Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cục diện thị trường xuất khẩu tôm sau POR 8

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cục diện thị trường xuất khẩu tôm sau POR 8

Vũ Thị Thùy Ninh

Cục diện thị trường xuất khẩu tôm sau POR 8
Tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do bị áp thuế chống bán phá giá. Ảnh: Thanh Tao

(TBKTSG) – Cuối tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR 8) giai đoạn từ 1-2-2012 đến 31-1-2013. Với đợt POR này, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp thuế CBPG cao nhất từ trước đến nay.

Tôm nhập khẩu chiếm tới 90% tôm được tiêu thụ tại Mỹ với nguồn cung chủ yếu từ các nước sản xuất tôm lớn như Indonesia, Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Trong đó, bảy tháng đầu năm 2014 Ecuador đang dẫn đầu về cung cấp tôm cho Mỹ, tiếp theo là Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, Ecuador và Indonesia lại đang có điều kiện thuận lợi do không bị ảnh hưởng bởi thuế CBPG trong đợt POR 8 trong khi mức thuế CBPG đối với Việt Nam tăng kỷ lục.

Các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp thuế CBPG cao nhất từ trước đến nay, trong đó Công ty cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) 9,75% và các công ty bị đơn khác 6,37%.

Với đợt rà soát POR 8 này, tôm Thái Lan đã bị tăng từ mức 0% trong năm 2013 lên 1,1% mức thuế chung toàn quốc, trong đó có cả Pakfood. Marine Gold không có tên trong danh sách đối tượng chịu thuế sơ bộ năm 2014 bởi doanh nghiệp này “thoát” được điều tra CBPG từ ngày 1-2-2012. Tôm của Ấn Độ cũng phải chịu mức thuế cao hơn, từ 0% lên mức 1,97-3,01% tùy từng công ty.

Với kết quả trên, Indonesia và Ecuador tiếp tục không bị áp mức thuế cbpg vào thị trường Mỹ. Không những thế, trong khi các nước sản xuất tôm lớn khác như Thái Lan và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ hội chứng tôm chết sớm (EMS) và thuế CBPG của Mỹ, thì Indonesia và Ecuador có những bước nhảy ngoạn mục trên thị trường Mỹ do không chịu thiệt hại bởi EMS và thuế CBPG giúp ngành xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện các báo cáo về hội chứng đốm trắng trên tôm (WSSV) tại Indonesia. Thông thường, người nuôi tôm ở nước này thu hoạch khi tôm đạt cỡ 20, 30 và 40, nhưng hiện nay các ao nuôi đang thu hoạch ở cỡ 60-70, nguyên nhân có thể do dịch bệnh khiến tôm không thể lớn.

Còn các báo cáo gần đây từ Ấn Độ khá khả quan khi các xét nghiệm tại các trại nuôi tôm ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu cho thấy “không có dấu hiệu của EMS”. Dù vậy, ngành tôm Ấn Độ lại chịu áp lực từ việc Mỹ áp thuế CBPG đối với tôm nhập khẩu. Theo POR 8 các nhà xuất khẩu của nước này chịu mức thuế CBPG từ 1,97-3,01%, trong đó Công ty Falcon Marine nhận mức thuế là 3,01%, cao nhất đối với Falcon kể từ đợt xem xét hành chính đầu tiên. Từ vị trí nhà cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ trong năm 2013, Ấn Độ tụt hạng xuống vị trí thứ 3 trong bảy tháng đầu năm 2014.

Bức tranh ảm đạm nhất về tình hình sản xuất và xuất khẩu tôm đang diễn ra tại Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu thị trường Kasikorn (Thái Lan) đưa ra cảnh báo cho rằng, năm 2014 sẽ là năm thứ ba liên tiếp tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước này sụt giảm. Bên cạnh dịch bệnh, xuất khẩu tôm của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị Mỹ hạ bậc do báo cáo về tình trạng buôn người và lạm dụng lao động nô lệ trong ngành thủy sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Thái Lan chịu mức thuế đợt POR 8 là 1,1%.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể nhưng ngành tôm sẽ gặp khó nếu DOC quyết định giữ nguyên mức thuế CBPG quá cao trong phán quyết cuối cùng của POR 8 trong thời gian tới.

Như vậy, không chỉ xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng mạnh mà nhu cầu từ Mỹ gia tăng đang thúc đẩy xuất khẩu của Indonesia; Ecuador; Ấn Độ tăng, theo đó đẩy giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam lên cao trong tháng 6 vừa qua. Sáu tháng đầu năm 2014 giá tôm nhập khẩu trung bình của Mỹ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình sáu tháng đầu năm 2013 giá tôm nhập khẩu của Mỹ ở mức 9,05 đô la Mỹ/ki lô gam và đã tăng lên mức 12,28 đô la Mỹ/ki lô gam cùng kỳ năm 2014. Tính đến cuối tháng 6-2014 giá tôm nhập khẩu trung bình của Mỹ ở mức 13,76 đô la Mỹ/ki lô gam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới