Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CPI tăng thấp hơn mục tiêu nhưng chưa vội mừng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CPI tăng thấp hơn mục tiêu nhưng chưa vội mừng

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của cả nước được ghi nhận chỉ tăng 0,27% so với tháng 11 nên đã giúp giữ CPI của 12 tháng tăng 6,81%. Tuy nhiên, theo chuyên gia, không nên vội mừng với con số này vì những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao vẫn chưa được giải quyết.

CPI thấp hơn mục tiêu của Chính phủ

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố chiều 24-12, trong tháng 11, 9/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng 11. CPI tháng 12 theo đó tăng 0,27% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng có quyền số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28% khi các thành tố là lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình lần lượt tăng 0,13%; 0,28% và 0,4% so với tháng trước.

Tăng cao nhất trong các nhóm hàng tháng này là may mặc mũ nón, giày dép với 1,17% so với tháng 11.

Bảy nhóm khác được ghi nhận tăng nhẹ. Chẳng hạn nhóm nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,32%; giáo dục tăng 0,9%; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, chất đốt tăng 0,15%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,59%…

Hai nhóm còn lại giảm giá là giao thông (giảm 0,43%), bưu chính viễn thông (giảm 0,02%).

Như vậy, so với tháng 12- 2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,81%, thấp hơn con số mà Chính phủ đặt chỉ tiêu là khoảng 8% cho năm 2012.

CPI tăng thấp hơn mục tiêu nhưng chưa vội mừng
Diễn biến của chỉ số giá năm 2011 và 2012 rất khác nhau. Màu xanh là CPI của năm 2012 và màu hồng là năm 2011. Đồ họa theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên, tính riêng từng nhóm hàng, nhiều nhóm đã tăng mạnh so với năm ngoái hoặc cao hơn mức trung bình. Ví dụ, thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 45,23%, trong đó dịch vụ y tế tăng 63,58%; nhóm giáo dục tăng 16,97%; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 9,18%…

Không vội mừng

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, lạm phát ở mức thấp như mục tiêu đề ra nhưng lo nhiều hơn mừng. Bởi giá giảm không phải vì năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng mà do sức mua suy kiệt.

Theo ông Long, có 5-7 nguyên nhân có thể dẫn ra để lý giải CPI thấp trong năm qua, ví dụ như tỷ giá ổn định nhờ tác động của các chính sách vĩ mô nhưng thực sự chỉ có 3 nguyên nhân chính. Đó là tổng cầu giảm do sức mua giảm, tồn kho lớn dù nguồn cung không tăng và giá thế giới liên tục giảm từ cuối năm 2011.

Ông Long nói: "CPI tăng thấp nhưng không đáng mừng vì những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao là năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp vẫn chưa được cải thiện. Và dương như, vòng luẩn quẩn cứ hai năm lạm phát tăng cao, một năm tăng thấp đang lặp lại".

Cũng theo ông Long, điểm đáng lưu ý là CPI năm nay thấp vì nhóm lương thực thực phẩm, nhóm chiếm quyền số đến 40% liên tục giảm. Điều đó đã tác động trực tiếp đến thu nhập của người nông dân, những người làm nên các sản phẩm này. Trong khi đó, chỉ số tăng giá ở khu vực nông thôn lại cao hơn khu vực thành thị do những mặt hàng phi nông nghiệp tăng giá.

"Đời sống người nông dân khó khăn. Nhiều địa phương thực hiện các chương trình bình ổn giá nhưng chủ yếu lại đổ vào các thành phố lớn. Vì vậy, những đối tượng cần được quan tâm nhiều lại chưa được thụ hưởng bao nhiêu", ông Long nói.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Giám sát tài chính lý giải cho việc lạm phát năm nay không cao dù Việt Nam đã tung tiền đồng mua vào 10 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, nguyên nhân nằm ở việc tổng cầu suy giảm nghiêm trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới