Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cú sốc dịch corona có thể đẩy châu Âu vào suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cú sốc dịch corona có thể đẩy châu Âu vào suy thoái

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Cho đến nay, các ca nhiễm và nghi nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) chỉ xuất hiện rải rác ở các nước châu Âu nhưng các chấn động kinh tế do dịch này gây ra đủ nghiêm trọng để đẩy nền kinh tế Đức và có lẽ toàn bộ khu vực eurozone (19 nước sử dụng đồng euro) vào cơn suy thoái.

Các ngân hàng châu Á gặp “hạn” giữa mùa dịch corona

Thị trường vàng nữ trang Trung Quốc tê liệt

Cú sốc dịch corona có thể đẩy châu Âu vào suy thoái
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo dịch Covid-19 áp đặt rủi ro suy thoái lớn đối tăng trưởng của khu vực eurozone. Ảnh: EPA

Đó là nhận định của nhiều nhà kinh tế khi họ nhìn thấy một thực tế rõ ràng rằng, trong kịch bản lạc quan nhất, có thể mất nhiều tuần nền kinh tế Trung Quốc mới có thể vận hành bình thường trở lại.

Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Commerzbank tại Frankfurt (Đức), nói: “Thời gian trì hoãn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc càng lâu, các rủi ro đối với nền kinh tế châu Âu càng cao”.

Đối với Ola Källenius, Giám đốc điều hành hãng xe khổng lồ của Đức, Daimler, đang vận hành nhiều nhà máy rắp ráp ô tô ở Đức, cuộc khủng hoảng này là một bất ổn lớn.

“Tôi gọi đến Trung Quốc mỗi ngày. Còn quá sớm để xác định liệu các nhà máy khác của chúng tôi trên toàn cầu có bị ảnh hưởng hay không và mức ảnh hưởng như thế  nào”, Källenius nói.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của Daimler, một trong những công ty hàng đầu châu Âu, thể hiện trong báo cáo tài chính quí 4-2019 vừa được công bố hôm 11-2, cho thấy tại sao nền kinh tế châu Âu đang rất dễ tổn thương trước các tác động của dịch viêm phổi cấp.

Trong quí cuối năm ngoái, Daimler lỗ 11 triệu euro so với mức lãi 1,6 tỉ euro vào quí 4-2018. Tính cả năm 2019, lợi nhuận của Daimler đạt 2,7 tỉ euro, giảm đến 64% so với năm trước đó. Lợi nhuận suy giảm khiến nhà sản xuất xe tải và xe hơi thương hiệu Mercedes-Benz rơi vào tình thế yếu ớt khi đối mặt với các hậu quả kinh tế từ dịch Covid-19.

Daimler giải thích kết quả kinh doanh thua lỗ trên là do chi phí chuyển đổi sang công nghệ mới và những khoản tiền phạt lớn do gian lận khí thải diesel.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Daimler và các hãng xe Đức khác buộc phải đóng cửa các nhà máy của họ ở Trung Quốc lâu hơn kế hoạch. Các showroom của họ tại đất nước đông dân nhất thế giới cũng vắng khách khi mọi người hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ bị lây nhiễm virus Covid-19.

Hôm 10-2, Daimler cho biết bắt đầu vận hành dần dần các nhà máy tại Trung Quốc. Nhưng tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp vẫn đang căng thẳng và khó dự báo. Nhiều chuyên gia lo ngại các dây chuyền lắp ráp ô tô trên thế giới có thể phải tạm dừng hoạt động do thiếu linh kiện được cung cấp từ Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với tất cả hãng xe Đức. Năm ngoái, Daimler bán được gần 700.000 xe Mercedes-Benz ở Trung Quốc, gấp đôi so với doanh số của thương hiệu này tại Mỹ.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 11-2, Stefan Schneider, nhà kinh tế ở Ngân hàng Deutsche Bank, nhận định: “Dịch Covid-19 là một rủi ro lớn cho triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu vốn đang trông cậy vào sự cải thiện của nền kinh tế Trung Quốc. Một cơn suy thoái ở Đức xảy ra vào đầu năm nay là điều hoàn toàn có thể”.

Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức, cái nôi của nền công nghiệp xe hơi toàn cầu. Hôm 13-2, Cục Thống kê Đức Destatis cho biết do suy thoái của ngành sản xuất, GDP của Đức  trong quí 4-2020 tăng 0,0%, tức đứng im so với quí trước, dưới mức dự báo tăng 0,1% của các nhà kinh tế.

Trong khi đó, nền kinh tế Ý tăng trưởng âm 0,3% trong quí 4-2019 một phần vì khu vực sản xuất công nghiệp phía bắc của nước này phụ thuộc chặt chẽ vào sức khỏe của ngành công nghiệp ô tô của Đức.

“Đối với hầu hết các nước châu Âu, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất. Nếu kinh tế Đức bắt đầu đi xuống, các nước này cũng sẽ bị tác động”, Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh Ngân hàng ING (Hà Lan) tại Đức, nhận định.

Trao đổi với hãng tin Bloomberg hôm 12-2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ý Antonio Misiani nói rằng, dịch Covid-19 có thể khiến Ý, nền kinh tế lớn thứ ba eurozone, không đạt được mục tiêu tăng trưởng 0,6% trong năm nay, thậm chí rơi vào suy thoái sau khi nước này chứng kiến mức tăng trưởng âm 0,3% vào quí 4 năm ngoái. Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai eurozone cũng tăng trưởng âm 0,1% trong quí cuối cùng năm 2019.

Hôm 14-2, Văn phòng thống kê Eurostat của EU cho biết tăng trưởng của eurozon trong quí 4-2019 chỉ 0,1% so với quí trước đó và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo dự báo kinh tế mùa đông 2020 do Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu công bố 13-2, cảnh báo dịch Covid-19 áp đặt rủi ro suy thoái lớn đối với triển vọng kinh tế của khu vực eurozone. Báo cáo vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng 1,2% của eurozone trong năm nay nhưng dựa trên kịch bản dịch Covid-19 đạt đỉnh vào quí 1 này và tác động kinh tế của nó lan ra toàn cầu chỉ ở mức tương đối hạn chế.

Báo cáo có đoạn: “Dịch bệnh ngày càng kéo dài, càng có khả năng cao về các tác động lan tỏa của nó đối với niềm tin kinh tế và các điều kiện tài chính toàn cầu”.

Theo New York Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới