Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuba cải cách kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuba cải cách kinh tế

Thái Bình

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thuê đất 99 năm để phát triển bất động sản du lịch ở Cuba. Ảnh: PICSDIGGER.COM

(TBKTSG) – Tuần trước Chính phủ Cuba đột ngột thông báo sẽ tinh giản nửa triệu viên chức, tương đương 10% biên chế của khu vực công trước cuối tháng 3-2011 và kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân sẽ hấp thụ số lao động này.

Từng bước nới lỏng sự kiểm soát

Giới quan sát tình hình Cuba không ngạc nhiên trước sự kiện được coi là “chấn động” này vì trong vài tháng qua, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhiều lần cảnh báo rằng, kinh tế Cuba cần một cuộc cải cách triệt để, trước tiên là trong lĩnh vực lao động. Theo ông Castro, trong bảng lương nhà nước Cuba hiện có khoảng 1 triệu người “thừa” và chính phủ phải nuôi một guồng máy hành chính vừa cồng kềnh vừa kém hiệu năng. “Chúng ta phải xóa bỏ vĩnh viễn cái ý niệm rằng Cuba là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi người ta có thể sống mà không cần phải làm việc”, Chủ tịch Castro nói.

Từ khi lên thay Chủ tịch Fidel Castro hai năm về trước, ông Raul Castro cũng đã nhiều lần cam kết sẽ cải cách kinh tế, làm cho nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của đảo quốc này có hiệu quả hơn và có cơ hội cho mọi người. Ngày 27-8 vừa qua, Chính phủ Cuba đã ra một nghị định nới lỏng luật đất đai, theo đó nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất với thời hạn 99 năm để phát triển bất động sản du lịch, tăng 49 năm so với quy định cũ; người dân Cuba cũng được tự do sử dụng đất vườn để canh tác và bán sản phẩm ra thị trường. Trước đó, Cuba đã cấp hàng trăm ngàn héc ta đất công cho nông dân, mở rộng thị trường nông sản, nới lỏng việc kinh doanh điện thoại di động và thiết bị điện tử, cấp phép cho tư nhân kinh doanh trong một vài lĩnh vực như mở tiệm cắt tóc, chạy xe taxi… Trước đó nữa, Cuba cũng đã cho phép người dân làm một số dịch vụ nhỏ như giao thực phẩm, cho thuê phòng trọ hay mở quán ăn trong gia đình, với điều kiện không được thuê người làm công.

Tuy nhiên, so với những biện pháp đã thực hiện, việc tinh giản biên chế có tác động mạnh hơn rất nhiều. Một số người Cuba sẽ hài lòng vì được phát huy kỹ năng kinh doanh, có cơ hội làm giàu, nhưng nhiều người khác sẽ rất đau khổ vì không còn được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, nhà ở và lương thực thực phẩm được trợ giá, một cuộc sống nghèo nhưng ổn định…

Tình huống quyết định

Theo giới phân tích, những chính sách mới này là không thể tránh khỏi để cứu vãn nền kinh tế Cuba, hiện đang rất khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hậu quả của những trận bão khủng khiếp năm 2008. Doanh thu từ du lịch sụt giảm mạnh, sản lượng mía đường bị thất bát do thời tiết không thuận và đất nước đang đối diện với tình trạng thiếu gạo. Để tiết kiệm những đồng ngoại tệ khó khăn mới kiếm được, năm ngoái Cuba đã giảm nhập khẩu tới 37% so với năm trước. Liên đoàn công nhân Cuba – cơ quan thay mặt chính phủ để công bố quyết định tinh giản biên chế đầu tuần trước, thừa nhận rằng nền kinh tế đang lâm nguy, sự thay đổi “là cần thiết và không thể trì hoãn”.

Một số nhà phân tích đánh giá, những chính sách đổi mới vừa được công bố ở Cuba – tuy còn rất rụt rè – đã phản ánh một xu thế cải cách ở đất nước này, một phần do sự thúc bách của hoàn cảnh và một phần do những bài học kinh nghiệm mà Cuba tiếp thu được từ tiến trình cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam: tư nhân hóa hoạt động kinh tế với sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

Bà Julia E. Sweig, chuyên gia về Cuba của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, thường xuyên làm việc ở Cuba, cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị mở cửa thêm nhiều khu vực kinh tế, kể cả công nghiệp nhẹ như sản xuất đồ gỗ gia dụng và dệt may. Theo bà Sweig, thực tế các hoạt động này đã tồn tại như một dạng kinh doanh “chui”, cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, song sắp tới nhà nước sẽ cho phép hợp thức hóa để thu thuế và để giải quyết công việc làm cho hàng triệu người bị tinh giản biên chế. Bà Sweig cũng cho rằng Cuba đang trong tiến trình thu hẹp quy mô và sự can thiệp của nhà nước vào đời sống xã hội.

Trở ngại về ý thức hệ

Tuy nhiên, những biện pháp mà Cuba thực hiện cho đến nay hãy còn quá khiêm tốn. Liệu trong tương lai, Cuba có chấp nhận đổi mới triệt để nền kinh tế như Trung Quốc và Việt Nam đã làm trong mấy thập niên qua hay không, đó là một điều rất khó dự báo. Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, chưa nên trông đợi quá nhiều vào sự thay đổi của Cuba.

Ông Haroldo Dilla, nhà xã hội học Cuba, cho rằng cải cách sẽ không đủ đưa người dân đảo quốc này thoát khỏi nghèo khó một cách nhanh chóng; Cuba chỉ đơn giản thúc đẩy hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp rất nhỏ nhằm đỡ một phần gánh nặng cho kinh tế nhà nước về chi phí và lao động hơn là vươn tới một nền kinh tế thị trường sâu rộng.

Nửa thế kỷ qua, Cuba phát triển ở Trung Mỹ như một đối trọng của Mỹ cả về ý thức hệ lẫn mô hình kinh tế. Nay, việc mở rộng kinh tế tư nhân có nghĩa là đi ngược lại nguyên tắc căn bản của đất nước này: lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua, người dân Cuba lại có thể thuê mướn đồng bào mình làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, tạo ra mối quan hệ lao động “chủ-thợ” đã bị xóa bỏ ở Cuba từ khi cách mạng thành công năm 1959. Kinh tế tư nhân tất yếu cũng sẽ dẫn tới tình trạng một số người giàu lên, bình đẳng về thu nhập trong xã hội bị phá vỡ và điều đó sẽ kích hoạt những xu thế xã hội mà Chính phủ Cuba không thể kiểm soát được.

Và dường như Cuba cũng chưa muốn tái lập quan hệ với Mỹ, quốc gia đã cấm vận thương mại Cuba gần nửa thế kỷ qua. Ở Trung Quốc và Việt Nam, công cuộc cải cách kinh tế chỉ khởi động sau những bước đi cẩn trọng nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc vào năm 1972 và Việt Nam vào năm 1995. Giới quan sát cho rằng, nếu quan hệ Cuba-Mỹ được bình thường, dòng kiều hối từ Mỹ chuyển về có thể giúp người dân Cuba khởi sự doanh nghiệp, có thể mua sắm các thiết bị từ Mỹ để trang bị các nhà máy, đồng thời có thể xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ – thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới mà không tốn nhiều chi phí vận chuyển. Nhà đầu tư và khách du lịch Mỹ và các nước phương Tây khác cũng sẽ nhận ra Cuba là một điểm đến hấp dẫn.

Thực tế, khi mới lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những động thái nới lỏng cấm vận Cuba và Chủ tịch Raul Castro cũng đã đáp lại bằng những động thái tích cực mà đáng chú ý nhất là việc trả tự do cho hàng trăm người trong những tháng gần đây. Tuy nhiên do những bất đồng chính trị sâu sắc, việc cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba diễn ra rất chậm chạp, có lúc ngưng trệ, không đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp hai nước.

Một Việt Nam trong tương lai?

Sau một lần tiếp kiến Chủ tịch Fidel Castro hồi đầu tháng 9, nhà báo Jeffrey Goldberg tường thuật trên tạp chí The Atlantic ý kiến của ông Fidel rằng “hệ thống của Cuba đã không còn phù hợp với Cuba nữa”, và bài báo đó đã gây nên một làn sóng bình luận sôi nổi trên thế giới, ngụ ý rằng Cuba sắp đổi hướng. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc nói chuyện tại Đại học La Havana, Chủ tịch Fidel Castro nói rằng, phát biểu của ông đã bị diễn dịch sai, ông muốn nói rằng, “chủ nghĩa tư bản không phù hợp với Cuba”. Vài hôm sau nữa, Cuba công bố quyết định tinh giản biên chế nhà nước.

Theo bà Julia Sweig, người có mặt trong buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Fidel Castro và nhà báo J. Goldberg, ông Fidel muốn khẳng định rằng, ông không muốn nhập khẩu chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ vào Cuba. Điều ông Fidel muốn nói, theo bà Sweig, là Cuba không thể duy trì mô hình hiện hữu mà cũng không theo mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ.

Liên kết các sự kiện, rõ ràng Cuba đang khởi động một tiến trình cải cách kinh tế gần giống như Việt Nam và Trung Quốc đã làm vài thập niên trước. Tiến trình này tuy chậm chạp, rụt rè nhưng có thể hình dung trong tương lai Cuba sẽ giống như một Việt Nam ở châu Mỹ. Có điều đường đi đến đó hãy còn khá xa và nhiều trở ngại phải vượt qua, chủ yếu là những trở ngại từ trong hệ thống hiện hữu, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của những người đang lãnh đạo Cuba.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới