Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CPTPP đang gây sức ép lên Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CPTPP đang gây sức ép lên Mỹ

Thái Hà

CPTPP đang gây sức ép lên Mỹ
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL.

(TBKTSG Online) – Nhiều người có suy nghĩ, TPP không có Mỹ sẽ sụp đổ nhưng không, các nước vẫn quyết tâm có một hiệp định để cổ súy cho tự do thương mại và vì thế CPTPP ra đời và chính điều này ít nhiều gây sức ép lên Mỹ.

Sức nóng lên người Mỹ

Ngay sau khi 11 nước thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương gặp nhau ở Chile để ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, tên mới của TPP 11 khi không còn Mỹ, bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành tổ chức Asian Trade Center ở Singapore nhận xét rằng, trước đây, người Mỹ rời bỏ TPP với giả định không có họ, hiệp định sẽ sụp đổ. Nhưng không, hiệp định tồn tại mà không có họ, chẳng những khiến họ phải ngạc nhiên, mà còn gây sức ép lên chính họ.

“CPTPP có thể chưa mang lại những mối lợi kinh tế lập tức cho các nước thành viên, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy các nước châu Á và Mỹ Latin muốn tự do thương mại thế nào và muốn nói ‘không’ với chính sách ‘nước Mỹ là trên hết’ của ông Trump đến thế nào” bà nói.

Bằng chứng, Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới đã trở thành đầu tàu để biến TPP11 thành CPTPP. Tuy vậy, các thành viên vẫn bỏ ngỏ cơ hội cho Mỹ quay lại cuộc chơi vào một ngày nào đó.

Về phần mình, để không làm thất vọng các đồng minh, và cũng như không đóng lại cánh cửa sau cùng của mình, người Mỹ bóng gió sẽ quay trở lại cuộc chơi. Vì thế, vào tháng 1-2018, ông Trump nói úp mở là có trở lại hiệp định nếu có những thỏa thuận tốt hơn. Còn Quốc hội Mỹ bắt đầu gây sức ép lên Trump phải xem xét lại cách tiếp cận trong thương mại.

CPTPP khác gì TPP?

Không có Mỹ, các nước gỡ bỏ 20 điều khoản khỏi CPTPP mà trước đó Mỹ đã gây sức ép và đạt được với họ, trong đó quan trọng nhất là sở hữu trí tuệ, yêu cầu dữ liệu về các loại dược phẩm thế hệ mới cần phải được bảo vệ 8 năm, và kéo dài sở hữu bản quyền sáng tác đến 70 năm sau khi tác giả qua đời.

Dù các điều khoản của CPTPP không khắc nghiệt như TPP nhưng các nước cũng đạt được những thỏa thuận đảm bảo sự tự do trong thương mại điện tử, bao gồm ba nguyên tắc cơ bản như tự do luân chuyển thông tin xuyên biên giới, cấm các nước đòi hỏi công ty nước ngoài phải đặt máy chủ trong lãnh thổ của mình, cấm các nước yêu cầu các công ty tiết lộ mã nguồn phần mềm.   

Nhiều nhà bình luận kinh tế nhận định, trong khi ông Trump quyết tâm bảo vệ các ngành công nghiệp lỗi thời ở thế kỷ 20 như thép, nhôm, than đá thì CPTPP đã đi những bước tiến bộ như đảm bảo sự tự do trong thương mại điện tử, những nguyên tắc nêu trên sẽ giúp các nước CPTPP phát triển nhanh trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, thông minh nhân tạo…

Trong số các nước tham gia ban đầu vào TPP, Việt Nam được xem như là nước thắng lớn nhất, ví dụ như ngành dệt may được cho là sẽ tăng 30% sản lượng xuất khẩu nhờ đường vào thị trường Mỹ rộng mở.

Việt Nam chỉ thắng chứ không thắng lớn

Với CPTPP, Việt Nam không còn được xem là thắng lớn nữa, mà chỉ ở một mức độ nhất định. Với ngành thủy sản Việt Nam, tác động lớn nhất của CPTPP, có lẽ là ở khâu cải thiện chất lượng. Bán được thủy sản vào thị trường khó tính nhất là Nhật Bản sẽ thuyết phục được các thị trường khác.

Tờ Nikkei Asian Review nhận xét, tưởng chừng như sự gần sụp đổ của TPP tác động mạnh đến Việt Nam, vốn đang rất muốn nâng sản lượng xuất khẩu quần áo, giày dép, nông sản và thủy sản vào Mỹ, cũng như vào Canada, Mexico và các nước khác trong vành đai Thái Bình Dương.

Nhưng cuối cùng hiệp định vẫn đứng vững, Việt Nam ở một khía cạnh nào đó dù kỳ vọng sẽ thắng lớn trong sân chơi này không còn nhưng vẫn có phần thắng cho quốc gia Đông Nam Á này.

Mời xem thêm

Doanh nghiệp kỳ vọng vào hiệu ứng tích cực của CPTPP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới