Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứ triển khai nhưng nên giảm thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứ triển khai nhưng nên giảm thuế

GS. TS. Kevin Holmes

(TBKTSG) – “Quan điểm của tôi là cứ triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo đúng thời gian luật này có hiệu lực vào ngày 1-1-2009” – GS.TS. Kevin Holmes, giảng viên trường Đại học Wellington của New Zealand, chuyên gia tư vấn của Chính phủ về triển khai Luật Thuế TNCN đã phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với TBKTSG.

TBKTSG: Nhưng có ý kiến cho rằng Luật Thuế TNCN vẫn còn khá nhiều khiểm khuyết nên cần hoãn thực hiện để hoàn chỉnh cho tốt hơn?

– GS.TS. Kevin Holmes: Dẫu sao thì luật cũng đã có hiệu lực và tôi cho rằng các điều kiện để thực thi đã khá đủ. Hơn nữa, luật có áp dụng qua thực tiễn thì mới có cơ hội để chỉnh sửa dần cho phù hợp. Tôi cũng biết rằng trong mấy tháng gần đây tại Việt Nam lạm phát đang ở mức âm. Cho nên trong bối cảnh này nếu thực thi Luật Thuế TNCN thì cũng không gây sốc lớn đối với dân chúng.

TBKTSG: Mặc dù ba tháng gần đây chỉ số giá tiêu dùng ở mức âm nhưng nếu tính cả năm thì vẫn còn rất cao, trên 20%. Đây là điều mà các nhà làm luật chưa dự liệu khiến cho các thông số để tính thuế TNCN trở nên bị lạc hậu, thưa ông?

– Câu hỏi ngược lại là nếu các bạn không thực hiện vào thời điểm này thì sẽ là thời điểm nào? Biết đâu, khi đó lạm phát sẽ tiếp tục tăng và thu nhập thực chất của người dân lại sẽ bị giảm?

TBKTSG: Ở New Zealand hay các quốc gia phát triển, chính phủ ứng xử ra sao đối với thuế TNCN trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, thưa giáo sư?

– Một trong những biện pháp nhằm chia sẻ gánh nặng với người dân lúc này là giảm thuế. Vào tháng 11-2008 vừa qua, Chính phủ New Zealand cũng đã giảm thuế suất thuế TNCN cho người dân.

TBKTSG: Như vậy, Việt Nam cũng nên áp dụng theo cách trên?

– Đúng vậy, các bạn vẫn cứ triển khai luật nhưng nên có chính sách giảm thuế.

TBKTSG: Thật ra, nếu so với quy định cũ của Pháp lệnh thuế thu nhập cao thì Luật Thuế TNCN không phải không có những điểm ưu việt, chẳng hạn như lần đầu tiên có quy định về giảm trừ gia cảnh? Phải chăng đây là một trong những lý do khiến cho ông nghĩ rằng càng nên triển khai Luật Thuế TNCN?

– Đúng là nhờ có quy định về chế độ giảm trừ gia cảnh nên với một số đối tượng như người có thu nhập tiền công tiền lương, cá nhân và hộ đăng ký kinh doanh… mức đóng thuế thu nhập sẽ được giảm nhẹ hơn. Tuy nhiên, Luật Thuế TNCN lại mở rộng thêm nhiều đối tượng nộp thuế TNCN mà trước đây họ thuộc diện được miễn, chẳng hạn như tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác nhau…

Điều này, theo tôi cũng là phù hợp với mục tiêu của Quốc hội khi ban hành Luật Thuế TNCN. Để đảm bảo tính công bằng thì phải mở rộng diện đóng thuế dựa trên nguyên tắc bất cứ ai có phát sinh thu nhập chịu thuế thì đều phải có nghĩa vụ nộp thuế.

TBKTSG: Ông có nói rằng trên thế giới bất cứ luật nào khi mới ban hành đều không thể hoàn hảo ngay. Vậy, với Luật Thuế TNCN điều gì làm ông còn lấn cấn?

– Trong quá trình soạn thảo, Luật Thuế TNCN cũng đã được đưa ra lấy ý kiến và xem xét kỹ càng nên về mặt nội dung nhìn chung không có vấn đề gì vướng mắc lớn lắm. Tuy nhiên, có một điểm mà tôi cho là chưa hợp lý lắm, đó là quy định về chuyển lỗ.

Các công ty, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được phép chuyển lỗ sang năm sau trong khi với Luật Thuế TNCN các cá nhân kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể lại không được phép chuyển lỗ. Có nghĩa, nếu một người kinh doanh dưới hình thức cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể mà hoạt động của họ năm nay lỗ, sang năm mới có lãi thì khoản lãi đó không được trừ đi khoản lỗ của năm trước. Ngược lại, lỗ sẽ được trừ vào lãi nếu cũng hoạt động kinh doanh ấy diễn ra dưới hình thức công ty. Tôi cho như thế là không công bằng.

TBKTSG: Ngoài nội dung, vấn đề gì có thể gây khó khăn cho việc triển khai luật, thưa giáo sư?

– Để triển khai hiệu quả, ngành thuế cần được đầu tư mạnh hơn nữa về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Hiện nay, thông tin về người nộp thuế vẫn chưa được tích hợp một cách đầy đủ, toàn diện nên ngành thuế không thể kiểm soát. Ví dụ, trong trường hợp hai vợ chồng cư ngụ ở hai tỉnh, thành khác nhau nhưng đều kê khai giảm trừ gia cảnh cho cùng một hay nhiều người phụ thuộc thì cơ quan thuế rất khó biết. Ngân hàng Thế giới đang giúp ngành thuế triển khai một dự án về tích hợp thông tin nhưng tôi được biết chưa thể xong trong năm nay.

TBKTSG: Ông vừa tham gia khóa tập huấn cho cán bộ ngành thuế để chuẩn bị triển khai Luật Thuế TNCN theo Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật châu Âu cho Việt Nam – giai đoạn 2 (ETV2). Theo ông, họ có đủ khả năng đảm đương công việc?

– Tôi thấy họ hiểu và nắm khá rành rẽ Luật Thuế TNCN, thậm chí họ còn có những câu hỏi đánh đố cả tôi nữa đấy. Nhìn chung, tôi tin tưởng ở năng lực của các cán bộ thuế Việt Nam, ít nhất là đối với những người tham gia khóa tập huấn vừa qua.

TBKTSG: Xin cảm ơn giáo sư!

NGUYÊN TẤN thực hiện

Vẫn thực hiện Luật Thuế TNCN từ 1-1-2009

Kết thúc phiên họp vào ngày 27-12 vừa qua, UBTVQH kết luận vẫn thực hiện Luật Thuế TNCN từ 1-1-2009, đồng thời sẽ trình Bộ Chính trị ba phương án về thuế TNCN.Trong ba phương án trên có hai phương án do Chính phủ đề xuất.

Một là hoãn thời điểm áp dụng Luật Thuế TNCN từ sáu tháng đến một năm. Trong thời gian đó, vẫn áp dụng Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nhưng giảm 30% số thuế cho những người nằm trong diện này.

Hai là miễn thuế TNCN theo Luật Thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, đồng thời giảm 30% thuế cho hộ gia đình và cá nhân trước đây thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nay chuyển sang nộp thuế TNCN.

Phương án thứ ba, theo UBTVQH, là Luật Thuế TNCN vẫn áp dụng từ 1-1-2009 nhưng cho giãn nộp 10 tháng với mọi đối tượng, mọi loại thu nhập và đến kỳ họp thứ 6, QH khóa XII sẽ quyết định cụ thể cho giãn tiếp, hoặc cho miễn giảm hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới