Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứ luẩn quẩn ‘con gà, quả trứng’, vuột mất cơ hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứ luẩn quẩn ‘con gà, quả trứng’, vuột mất cơ hội

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã tạo ra một cái nhìn mới về mạng lưới cung ứng và tạo sức ép để lấp chỗ trống, hàn gắn các "vết nứt" trên chuỗi cung ứng toàn cầu, theo phân tích của Harvard Business Review. Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có sự quyết tâm thay đổi tư duy và thiếu sự trợ lực từ nhiều phía, công nghiệp phụ trợ vẫn mãi lẩn quẩn với câu chuyện “con gà, quả trứng”.

 

Cứ luẩn quẩn 'con gà, quả trứng', vuột mất cơ hội
Khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nước ngoài nếu doanh nghiệp Việt Nam không có sự quyết tâm cao và trông chờ sự cam kết bao tiêu sản phẩm của bên mua hàng. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Luẩn quẩn chuyện “con gà, quả trứng”

Nhiều ý kiến cho rằng trong những năm gần đây các doanh nghiệp nước ngoài đã ghi nhận năng lực cung ứng sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp trong nước được cải thiện đáng kể, bằng chứng là số sản phẩm và lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhiều hơn.

Tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tế, có thể thấy các doanh nghiệp nội địa quy mô nhỏ vẫn chưa đủ sức để tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Ở một góc nhìn khác, các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước cho rằng các nhà sản xuất đa quốc gia không “mở lòng” chào đón hoặc không tạo cơ hội cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng.

Khi đến Việt Nam đặt nhà máy, các tập đoàn đa quốc gia luôn dành sự ưu tiên cho các nhà cung cấp sẵn có trên thế giới, hoặc họ kéo theo những doanh nghiệp hỗ trợ cùng đầu tư vào địa phương mà họ đã chọn. Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro cho các tập đoàn đa quốc gia, và ở một khía cạnh nào đó, cho thấy sự thiếu tin tưởng vào các nhà cung ứng bản địa.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam băn khoăn và lo lắng rằng nếu tập trung đầu tư lớn, nhưng sản phẩm lại không tham gia được vào chuỗi cung ứng, khi đó không biết bán sản phẩm cho ai. Và quyết tâm chuyển đổi, tập trung đầu tư vào công nghiệp phụ trợ được xem như một canh bạc. Chính điều này khiến doanh nghiệp nội địa lo ngại, họ cần cam kết của nhà mua hàng trước khi dấn thân vào sự thay đổi.

Câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” này đã trở thành vòng luẩn quẩn trong nhiều năm qua mà đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước dù thúc mãi vẫn không lớn được.

Bàn về vấn đề này, bà Hoàng Thu Thủy, Trưởng bộ phận quản lý mua hàng toàn cầu của Panasonic Việt Nam, cho rằng đối với cộng động doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Panasonic nói riêng, khi rót vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư luôn mong muốn tìm nhà cung cấp tại chỗ để giảm chi phí và có thể đáp ứng nhanh, kịp thời trong sản xuất.

Trên thực tế, tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa tại các nhà máy của Panasonic đã chiếm 65% về số lượng và 35% về giá trị. “Panasonic không có sự phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước. Cơ hội là như nhau, chúng tôi đưa ra các điều kiện cụ thể, rõ ràng, vấn đề còn lại là nhà cung ứng đáp ứng được các yêu cầu và sản phẩm đạt chất lượng tốt”, bà Thủy chia sẻ.

Về ý kiến nhà sản xuất phải cam kết đảm bảo bao tiêu sản phẩm làm ra mới quyết định đầu tư, theo bà Thủy đây là một cam kết rất khó được chấp nhận. “Không một nhà sản xuất quốc tế nào sẽ cam kết về sự ràng buộc này”, bà Thủy khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư như Panasonic một khi đã chọn nhà cung cấp tiềm năng thì công ty sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tư vấn để doanh nghiệp này cải tiến để trở thành nhà cung cấp có chất lượng.

Cùng ý kiến này, trước đó, ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần Liên kết Doanh nghiệp nước ngoài, Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cũng cho rằng “Bất cứ nhà sản xuất, công ty đa quốc gia nào cũng mong muốn mở rộng nhà cung cấp để đa dạng nguồn cung, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu chúng ta đáp ứng về chất lượng và giá thành cạnh tranh thì không có bất cứ lý do nào để không được chọn vào chuỗi cung ứng của họ”.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có tâm lý chờ bên mua đảm bảo đầu ra mới tổ chức dây chuyền sản xuất thì theo ông Frank Weiand là điều khó xảy ra vì không có đơn vị mua hàng quốc tế nào đảm bảo điều đó.

“Làm ăn kinh doanh không phải lúc nào cũng suông sẻ mà phải có độ rủi ro, không có đơn vị sản xuất nào đảm bảo chúng ta sẽ bao tiêu lượng hàng hóa làm ra. Đó là chưa kể trong quá trình hoạt động kinh doanh, còn tùy thuộc vào sự trồi sụt đơn hàng hoặc sản xuất theo thời vụ,… Những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trở lại với tất cả các nhà cung ứng”, ông Frank Weiand nói.

Một trong những sự kiện nhằm tìm kiếm nhà cung ứng linh phụ kiện của các công ty sản xuất Nhật Bản tại TPHCM gần đây. Ảnh: Hùng Lê

Nghĩ lớn và có sự quyết tâm cao!

Một vị đại diện của Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng cho rằng, nếu như nhà cung cấp đạt được chất lượng và giá thành cung cấp ổn định thì không lý gì Samsung lại không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Câu chuyện “con gà, quả trứng” vẫn chỉ là vòng luẩn quẩn và sẽ tiếp tục xảy ra nhiều năm nếu như các doanh nghiệp không chịu thay đổi tư duy.

Theo khuyến nghị của vị đại diện tổ hợp sản xuất Samsung Việt Nam, nếu doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa. “Đã xác định cung cấp linh kiện điện tử thì đừng chỉ nghĩ đến riêng Samsung, mà bên cạnh Samsung còn có rất nhiều công ty khác cùng ngành”, ông này nói.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM (CSID), “sân chơi” này chỉ dành cho những doanh nghiệp thật sự mong muốn tham gia, và phải có năng lực thực thụ.

Điều này, yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp phải có sự quyết tâm rất cao và đặt ra lộ trình phấn đấu trong khoản thời gian nào doanh nghiệp mình có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để từ đó tập trung đầu tư phát triển.

“Không ai có thể bảo đảm đầu ra sản xuất của mình, mà doanh nghiệp cần phải thể hiện năng lực của mình”, bà Oanh nói, và cho rằng: “Một khi đã có một nhà sản xuất quốc tế chấp nhận sản phẩm của chúng ta thì nhiều nhà sản xuất lớn khác cũng sẽ xem xét mua hàng của chúng ta”.

Lẽ dĩ nhiên muốn tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế yếu tố bắt buộc là doanh nghiệp phải thật sự có năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là thách thức khá lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, không thể vội vàng được, mà cần có thời gian ít nhất là 2 năm chuẩn bị. Các doanh nghiệp phải làm nhiều điều, từ việc cải tiến bộ máy quản lý đến nhà máy sản xuất, quy trình sản xuất phải tinh gọn cho từng hạng mục, đào tạo nhân lực,…

Có thể nói cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trước mắt khá nhiều nhưng năng lực của doanh nghiệp trong nước có hạn, vốn ít, nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất được do thiếu máy móc, công nghệ, trình độ nhân công chưa cao,…

Thực tế này không phải mới diễn ra mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp tại chỗ.

Do đó, để thực hiện hóa điều này theo giới phân tích tự thân doanh nghiệp nỗ lực khó có thể hiện thực mà rất cần sự trợ giúp về nhiều mặt như ưu đãi đất đai của chính phủ, vốn vay từ phía ngân hàng và tư vấn hỗ trợ quản lý, kỹ thuật của nhà mua hàng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới