Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CPI tháng 3 sẽ quyết định xu thế cả năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CPI tháng 3 sẽ quyết định xu thế cả năm

Thủy Triều

Ông Vũ Đình Ánh. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Từ ngày 21-2, các công ty xăng dầu đã quyết định tăng giá xăng thêm 590 đồng/lít, việc này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và cả năm 2010 như thế nào, liệu Việt Nam có thể kềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm nay không? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả của Bộ Tài chính, về vấn đề này.

TBKTSG Online: Thưa ông, việc điều chỉnh tăng giá xăng ngày 21-2 liệu ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2 và tháng 3?  

TS. Vũ Đình Ánh: Theo tôi, việc tăng giá xăng thời điểm này là khá bất ngờ vì trong một thời gian dài giá dầu giảm mà giá xăng chỉ giảm rất ít gọi là khuyến mãi cho năm mới, trong khi lại tăng mạnh đến gần 600 đồng/lít.  

Chỉ số CPI tháng 2 sẽ không bị ảnh hưởng vì thông thường người ta đi lấy giá từ ngày 15-2, năm nay rơi vào ngày mùng 2 tết nên có thể dời đến ngày mùng 6 tết (19-2). Như vậy, CPI tháng 2 sẽ không bị ảnh hưởng nhưng chắc chắn việc tăng giá xăng sẽ có tác động đến CPI của tháng 3, vốn được xem là tháng quyết định xu hướng giá cả của cả năm. Đây là tháng rất nhạy cảm.  

Vì sao, thưa ông?

Vì theo thông lệ các năm, chúng ta chấp nhận sự tăng giá trong tháng 1, tháng 2 như một điều bình thường vì nó rơi vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng tháng 3 là điểm chốt để quyết định xu thế cho cả năm. Nếu bình thường chỉ số giá tháng 3 giảm hoặc tăng thấp dưới 0,5% thì cả năm lạm phát có thể duy trì ở mức một con số. Còn nếu CPI tháng 3 tăng hơn 0,5% đến xấp xỉ 1% thì có khả năng lạm phát của cả năm sẽ tăng ở mức hai con số.

Theo quy luật của các năm trước thì CPI tháng 3 luôn luôn quyết định xu thế của cả năm, và là người đi phân tích các chỉ số giá, tôi rất quan tâm đến chỉ số giá của tháng 3.

Thêm một điều đặc biệt trong năm nay là sự tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2009 sẽ biểu hiện rõ vào tháng 4, tháng 5 theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Cộng với việc chỉ số giá tháng 3 có khả năng tăng cao thì việc kiểm soát giá cả của cả năm 2010 sẽ là rất khó.

Như vậy, chính sách quản lý giá cần phải như thế nào?

Theo tôi, các chính sách quản lý giá của các mặt hàng mang tính chiến lược cần phải lưu ý đến tính chất nhạy cảm của chỉ số giá tháng 3 đối với xu hướng giá cả năm.

Thông thường, chỉ số giá tháng 3 sẽ âm do giá cả đã tăng cao vào tháng 2, nhưng việc tăng giá xăng vào cuối tháng 2 này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa khác, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm. Sự ảnh hưởng này cũng tương tự như ảnh hưởng của đề xuất xin tăng giá điện từ ngày 1-3. Chúng ta cần đặc biệt lưu ý về tính thời điểm của việc tăng giá trong tháng 3 cũng như việc tăng giá trong tháng này sẽ tạo ra tâm lý tăng giá trong cả năm.

Giá cả trong năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành và cần khẳng định một lần nữa về tính thời điểm để đưa ra các quyết sách là rất quan trọng. Và tháng 3 là một tháng rất nhạy cảm. Nếu CPI tháng 3 giảm hoặc tăng thấp thì chúng ta có thể an tâm về giá trong cả năm, nhưng với những động thái như hiện nay thì tình hình giá cả của tháng 3 sẽ khó đoán định được.  

Lạm phát gia tăng liệu có ảnh hưởng gì đến tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ?  

Hiện nay thì sức ép giảm giá đồng nội tệ của chúng ta vẫn có do thâm hụt của ta lớn. Việc mất giá của đồng Việt Nam thông qua lạm phát cộng hưởng với áp lực về việc cân đối cung cầu ngoại tệ chắc chắn sẽ có tác động mạnh lên tỷ giá hối đoái và như vậy khả năng kềm giữ tỷ giá hối đoái sẽ rất khó khăn.  

Xin cám ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới