Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cúm A/H5N1 ở người phụ thuộc vào dịch cúm ở gia cầm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cúm A/H5N1 ở người phụ thuộc vào dịch cúm ở gia cầm

Thoa Nguyễn

Cúm A/H5N1 ở người phụ thuộc vào dịch cúm ở gia cầm
Ông Nguyễn Trần Hiển – Ảnh Thoa Nguyễn

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát trở lại và có nhiều diễn biến phức tạp, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Nguyễn Trần Hiển nói dịch cúm A/H5N1 ở người sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch cúm ở gia cầm.

Bên lề hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012, ông Hiển đã có cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề trên.

TBKTSG Online: Trước nguy cơ bùng phát trở lại dịch cúm ở gia cầm, ông có cập nhật gì về tình hình cúm A/H5N1 ở người?

Ông Nguyễn Trần Hiển: Mấy ngày gần đây, qua kiểm tra, các địa phương chưa phát hiện thêm ca nhiễm cúm A/H5N1mới nào.

Qua các phân tích của Viện Pasteur TPHCM thì chủng cúm A/H5N1 ở người hiện nay giống với chủng virus cúm H5N1 đang lưu hành ở gia cầm và thuộc phân nhóm 1.1 lưu hành trước nay ở khu vực phía Nam, và chưa có sự thay đổi đáng kể về đặc điểm di truyền học dẫn đến thay đổi về độc lực cũng như là việc lây truyền từ người sang người.

Các khuyến cáo cho rằng, những người sử dụng thịt gia cầm chưa phát bệnh vẫn có khả năng nhiễm virus cúm, điều đó có đúng không?

– Điều đó hoàn toàn đúng. Trong thịt gia cầm chưa phát bệnh vẫn tồn tại chủng loại virus cúm này. Chính vì thế, người sử dụng, bán sản phẩm, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Với các bệnh khác thì có người lành bệnh mang chủng virus gây bệnh, vậy đối với cúm A/H5N1 thì có hiện tượng này không?

– Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu trường hợp này. Câu trả lời ban đầu là có, nhưng tỷ lệ rất thấp. Những người khỏe mạnh mang kháng thể kháng lại virus H5N1 nhưng tỷ lệ này chỉ có 0,4%.

Vậy ông nhận định tình hình lây lan dịch cúm A/H5N1 ở người thời gian tới như thế nào?

– Theo tôi, cúm A/H5N1 ở người phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch ở gia cầm. Theo như thông báo, hiện đã có 11 tỉnh thành xuất hiện dịch cúm gia cầm, từ đó dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất lớn vì tăng khả năng phơi nhiễm của người với gia cầm bị bệnh và khả năng nhiễm H5N1 là rất cao, trừ khi thực hiện tốt biện pháp phòng tránh với mong muốn ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Ông có cảnh báo gì trước nguy cơ bùng phát trở lại dịch cúm A/H5N1 ở người?

– Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay thì ta chưa kiểm soát được các vấn đề của môi trường dẫn đến nguy cơ, tái bùng phát các dịch cúm gia cầm tại Việt Nam. Trong khi đó, cúm A/H5N1 lại phụ thuộc vào diễn biến của dịch cúm này. Chính vì thế, việc trước tiên là cần phải kiểm soát tốt các dịch bệnh từ đàn gia súc, gia cầm. Thêm vào đó, khi phát hiện ra dịch bệnh cần phải báo cáo với các cơ quan liên ngành để có biện pháp xử lý.

Ở các tỉnh phía Nam tồn tại 3 dịch: cúm A/H5N1, tay-chân-miệng và mới đây là sốt xuất huyết. Ông có lo ngại có sự liên kết  dẫn đến biến đổi giữa 3 dịch bệnh này hay không?

– Theo tôi, bản chất của 3 loại dịch này khác nhau hoàn toàn. Con đường lây truyền khác nhau và không liên quan. Nếu có thì chẳng qua tạo gánh nặng cho ngành y tế cùng một lúc phải đối diện với nhiều dịch bệnh

Trên thực tế cách phòng tránh mỗi dịch bệnh là khác nhau. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt, thực hiện tốt công tác vệ sinh… sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm từ môi trường, thực phẩm…

Ở Hải Phòng mới đây đã bùng phát dịch bệnh tay- chân- miệng và đã có trường hợp tử vong. Vậy tình hình sẽ như thế nào trong thời gian tới tại phía Bắc?

– Chúng tôi sẽ kiểm soát kỹ hơn đối với dịch bệnh này tại Hải Phòng. Theo tôi, hiện vẫn còn sự khác biệt rõ rệt giữa dịch bệnh tay chân miệng ở phía Bắc và phía Nam. Ở phía Bắc thì đa phần là những ca bệnh nhẹ trong khi khu vực phía Nam thì là ca bệnh nặng và tử vong nhiều hơn.

Ông đánh giá mức độ lây lan của dịch tay- chân- miệng hiện nay là như thế nào?

– Nguy cơ diễn biến phức tạp và không lường trước được vì thực tế, dịch bệnh này do nhiều nhóm virus gây lên. Vấn đề cơ bản nhất là dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa nên cần làm tốt công tác vệ sinh ăn uống… Thêm nữa, việc khó khăn trong điều trị, phòng chống dịch này chính là việc có tới 50% người lành mang loại virus này. Người khỏe mang virus dịch bệnh tay – chân – miệng rồi truyền cho trẻ em. Sức đề kháng của trẻ em yếu, hơn nữa lại chưa thể chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh. Như vậy cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các bà mẹ.

Tính tới thời điểm này, dịch tay – chân – miệng diễn biến khá phức tạp. Ngay từ đầu năm số ca tử vong đã lên tới 9 trường hợp là khá cao; số ca mắc cũng cao nhất. Tôi hy vọng năm nay số ca tử vong sẽ giảm, với việc năng lực điều trị tốt hơn, trang thiết bị được chuẩn bị tốt hơn.

Để chống dịch tay – chân – miệng, biện pháp nào là quan trọng nhất thưa ông?

– Mỗi trẻ tự chăm sóc trong điều kiện vệ sinh tốt bởi đa phần trẻ mắc đều dưới 5 tuổi. Người chăm sóc trẻ cũng cần nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm và cách phòng chống, cách phát hiện ra dịch bệnh sớm.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới