Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cục Địa chất đề xuất sử dụng cát biển trong san lấp, xây dựng

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cục Địa chất cho biết, cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng 2,3 tỉ m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cốt liệu xây dựng khoảng 130 triệu m3/năm, nhu cầu cát san lấp khoảng 2,1-2,3 tỉ m3. Vì thế, các dự án cao tốc Bắc-Nam và nhiều dự án trọng điểm quốc gia thời gian tới sẽ gặp khó khăn khi nguồn cát sông làm vật liệu san lấp, xây dựng khan hiếm…

Các dự án cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long đang rất thiếu cát san lấp – Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó cục trưởng Cục Địa chất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết cả nước có khoảng 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng 2,3 tỉ m3, trong đó số đủ tiêu chuẩn cho sản xuất bê tông chỉ chiếm khoảng 30%, phân bố ở thượng nguồn các sông, còn lại chủ yếu là cát chất lượng thấp phục vụ cho xây trát và san nền.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cốt liệu xây dựng (cát chế tạo vữa và bê tông) trên phạm vi toàn quốc khoảng 130 triệu m3/năm; nhu cầu cát san lấp giai đoạn 2016-2020 khoảng 2,1-2,3 tỉ m3, trung bình mỗi năm 550 triệu m3. Vì thế, các dự án cao tốc Bắc-Nam và nhiều dự án trọng điểm quốc gia thời gian tới sẽ gặp khó khăn khi nguồn cát sông làm vật liệu san lấp, xây dựng khan hiếm.

Từ năm 2010, Cục Địa chất đã khảo sát và khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác vật liệu xây dựng loại A và 58 vùng loại B với trữ lượng khoảng 196 tỉ m3. Đây là nguồn vật liệu lớn có thể giải quyết ngay vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên cát biển hiện vẫn ít được chọn làm vật liệu xây dựng do hạt nhỏ, mịn, kèm theo lượng mùn, sét nhiều hơn cát sông; muốn sử dụng trong xây dựng, phải rửa mặn và loại bỏ một số thành phần hóa học có hại, gây ăn mòn kim loại như SiO3, hoặc nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng công trình.

Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến 2050, nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở Việt Nam đến năm 2025 khoảng 170-190 triệu m3/năm, đến năm 2030 khoảng 200-220 triệu m3/năm

Tại phiên chất vấn phiên họp thứ tư kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã trao đổi với Bộ TN-MT nghiên cứu sử dụng cát biển cho san lấp mặt bằng các dự án cao tốc Bắc – Nam; riêng các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 400 km, nhu cầu cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, dân sinh khác.

Công nghệ khai thác và xử lý cát biển cần đầu tư lớn của Nhà nước – Ảnh; TL

Việc sử dụng cát biển thay thế dần cát sông, theo Phó cục trưởng Cục Địa chất, là xu hướng tất yếu, đặc biệt là các dự án  trọng điểm giao thông quốc gia, nhưng hiện nay hành lang pháp lý, quy hoạch về không gian biển, quy trình kỹ thuật chuẩn hướng dẫn điều tra, thăm dò khoáng sản biển còn chưa thống nhất với các Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai… nên Bộ TN-MT vừa giao Cục Địa chất khẩn trương xây dựng thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá cát biển để áp dụng.

Bên cạnh đó, cũng theo Cục Địa chất, nếu khai thác không có nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái, nhiều nguy cơ môi trường cũng sẽ xảy ra với biến đổi địa hình đáy biển, xói lở bờ biển, ô nhiễm nước biển, hệ sinh thái vùng biển…

Vì thế, Cục Địa chất cho rằng, để đảm bảo an toàn, chỉ nên khai thác cát biển ở vùng biển có độ sâu lớn hơn 10 m, cách xa bờ biển, đảo hơn 20 km, độ sâu khai thác vào đáy biển dưới 10 m. Đặc biệt việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác cát biển phải do cấp trung ương thực hiện, không phân cấp cho địa phương mới đảm bảo công tác bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới