Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CPI mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CPI mới

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Chiếc ti vi đen trắng đã có mặt trong “rổ” tính chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng (CPI) kỳ gốc cách đây 15 năm và nay đã bị Tổng cục Thống kê (TCTK) loại ra khỏi danh sách mặt hàng được lấy giá cho thời kỳ 2009-2014. Ti vi nay vẫn có mặt, nhưng là loại LCD. Những thay đổi trong đời sống người Việt đã khiến rổ hàng hóa để tính CPI thay đổi, nhằm giúp cho việc tính toán chính xác hơn.

“Mặt hàng nào mà người dân không dùng nữa thì chúng tôi không tính. Việc thay thế một số mặt hàng và tăng thêm 78 mặt hàng đang lưu thông mạnh trong “rổ” tính CPI mới là sát hợp. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà CPI tăng theo vì có mặt hàng tăng giá so với trước và có mặt hàng hiện đại hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá giảm”, bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại-dịch vụ và giá cả (TCTK) nói với TBKTSG về cách tính CPI mới. Ví dụ như mặt hàng ti vi: “Trước đây, chiếc ti vi đen trắng 14 inches giá có thể đắt đến vài tháng thu nhập của một công chức. Nay chiếc ti vi LCD có thể chỉ là một tháng thu nhập của họ”.

Ngoài chuyện tính toán lại rổ hàng hóa, ngành thống kê cũng tính lại quyền số của các nhóm hàng hóa cho thời kỳ 2009-2014 nhằm phù hợp với cách tiêu dùng của người Việt đã thay đổi nhiều so với trước. “Cách tính CPI cũ dựa trên các tiêu chí từ cách đây năm năm. Lúc đó người dân ăn lương thực, thực phẩm nhiều hơn nên quyền số của nhóm hàng này lớn. Còn nay, dù lương thực, thực phẩm vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu chi tiêu của người dân nhưng phần chi tiêu dành cho bưu chính – viễn thông, giáo dục và đi lại cũng tăng nhiều, vì vậy nhóm hàng này có quyền số tăng”, bà Hằng giải thích.

Nếu theo cách tính với quyền số cũ thì mức tăng CPI tháng 1 vừa qua có thể là 1,5%, thay vì 1,36% theo cách tính mới. Đây là mức tăng theo quy luật, không có gì bất thường, cả ông Vũ Đình Ánh (Phó viện trưởng Viện Khoa học – tài chính giá cả) và bà Hằng đều nhận định như vậy. Tuy nhiên, bà Hằng cũng lưu ý thêm là mức tăng 1,36% là dựa trên nền CPI tháng 12-2009 đã tăng 1,38% nên không thể chủ quan.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nguy cơ đáng kể nhất của kinh tế vĩ mô là vấn đề lạm phát. Theo ông, để ngăn ngừa lạm phát cao phải kiểm soát được hàng nhập khẩu mà trong “rổ” hàng hóa tính CPI hiện nay, có nhiều mặt hàng thuộc nhóm nhập khẩu này. Cũng lo lắng về lạm phát, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, e ngại chuyện tăng lương tối thiểu, vấn đề đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội… làm tăng sức mua có khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư. Khi tiêu dùng tăng, tỷ lệ tiết kiệm giảm, thì lạm phát là đáng ngại.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, việc dự báo CPI chính xác hơn sẽ giúp doanh nghiệp lường được tình hình và lên kế hoạch kinh doanh một cách hợp lý vì CPI có mối quan hệ mật thiết với lãi suất tiền gửi ngân hàng. “Dự báo chính xác về lạm phát sẽ giúp doanh nghiệp có nhận định về triển vọng diễn biến lãi suất”, ông Ngoạn nói.

Như vậy CPI tính theo cách mới phần nào nói lên lối sống, tiêu dùng người Việt đã thay đổi. Cái quan trọng là từ những sự đổi thay đó, sức tác động lan tỏa ra toàn bộ nền kinh tế vĩ mô lại rất sâu sắc và tác động ngược lại chính sự tăng trưởng và ổn định của cuộc sống người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới