CPI 9 tháng vọt lên 5,13%
Minh Tâm
![]() |
Áp lực lạm phát tăng trở lại đang đè nặng lên người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Minh Tâm |
(TBKTSG Online) – Tiếp theo đà tăng giá diễn ra trong tháng 8, giá cả nhiều mặt hàng tiếp tục tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn cả nước trong tháng 9 tăng mạnh, 2,2% so với tháng trước. CPI 9 tháng lên mức 5,13% so với tháng 12-2011. Nguy cơ lạm phát quay trở lại rất dễ xảy ra.
Báo cáo thống kê vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24-9 cho thấy, 11/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI đều đã tăng giá trong tháng 9. Trong đó, có những nhóm tăng rất mạnh, ở mức 2 con số.
Cụ thể, tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 17,02% so với tháng 8. Trong đó, chỉ tính riêng dịch vụ y tế, mức tăng đã tới 23,87%. Điều này cho thấy, người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo đã oằn mình chịu giá thuốc, viện phí.
Cũng tăng cao ở mức hai con số là nhóm giáo dục. Trong tháng 9, tháng có sự kiện khai giảng năm học mới 2012-2013, nhóm giáo dục tăng giá 10,54% so với tháng 8. Lực đẩy của mức tăng này chính là việc tăng học phí tại các trường học, nhất là các trường dân lập cũng như các khoản thu đầu năm học.
Nhóm giao thông, với lần tăng giá xăng hôm 28-8 (nằm trong thời gian lấy số liệu tháng 9) và các đợt điều chỉnh cước vận tải theo giá xăng, được ghi nhận tăng 3,83%. Tương tự, nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng, chất đốt cũng được ghi nhận tăng 2,18% do gas tăng giá thêm 50.000 đồng/bình 12kg hôm 1-9 và giá thuê phòng trọ, nhà ở bị đẩy lên khi vào năm học mới.
Các nhóm hàng hóa kể trên tăng rất cao nhưng CPI của tháng ở mức 2,2% như công bố là do nhóm hàng hóa quan trọng chỉ tăng nhẹ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số trên 40% trong rổ tính CPI trong tháng 9 chỉ tăng 0,08% khi lương thực tăng 0,35%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27% và thực phẩm giảm 0,07%.
Các nhóm còn lại như đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị, đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông… tăng dưới 0,5%.
Tính chung, CPI 9 tháng của năm 2012 tăng 5,13% so với tháng 12-2011. CPI theo năm (so với cùng kỳ) tăng 6,48%.
![]() |
Sáu 8 tháng liên tiếp tăng ở mức nhẹ, thậm chí âm, chỉ số giá trong tháng 9 đã tăng vọt. Đồ họa theo số liệu của Tổng cục Thống kê. |
Như vậy, sau hai tháng 6 và 7 âm liên tiếp làm dấy lên mối lo về nguy cơ giảm phát, CPI tháng 8, tháng 9 đã quay đầu tăng trở lại. Chỉ số giá 9 tháng cũng đã ở mức 5,13%, cách không xa so với chỉ tiêu do Chính phủ đề ra. Liệu nguy cơ lạm phát cao quay đầu trở lại có diễn ra?
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, mức tăng CPI của tháng 9 là quá cao, cao nhất từ đầu năm đến nay cũng như cao nhất trong các tháng 9 của các năm vừa qua. Các nhóm hàng tuy không có vai trò quyết định nhưng chiếm tỷ trọng khá trong rổ hàng hóa tính CPI như giáo dục, thuốc và dịch vụ y tế đã tăng cao ở mức đáng kinh ngạc. Theo ông Ánh, đây là những áp lực đẩy lạm phát và lạm phát tăng cao trở lại. Điều này đặt ra yêu cầu Chính phủ phải điều hành cực kỳ thận trọng.
Nói về các chính sách điều hành, ông Ánh cho biết, ở các nước, điều hành kinh tế vĩ mô chỉ liên quan đến chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhưng ở Việt Nam, đó còn là chính sách giá đối với các nguyên vật liệu thiết yếu và các dịch vụ khác. Do vậy, việc điều hành còn phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi cần có sự phối hợp thống nhất để hướng đến mục tiêu dài hạn là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng.
Còn trước mắt, năm 2012, áp lực lạm phát tăng cao trở lại là rất lớn. Suốt 8 tháng năm 2012, chỉ số giá duy trì ở mức 2,86% so với tháng 12-2011. Nhưng chỉ với mức tăng 2,2% của tháng 9, CPI đã vọt lên trên 5%. Nếu giả định các tháng còn lại giữ ở mức 1% thì CPI cả năm cũng đến 8%. Nhưng nếu tăng cao như tháng 9 thì mục tiêu lạm phát một con số như Chính phủ đề ra khó lòng đạt được.
Do vậy, theo ông Ánh, Chính phủ cần rất thận trọng với các chính sách. Ở thời điểm hiện tại, khi chính sách tiền tệ và tài khóa đều đã nới lỏng với việc giảm lãi suất, tăng chi tiêu công thì càng phải thận trọng hơn với chính sách giá cả. Trong tháng 8, tháng 9, chỉ có các tỉnh thành áp dụng giá dịch vụ y tế mới mà CPI đã tăng vọt như vậy thì đến khi Hà Nội áp dụng thì chắc chắn sẽ tạo sức ép lớn.
Trở lại với thống kê tháng 9, Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận khu vực thành thị có chỉ số tăng 2,14% so với tháng 8, thấp hơn mức tăng của khu vực nông thôn (tăng 2,24%). Bên cạnh đó, CPI tại tất các các địa phương trên cả nước đều tăng trong tháng qua, đáng chú ý ở tỉnh thành tăng trên mức trung bình của cả nước như Gia Lai (CPI tăng 5,18%); Vĩnh Long (tăng 10,05%)…