Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cư dân đô thị TPHCM và chất lượng sống

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cư dân đô thị TPHCM và chất lượng sống

Trần Hữu Quang

(TBKTSG) – Khái niệm “chất lượng sống” có thể có nhiều cách định nghĩa khác nhau, tùy theo từng chuyên ngành như kinh tế học, chính trị học, tâm lý học hay kể cả y học. Và thông thường, khái niệm “chất lượng sống” được xem xét dưới nhiều chiều kích như kinh tế, văn hóa và chính trị, và thường bao gồm những khía cạnh thuộc về môi trường vật chất và tinh thần, giáo dục, y tế, giải trí…

Người ta thường áp dụng những phương pháp định lượng khi đo lường chất lượng sống của một đô thị, bằng cách dựa trên những tiêu chí vật chất khách quan và đo đếm được. Tuy nhiên, cũng có một hướng tiếp cận khác chủ yếu theo hướng định tính, bằng cách khảo sát những ý kiến hay đánh giá chủ quan từ phía người dân đối với những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống đô thị, để từ đó tìm cách khám phá những cảm nhận của người dân đối với chất lượng sống.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày sự cảm nhận của người dân về chất lượng sống ở đô thị TPHCM thông qua những nhận xét của họ đối với một số lĩnh vực chính trong đời sống đô thị như cơ sở hạ tầng, các dịch vụ đô thị, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa… Đây là kết quả trích từ dữ liệu của một cuộc điều tra mà chúng tôi đã tiến hành vào tháng 8-2009 (xem mục Mẫu điều tra).

Về mặt phương pháp, chúng tôi đã dựa chủ yếu vào cơ cấu nội dung khảo sát của các nhà nghiên cứu kinh tế đô thị và quy hoạch đô thị Luis Delfim Santos, Isabel Martins và Paula Brito khi nhóm tác giả này nghiên cứu về chất lượng sống ở thành phố Porto của Bồ Đào Nha vào năm 2003.(2)

Trước hết, nhằm tìm hiểu xem người dân đánh giá thế nào về sự chuyển biến của một số lĩnh vực chính trong đời sống đô thị, chúng tôi đã nêu ra câu hỏi như sau: “Theo nhận xét riêng của ông/bà, những lĩnh vực sau đây ở TPHCM đã phát triển khá hơn hay kém hơn trong vòng hai năm qua?” Có tổng cộng 22 lĩnh vực cụ thể được nêu ra, với ba khả năng trả lời: khá hơn, cũng vậy, và kém hơn.

Kết quả trả lời câu hỏi này được trình bày trong biểu đồ đính kèm (xếp theo thứ tự có tỷ lệ đánh giá “khá hơn” từ cao đến thấp).

Kết quả trả lời câu hỏi này cho thấy cách đánh giá về tình hình thực tế từng lĩnh vực có khoảng cách khá khác biệt so với cách nhìn nhận tổng quát về TPHCM: trước đó, khi được hỏi là hiện nay có hài lòng hay không về tình hình “TPHCM nói chung”, có 64% trong mẫu điều tra trả lời là hài lòng, 32% cảm thấy bình thường, và chỉ có 4% không hài lòng.

Nói cách khác, khi đề cập chi tiết tới từng lĩnh vực trong đời sống đô thị, thái độ của người dân lúc này mới có những nhận xét về những mặt tiêu cực và khiếm khuyết nhiều hơn, và tỏ ra có thái độ phê phán hơn là khi nói tới cảm nhận chung về tình hình thành phố. Biểu đồ ở đây cho thấy số ý kiến cho rằng tình hình “khá hơn” trong tất cả các lĩnh vực chỉ đạt tỷ lệ bình quân là 47%, và số ý kiến cho rằng tình hình “kém hơn” có tỷ lệ bình quân lên tới 15%.

Trong tổng số 22 lĩnh vực đã nêu: – có 11 lĩnh vực đạt tỷ lệ trên 50% đánh giá “khá hơn”, trong đó có 5 lĩnh vực được đánh giá “khá hơn” cao nhất: trường học phổ thông (69%); đại học và cao đẳng (63%); thẩm mỹ kiến trúc của các công trình xây dựng (62%); bệnh viện, trạm y tế (61%); phong trào xóa đói giảm nghèo (57%). – có 4 lĩnh vực bị đa số đánh giá là “kém hơn” và “cũng vậy”: nặng nhất là tình hình giao thông (59% kém hơn, 25% cũng vậy), mức độ giảm ô nhiễm (45% và 35%), tình hình mua bán nhà đất (23% và 36%), và tình hình kinh doanh, buôn bán (28% và 31%).- và 7 lĩnh vực còn lại thì có số đánh giá “khá hơn” bằng xấp xỉ so với số đánh giá “cũng vậy” và “kém hơn”: các cơ sở thể dục, thể thao (đánh giá khá hơn: 49%), cây xanh (48%), ý thức xã hội của người dân đô thị (47%), tình hình xây dựng các công trình công cộng (47%), các thủ tục hành chính (47%), các phương tiện giao thông công cộng (45%), các cơ sở văn hóa (rạp hát, nhà văn hóa, thư viện…) (42%).

Kết quả phân tích cho biết những người thuộc thế hệ 18-30 tuổi và những người có trình độ học vấn tương đối cao (từ cấp 3 trở lên) thường có những nhận xét mang tính phê phán hơn so với các nhóm khác – có lẽ do có những suy nghĩ mang tính đòi hỏi cao hơn.

Nhằm tìm hiểu cái nhìn chung của người dân về chất lượng sống thông qua cách đánh giá của họ về 22 lĩnh vực đô thị nêu trên, qua việc xử lý bằng phương pháp phân tích nhân tố (factor analysis) và phương pháp phân tích phân nhóm (cluster analysis), chúng tôi đã nhận diện được bốn nhóm cư dân có những quan điểm đánh giá khác nhau về chất lượng sống ở đô thị TPHCM hiện nay.

Mẫu điều tra

Một cuộc điều tra bằng bản câu hỏi về một số khía cạnh trong đời sống đô thị đã được tiến hành vào tháng 8-2009 nơi các cá nhân từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại 10 quận nội thành với tổng số mẫu điều tra là 1.000 người (600 người ở sáu quận nội đô và 400 người ở bốn quận vùng ven), đại diện cho toàn bộ cư dân nội thành. Đây là cuộc điều tra được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu về “Cư dân đô thị và không gian đô thị trong tiến trình đô thị hóa ở TPHCM” (chủ nhiệm đề tài: Trần Hữu Quang, TS. Xã hội học, cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thực hiện từ năm 2008 tới 2010), với đối tượng nghiên cứu là cư dân đô thị và mối quan hệ giữa cư dân đô và mối quan hệ giữa cư dân đô thị và không gian đô thị (1)

a. Nhóm có quan điểm đánh giá lạc quan về chất lượng sống (28%) là nhóm đánh giá tích cực về sự phát triển của hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ lĩnh vực giao thông. Nhóm này bao gồm phần đông là những người có trình độ học vấn thấp (cấp 1 và cấp 2), công nhân, lao động tiểu thủ công nghiệp, lao động tự do, cá thể, và những người trên 60 tuổi.

b. Nhóm lạc quan có mức độ (24%) là nhóm tỏ ra lạc quan về sự phát triển của tình hình kinh tế, thị trường và của các công trình ở đô thị, công viên, trường học, bệnh viện, nhưng phê phán tình trạng ô nhiễm và giao thông. Nhóm này bao gồm phần đông là những người có học vấn cấp 3, đại học, sinh viên, nhân viên, và những người lao động trí óc.

c. Nhóm phê phán về nhiều mặt trong đời sống đô thị (25%) là nhóm cho rằng tình hình kinh tế và thương mại đều kém đi, không đánh giá cao sự phát triển của cơ sở hạ tầng đô thị, phê phán tình trạng ô nhiễm, giao thông, và các công trình công cộng. Nhóm này bao gồm phần đông là những người có học vấn cấp 3, đại học, nhân viên, và những người lao động trí óc.

d. Nhóm hoài nghi (23%) là nhóm đánh giá hầu hết các lĩnh vực đều không có gì thay đổi. Nhóm này bao gồm mọi tầng lớp nhân khẩu và nghề nghiệp, chứ không tập trung riêng ở một nhóm nào.

Như vậy, có thể nói rằng tỷ lệ đánh giá lạc quan về chất lượng sống ở đô thị TPHCM hiện nay chỉ lên tới khoảng một nửa số cư dân đô thị trong mẫu điều tra. Điều này chứng tỏ rằng, dưới cái nhìn của gần một nửa cư dân thành phố, chất lượng sống của đô thị TPHCM hiện nay vẫn còn khá nhiều vấn đề mà họ cảm thấy chưa hài lòng, mà nghiêm trọng nhất là tình hình giao thông và tình trạng ô nhiễm.

Chúng tôi cho rằng chính quyền thành phố có thể sử dụng lối tiếp cận từ phía cảm nhận chủ quan của người dân để soi rọi và kiểm tra lại hiệu quả thực thụ của các chính sách đô thị và các lĩnh vực phúc lợi ở đô thị. Mục tiêu của lối tiếp cận này không phải là nhằm lượng giá xem các cơ quan của thành phố đã làm được đến đâu, mà là nhằm tìm hiểu xem người dân đánh giá thế nào về sự tiến triển hay thụt lùi của những thành tố cấu tạo nên chất lượng sống, cũng như để nhìn ra những lĩnh vực nào còn hạn chế dưới con mắt người dân, mặc dù chính quyền có thể đã nỗ lực hết sức để đề ra những biện pháp cải tiến. Bởi lẽ, suy cho cùng, chất lượng sống chính là chất lượng sống của người dân.

______________

(1) Có thể tham khảo toàn văn bản phúc trình đề tài nghiên cứu này tại Thư viện của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (149, Pasteur, quận 3, TPHCM).(2) Xem Luis Delfim Santos, Isabel Martins, Paula Brito, “Measuring Subjective Quality of Life: A Survey to Porto’s Residents”, Applied Research in Quality of Life, No. 2 (2007), trang 51-64.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới