Thứ Ba, 30/05/2023, 18:36
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cử tri nghi ngờ tính trung thực của việc kê khai tài sản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cử tri nghi ngờ tính trung thực của việc kê khai tài sản

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 5-11, các đại biểu tỏ ra lo ngại về tình trạng tham nhũng còn nhiều, tình trạng vi phạm môi trường ngày càng lớn.

Cử tri nghi ngờ tính trung thực của việc kê khai tài sản
Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về tham nhũng, vi phạm môi trường. Ảnh: Quốc hội

Đề nghị cần quyết liệt hơn với tham nhũng

Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 5-11, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, bà Bố Thị Xuân Linh cho biết, trong năm 2019, theo báo cáo của cơ quan điều tra, công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Tài sản thu hồi trong các vụ án và thụ lý điều tra trên 9.455,2 tỉ đồng, 11.867 mét vuông đất và nhiều tài sản khác. Đây là một quyết tâm, nỗ lực lớn nhằm đẩy lùi tham nhũng.

 “Cử tri cho rằng lò lửa chống tham nhũng đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, song thực tế nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.”

Bà Linh cho rằng phải tập trung phát hiện và ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng của mỗi cá nhân, tổ chức. Muốn vậy cần phải nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch tài sản của tất cả cán bộ công chức để giảm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm việc lợi dụng thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh. Không để hình thành lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống.

Đồng thời, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nhất là những vụ án lớn mà nhân dân quan tâm…

Còn đại biểu Quốc hội An Giang, ông Nguyễn Lân Hiếu nói, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra trong hơn một triệu người kê khai tài sản trong năm 2019 chỉ xác minh, phát hiện được 10 trường hợp vi phạm. Nghĩa là tăng có 2 người so với năm 2018. Điều này chứng minh tính trung thực của việc kê khai tài sản là một dấu hỏi lớn với cử tri. Chính vì vậy, theo ông Hiếu giai đoạn tới chúng ta cần rà soát, siết chặt kỷ cương, nghiêm túc trong việc kê khai tài sản cá nhân, công bố các nguồn thu và đặc biệt cần công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý lãnh đạo.

Đại biểu Quốc hội của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Được thì cho rằng: “Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, đây là điều đáng mừng nhưng theo tôi chưa triệt để, vẫn còn vùng cấm, giơ cao đánh khẽ. Tôi đề nghị tới đây phải làm quyết liệt.”

Cũng phát biểu tại hội trường, ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình cho rằng, mặc dù nạn tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có hướng thuyên giảm. Tuy nhiên ông cho là tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức.

Ông Sinh cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật. Xin kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo, tài sản liên quan đến người thân, tài sản không giải trình được nguồn gốc nhưng chưa chứng minh được do phạm tội mà có. Xây dựng quy trình quy định về thu hồi, hủy bỏ, cách chức, giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức, chạy quyền, thực hiện dân chủ, công khai quy định quy trình về công tác cán bộ, công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm bầu cử cán bộ, công chức không chỉ trong các tổ chức đảng, cơ quan mà cần rộng rãi để nhân dân tham gia đánh giá và giám sát.

Lo về ô nhiễm môi trường

Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, mặc dù đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng nhìn chung vấn đề ô nhiễm nước, không khí, chất thải vẫn chưa được xử lý, khắc phục, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh hoạt đời sống người dân. Tình hình vi phạm pháp luật, phạm tội về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực như xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung gây thiệt hại về tài sản, môi trường sống bức xúc trong nhân dân. Ví dụ, vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa qua đe dọa an ninh nguồn nước hàng triệu người dân thủ đô… pháp luật về xử lý hành chính hình sự đối với các hành vi vi phạm tội phạm về môi trường đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhưng trên thực tế, hiệu quả thu được còn nhiều hạn chế.

Bà Khánh dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này cho biết, năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2018. Song các cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố 355 vụ, 395 bị can, xử lý hành chính 19.600  trường hợp, phạt trên 243,5 tỉ đồng.

“Việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe. Số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được chỉ bằng 1,58%. Nguyên nhân chủ yếu là do tội danh về lĩnh vực môi trường, khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý – theo nhận định của Chính phủ,” bà Khánh nói.

Nhưng bà Khánh cũng thẳng thắn cho rằng nhận định trên đây là không thuyết phục, chưa làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Chưa làm rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, có hay không việc Chính phủ chưa chỉ đạo Bộ Công an phải điều tra, xử lý hình sự các pháp nhân thương mại xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nước nhiều con sông như Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và các dòng sông khác. Có hay không lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp chỉ thiên về xử lý hành chính mà bỏ lọt tội phạm gây ô nhiễm môi trường.

Bà Khánh đề nghị: “Chính phủ sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng này. Yêu cầu Bộ Công an tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính, hình sự đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường. Trước mắt, tập trung đối với các nguồn xả thải chưa qua xử lý vào sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy gây bức xúc trong nhân dân và đại biểu Quốc hội trong nhiều năm qua.”

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, ông Ngô Sách Thực cũng cho rằng, việc xử lý vi phạm về môi trường thời gian qua đã có quan tâm hơn, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Mà nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về môi trường khó xác định thiệt hại. và ông Thực cho rằng lý do này có sát hay chưa, ông thấy cần phải phân tích thêm.

“Các tồn tại, hạn chế trên còn từ một số các nguyên nhân, đó là việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các lực lượng chức năng, của các cấp, các ngành. Theo quy định của các cấp chính quyền đều có thẩm quyền về xử phạt hành chính, kể cả chính quyền cấp xã, nhưng việc xử lý này có nơi xử lý nghiêm, có nơi còn né tránh và có hiện tượng phạt cho tồn tại, sau phạt thì vẫn có  tái phạm. Một số nơi cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời, dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của người dân và một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế,” ông Thực nói.

Ông Thực cho biết theo Bộ luật Hình sự năm 2015 tội phạm môi trường không có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân hoặc cao hơn. Trong thực tế đúng là rất khó lượng hóa, nhưng thực tế thiệt hại về môi trường rất lớn. Các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra môi trường hiện nay còn thiếu hoặc chưa sửa kịp thời.

“Việc xét xử về vi phạm môi trường cần chọn các vụ điển hình để làm sao có tính răn đe và thực hiện pháp luật cho nghiêm minh,” ông Thực nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới