Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cúm: biết để khỏi sợ!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cúm: biết để khỏi sợ!

BS. Lương Lễ Hoàng - CHLB Đức

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Lời thật khó tránh mất lòng. Nếu có nghề mang lại niềm vui cho người khác, như chú hề trong gánh xiếc, như nghệ sĩ tấu hài, thì cũng có nghiệp ăn nên làm ra nhờ nỗi đau của người khác, chẳng hạn nghề thầy thuốc, nhà thuốc, trại hòm, nhà tang lễ (nếu viết theo đúng trình tự) và nghề xoay quanh truyền thông đại chúng.

Bản tin mạnh hơn bom nguyên tử

Bằng chứng là từ “đại gia” như CNN xuống đến cấp cò con như báo làng biếu không, tất cả dường như đều sôi động thấy rõ khi có tin gì đó máu lửa đầy trời. Tai nạn máy bay, động đất, tài tử tự tử vì hết thời… tin nào cũng được, miễn là có gì mới lạ nếu so với thường ngày, quái lạ cũng không sao, kỳ lạ càng tốt vì khó kiểm chứng. Bằng chứng là nếu người dân khắp năm châu lo lắng trăm bề vì tin về cúm A/H1N1 lan nhanh hơn bệnh dịch thì nhà báo, truyền hình, truyền thanh ngược lại có chuyện để làm.

Không lo sao được khi bản tin nào nghe qua cứ như siêu vi đã vào phòng khách, cứ như mai này thành phố thân thương chẳng khác bị dội bom nguyên tử vì hoang vắng bóng người bởi siêu vi già không bỏ nhỏ không tha. Không ớn sao được với bản tin giờ chót về cúm A/H1N1, cứ như lát nữa thì siêu vi ập vào đài truyền hình! Tất cả chỉ vì cả thế giới đang nằm trọn trong vùng ảnh hưởng của truyền thông. Một bản tin vô trách nhiệm, thiếu căn cứ trên Internet thừa sức để trái đất bỗng đổi gam màu xanh của người thiếu máu.

HN = Hè nhau hù người

Tất cả “tác giả” khi có cơ hội bàn ra tán vào về “cơn đại dịch của thế kỷ”, (cứ như trước đây chưa hề có và sau này sẽ không còn) đều phủ màu xám đen vì dựa vào hình ảnh khủng khiếp của cơn dịch mang tên “cúm Tây Ban Nha (Spanish flu) kéo dài từ tháng 3-1918 đến tháng 6-1920. Không sai nếu nói có sách mách có chứng, nhưng lại trật chút xíu.

Đó là cơn dịch lần này (nếu có) xảy ra vào thời điểm của gần chín mươi năm sau. Đúng là lần trước, trong khoảng thời gian ngắn ngủi không đầy hai năm, siêu vi cảm cúm thuộc nhóm H1N1 đã vượt qua Đại Tây Dương rồi lan xuống các quốc gia tận bên kia biển Thái Bình để cướp đi tối thiểu 20 triệu mạng người, hay thậm chí nhiều hơn nữa, hơn xa số người tử vong trong thế chiến vì thời đó chưa có phương tiện thống kê chính xác như hiện nay.

Nhưng đó là thời điểm cả châu Âu đang kiệt lực sau cuộc chiến thảm khốc, là lúc thầy thuốc ngày xưa chưa biết nhiều về siêu vi cảm cúm, chứ đừng nói chi đến phương tiện điều trị. Bây giờ chỉ còn ít tháng là bước qua năm 2010. Thầy thuốc hiện nay đang có trong tay kỹ thuật chẩn đoán nhanh và phương tiện điều trị hiệu quả.

Hơn thế nữa, cho dù tình trạng môi trường ô nhiễm là một thực tế hiển hiện, khả năng phát tán dịch bệnh cảm cúm chắc chắn sẽ không dễ dàng như hồi đầu thế kỷ 20. Bằng chứng là mặc dầu vô số bản tin giật gân thê thảm, số người bị nghi ngờ nhiễm bệnh lần này vẫn không thấm vào đâu với một đợt sóng thần tàn ác, số người đúng là mất mạng vì siêu vi H1N1 với xác minh qua xét nghiệm kháng thể hẳn hòi vẫn không bằng một tai nạn xe đò do lái ẩu bên mình, vẫn kém xa số người mất mạng vì bệnh tim mạch trong một đêm ở bệnh viện quận nào đó ở châu Âu. Tất nhiên cẩn tắc vô áy náy, nhưng đừng vì thế mà sợ bệnh hơn sợ ma.

Trăm sự đừng đổ đầu heo

Siêu vi H1N1 đúng là không dễ chơi vì đánh ngay vào hệ miễn dịch nhưng lại không theo kiểu công phá thông thường mà bằng lối tung hỏa mù để ném đá giấu tay. Bằng cách ngụy trang khéo léo, siêu vi H1N1 qua mặt hệ thống phòng vệ cái một rồi quay lại cười nhạo khiến hệ miễn dịch của nạn nhân đổ quạu rồi phản ứng lung tung, vừa nhanh nhảu đoảng, vừa trật xa mục tiêu bằng cách tổng hợp kháng thể không lo diệt bệnh mà quay lại nện ngay gia chủ với hậu quả gây xuất huyết ở bất cứ chỗ nào có niêm mạc! Người nhiễm siêu vi sau đó kiệt sức đến mức độ trụy tim mạch vì sức đề kháng cạn kiệt, lại thêm bội nhiễm thứ cấp. Chính vì thế nạn nhân của siêu vi cảm cúm thường bị viêm phổi cấp, hay nhiễm trùng huyết mặc dầu siêu vi lúc đó đã ra đi không thèm từ giã. Đáng lo hơn nhiều là H1N1 năm nay, nhóm Solomon Islands, tấn công chủ yếu vào hai nhược điểm hớ hênh của con người ở thế kỷ 21: màng não và màng tim!

Tuy vậy, không hẳn ai tiếp xúc với bệnh nguyên đều nhiễm bệnh, không hẳn ai nhiễm bệnh đều phải vào hồi sức cấp cứu. Câu hỏi chỉ là phải chăng sức đề kháng và cơ tạng xiêu vẹo sao đó thì siêu vi mới hân hoan vào nhà xơi cỗ. Như thế nạn nhân, dù chỉ trong ý nghĩa tương đối, cũng là một phần thủ phạm. Không hẳn cúm heo là vì heo ở dơ. Heo xưa nay có sạch bao giờ, nhưng đâu phải lúc nào cũng có dịch. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Nếu đã có ngày thưởng thức miếng thịt quay giòn rụm thì gặp bữa trở trời cũng không nên hành tội loài heo.

Khó thua nếu khéo chuẩn bị

Chuyên gia phòng dịch, cũng như bản tin khí tượng, tất nhiên phải bi thảm hóa vấn đề để đừng ai coi thường. Nhưng mặt khác, đừng vì thế mà la làng chữa cháy khi mới thoáng thấy khói… thuốc lá! Thầy thuốc khắp nơi đều rõ những điều dưới đây:

- Người đã tiêm ngừa cảm cúm khó bị nhiễm siêu vi H1N1 cho dù phải di chuyển qua lại vùng có dịch.

- Không khó để điều trị với thuốc đặc hiệu nếu được chẩn đoán sớm và cách ly bệnh nhân.

- Siêu vi bị diệt ở nhiệt độ 70 độ C. Do đó cần tăng cường tối đa biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chuồng trại chăn nuôi.

- Muốn phong tỏa nguồn lây lan, cần chú trọng tối đa biện pháp thanh trùng như rửa tay nhiều lần trong ngày, mang khẩu trang, sát trùng bàn phím máy vi tính, chốt cửa, nhà vệ sinh, nút bấm thang máy…

- Tăng cường sức đề kháng bằng thuốc đa sinh tố - khoáng tố, xông hơi cổ họng với tinh dầu cây thuốc, giữ ấm đường hô hấp.

- Đi đến thầy thuốc nếu sốt 48 giờ không thuyên giảm bằng thuốc thông thường.

Cảm cúm do siêu vi H1N1 vì thế không đồng nghĩa với bệnh nan y. Bệnh đến nay chỉ nặng vì người viết bản tin dùng quá nhiều dấu… nặng! Nước Mexicô chắc phải tức lắm mới quyết định tặng ba năm du lịch miễn phí cho khách du lịch nào vướng cúm heo vì thăm nước này.

Siêu vi không mời cũng đến

Cơn dịch do siêu vi không thể vô cớ bỗng xuất hiện thường xuyên trong thời gian gần đây trong khi đời sống con người rõ ràng ngày càng được cải thiện. Phải chăng vì cách sống xa rời quy luật thiên nhiên của con người mà siêu vi chiếm thế thượng phong? Phải chăng vì sức đề kháng của con người thời nay nếu so với tiền nhân, cho dù không thiếu thuốc, thậm chí thừa là khác, chỉ là ngọn đèn trước gió. Nếu thầy thuốc Đông y từ nhiều ngàn năm trước đã biết “tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư” (bệnh chỉ phát tán khi sức kháng bệnh suy yếu), lẽ nào thầy thuốc thời này vẫn chưa hiểu mũi thuốc tiêm ngừa hoàn tất mấy năm sau mỗi khi xảy ra cơn đại dịch chỉ là biện pháp thụ động vì siêu vi khi đó đã biến thể từ lâu?! Câu trả lời xin dành cho mỗi độc giả.

Thêm một điều phải nói dù là bứt mây khó tránh động rừng. Các cơn dịch kế tiếp với thầy trò HN, nay H này mai N khác, chắc chắn không mời cũng sẽ đến thường xuyên hơn, ác liệt hơn. Ngành y tế vì thế phải chuẩn bị để ứng chiến đủ mặt, từ đơn vị xử lý bệnh cảm cúm trong mỗi bệnh viện đến biện pháp xử lý môi trường ô nhiễm. Quan trọng không kém là tiếng nói kịp thời của ngành y tế để người dân đừng hoang mang rút kinh nghiệm từ các sự cố MCPD trong nước tương bước qua vi khuẩn dịch tả trong mắm tôm cho đến melamine trong sữa.
Nếu không chủ động bao vây siêu vi bằng biện pháp y tế công cộng thì chỉ còn cách kiếm miếng bánh cám heo mang cúng chuồng rồi tụng bằng bài đồng dao:

Heo ơi, heo à
Heo có thương ta
Heo đừng cảm cúm
Heo mà ngã bệnh
Ta la mã tà
Sống chết mặc bây
Tiền thầy bỏ túi!

Biết đâu siêu vi thương tình nghĩ lại!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới