng 2-3 tháng để xây dựng chuỗi cung ứng mới.

“Tình hình sản xuất của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng trong một vài tháng đầu, còn lại doanh nghiệp sẽ có cách giải quyết”, ông Bằng nói.

Đối với Tiến Đạt, công ty đang tìm nguồn gỗ ván ép tại thị trường trong nước, tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có thể đạt được tiêu chuẩn an toàn để xuất sang thị trường Mỹ. Giá gỗ ván ép đang tăng rất mạnh, từ 10-15% và nhu cầu nguồn nguyên liệu này chưa bao giờ lớn như hiện nay.

“Tôi hy vọng đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ép trong nước sản xuất sản phẩm chất lượng, thay thế được nguồn ván gỗ từ Trung Quốc”, ông Lập nói.

Ngoài ván, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang tìm kiếm nguồn cung phụ liệu, hoá chất từ các thị trường khác như Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Thực tế, ông Lập cho rằng, nguồn phụ liệu này chỉ đắt hơn so với nguồn từ Trung Quốc khoảng 3%, song do gần cận, tương đồng văn hoá và thói quen, các doanh nghiệp Việt Nam bấy lâu nay vẫn nhập nguồn từ Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gỗ tìm nguồn cung ứng mới.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong hiệp hội đang vận động một số doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành gỗ, thay vì xuất khẩu, có thể bán cho các doanh nghiệp nội địa. Đồng thời, khuyến khích họ mở rộng dây chuyền sản xuất, tăng công suất phục vụ cho chuỗi cung ứng gỗ. Hy vọng với những bước đi này, doanh nghiệp có thể giảm dần phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.

Mời đọc thêm:

Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam: Triển vọng tích cực!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới