Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Covid-19, thời của nhiều bất định khó lường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Covid-19, thời của nhiều bất định khó lường

Triêu Dương

(TBKTSG) – Các nhà đầu tư chứng khoán có thể đã từng nghĩ dịch Covid-19 ắt hẳn sẽ có những tác động lên nền kinh tế và các thị trường tài chính, nhưng mức độ tàn phá gây ra thiệt hại nặng nề như trong những ngày vừa qua có lẽ là điều ít người dám nghĩ tới.

OPEC và Mỹ bất ngờ thảo luận hợp tác giảm sản lượng dầu

Doanh nghiệp cần làm gì để chống dịch?

Covid-19, thời của nhiều bất định khó lường
Ảnh: Getty Images

Từ hỗn loạn đến bất định

Danh thủ Cristiano Ronaldo chắc không thể nào ngờ rằng, những thông tin ít ỏi vào đầu năm nay về dịch bệnh do virus corona chủng mới khởi phát ở một nhúm người tại Vũ Hán, một thành phố của Trung Quốc cách thành phố Torino của Ý hơn 8.800 ki lô mét, sẽ khiến anh phải tạm ngưng chơi bóng ở giải Seria A hai tháng sau đó.

Hay như mới hồi đầu tháng 2-2020, câu lạc bộ Inter Milan còn quyên góp 300.000 chiếc khẩu trang tới Vũ Hán, cũng sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc chỉ hơn một tháng sau, cả đất nước Ý sẽ rơi vào tình trạng bị phong tỏa do dịch Covid-19.

Hiệu ứng cánh bướm với câu nói nổi tiếng “Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas” có lẽ không thể nào phù hợp hơn để mô tả câu chuyện trên. Một sự kiện nhỏ nhoi ban đầu xảy ra ở tận đẩu tận đâu có thể diễn tiến theo mọi cách không lường trước, và trở thành những vấn đề mang tính toàn cầu, tác động đến mỗi cá nhân theo những tình huống không ai có thể ngờ tới.

Khi các chính sách gần như không thể đoán trước được, vì ngay cả Fed – ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới – cũng không thể giữ nổi các cam kết, định hướng đã đặt ra trước đó, thì nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cũng hoàn toàn thiếu các cơ sở để dựa vào khi xây dựng các chiến lược, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh dài hạn, dẫn đến những hoạt động “ăn xổi ở thì” là khó tránh.

Đi kèm với thuyết hỗn loạn, những yếu tố bất định cũng đang phủ sóng dày đặc trong những ngày vừa qua. Về cơ bản, thuyết bất định là một nguyên lý quan trọng của cơ học lượng tử do nhà vật lý lý thuyết người Đức Werner Heisenberg phát triển.

Nguyên lý này phát biểu rằng: “Ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác”.

Mở rộng ra, thuyết này hàm ý mọi thứ sẽ có những diễn tiến không như cách mà chúng ta từng suy nghĩ, thấu hiểu.

Có những thứ chúng ta nghĩ rằng mình biết chắc, nhưng khi đặt vào tình thế hiện nay thì hoàn toàn vô nghĩa, khi các tình huống có thể đột ngột thay đổi và phản ứng theo những cách trái với những hành vi thông thường trong điều kiện bình thường, vì có quá nhiều yếu tố bất ổn và đủ mạnh để làm thay đổi mọi nguyên tắc. Trong tình hình rối loạn, nguyên lý hỗn loạn và bất định lại càng thể hiện sâu sắc.

Sự bất định được minh họa rõ nhất qua những phát ngôn và động thái của các lãnh đạo và các nhà làm chính sách gần đây. Mới hôm nào Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tự tin tuyên bố các ca nhiễm virus corona tại Mỹ “trong một vài ngày tới sẽ giảm xuống con số 0”, và cho rằng mức độ thương vong còn thua xa cúm mùa, nhưng chỉ vài ngày sau đó cũng chính ông đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp cho nước Mỹ do dịch Covid-19.

Hay như tại Anh, quan điểm đối phó với dịch bệnh cũng xoay như chong chóng, từ thả lỏng không kiểm soát để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, chuyển sang sử dụng các biện pháp mạnh và mở rộng ngân sách y tế để dập dịch và ngăn chặn lây lan; từ việc vẫn cho phép tụ tập đông người và các sự kiện thể thao diễn ra bình thường, chuyển sang cấm tiệt các hoạt động nhiều người và sẵn sàng chủ động cách ly người trên 70 tuổi để bảo vệ họ khỏi sự lây lan.

Rõ ràng, nhìn vào đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Ý dẫn đến tình trạng phong tỏa đất nước, và tiếp đó là Tây Ban Nha, có lẽ ít chính phủ nào dám khăng khăng giữ nguyên quan điểm như ban đầu, thay vào đó phải luôn linh hoạt để đối phó.

Như tại Việt Nam, trong tuần đầu tiên của tháng 3, những tưởng số ca nhiễm bệnh sẽ dừng lại ở con số 16 và có thể sớm tuyên bố hết dịch, nhưng rồi ca nhiễm thứ 17 đã phá vỡ mọi dự tính và số người nhiễm bệnh cứ tiếp tục tăng lên kể từ đó đến nay, khiến Chính phủ càng phải mạnh tay hơn trong các giải pháp chống dịch.

Không thể nói trước được điều gì

Ở các hoạt động kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã phải thừa nhận rằng việc dự báo tăng trưởng kinh tế thời điểm này là rất khó khăn, khi không thể nói trước được liệu nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm đến mức nào và trong bao lâu.

Thực tế những kịch bản thiệt hại hay xác suất đưa ra hiện nay chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ tâm lý và chỉ có một cơ sở nhất định nào đó để các nhà làm chính sách đánh giá, còn mọi việc chính xác sẽ đi về đâu là điều nằm ngoài mọi dự báo.

Đơn cử như việc các nhà đầu tư chứng khoán có thể đã từng nghĩ Covid-19 ắt hẳn sẽ có những tác động lên nền kinh tế và các thị trường tài chính, nhưng mức độ tàn phá gây ra thiệt hại nặng nề như trong những ngày vừa qua có lẽ là điều ít người dám nghĩ tới.

Hay như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ giảm mạnh lãi suất 0,5 điểm phần trăm và giảm tiếp 1 điểm phần trăm chỉ chưa đầy hai tuần sau đó, dù chưa đến cuộc họp chính thức, không chỉ khiến tất cả thị trường tài chính bất ngờ, mà còn dẫn đến những diễn biến rối loạn ngoài tầm kiểm soát và trái với những nguyên tắc thông thường.

Về cơ bản, khi Fed hay các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, bơm tiền, các kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán sẽ được hỗ trợ và tăng giá, tuy nhiên thực tế là sau đó chứng khoán đã chìm sâu sau động thái được cho là hoảng loạn này của Fed.

Hiện tại những hiệu ứng của chính sách khiến các thị trường phản ứng theo cách gần như không ai đoán được. Thậm chí ngay cả các tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu cũng đang có dấu hiệu bị bán tháo, thay vì được mua vào trong bối cảnh rủi ro như hiện nay, bất chấp các biện pháp nới lỏng tiền tệ vốn sẽ thúc đẩy các tài sản này tăng giá.

Tuy nhiên, ngay cả việc các chính sách phản ứng dựa trên cơ sở các dữ liệu kinh tế được thống kê và công bố có thể cũng không phải luôn đúng đắn. Theo chuyên gia kinh tế James Rickard trong tác phẩm Sự lụi tàn của đồng tiền, các phép đo tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập và những chỉ số khác đều được các ngân hàng trung ương giám sát một cách chặt chẽ và xem đó là cơ sở để đưa ra quyết sách.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm và tỷ lệ lạm phát tăng có thể là dấu hiệu của việc cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi giá tài sản giảm có thể cho thấy cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách phản ứng lại với các vấn đề của nền kinh tế bằng cách thiết kế chính sách sao cho chúng có thể cải thiện được dữ liệu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là sau một thời gian, bản thân dữ liệu có thể không còn phản ánh thực trạng nền kinh tế nữa mà chỉ là kết quả của một chính sách có chủ định được đưa ra trước đó. Nếu những dữ liệu này lại được sử dụng làm chỉ dẫn cho chính sách tiếp theo, tức là ngân hàng trung ương đã rơi vào vòng luẩn quẩn không hồi kết, trong đó những dấu hiệu sai dẫn đến chính sách sai, chính sách sai này lại tạo ra những chỉ dẫn sai hơn và sự lũng đoạn chính sách nghiêm trọng hơn, và tiếp tục cứ thế…

Chính sách sẽ ngày càng xa rời thực tế. Nhìn vào động thái nới lỏng tiền tệ quyết liệt của các ngân hàng trung ương nói chung và Fed nói riêng gần đây, thật khó để nói liệu có cần thiết, phù hợp không, hoặc đã đủ cường độ hay chưa trong tình hình này.

Khi các chính sách gần như không thể đoán trước được, vì ngay cả Fed – ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới – cũng không thể giữ nổi các cam kết, định hướng đã đặt ra trước đó, thì nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cũng hoàn toàn thiếu các cơ sở để dựa vào khi xây dựng các chiến lược, mục tiêu và kế hoạch kinh doanh dài hạn, dẫn đến những hoạt động “ăn xổi ở thì” là khó tránh.

Còn trên thị trường tài chính, hoạt động đầu tư dài hạn hiện nay dường như quá xa vời và không còn nhiều ý nghĩa, khi một khoản đầu tư nghĩ là an toàn nhưng cũng có lúc trở nên rủi ro cao độ và gây thiệt hại bất kỳ lúc nào.

Thay vào đó, các hoạt động đầu cơ lướt sóng chiếm ưu thế, khi các vị thế giao dịch ngắn hạn dựa trên tin tức hàng ngày, tin đồn, thậm chí tin giả mạo trở nên phổ biến hơn, trong khi những tin kiểu này cũng thay đổi chóng mặt ngày này qua ngày khác khiến không ít người cũng thay đổi xoành xoạch các chiến lược bán mua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới