Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cũng là phân loại rác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cũng là phân loại rác

Nhân viên ngành môi trường đô thị vớt rác trên kênh rạch tại TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Nhà nước đã chi ra nhiều tỉ đồng để phát triển hệ thống phân loại rác tại nguồn, nhưng chưa thành công. Đây cũng là công việc kiếm sống hàng ngày của hàng ngàn người ở các bãi rác, nhưng lại không được ai quan tâm.

Nếu Nhà nước trợ giúp họ, chẳng những có thể tăng cường hiệu quả thu hồi và tái chế rác, mà còn góp phần cải thiện cuộc sống cho những người nghèo khổ.

Từ nhiều năm qua, rác đã trở thành nguồn kiếm sống của hàng chục ngàn người nghèo. Lượm rác không phải là công việc được trọng vọng. Số tiền kiếm được hàng ngày cũng chẳng thể giúp cho những người sống nhờ bãi rác thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng việc làm của họ thì đang mang lại lợi ích lớn cho xã hội, cả trên khía cạnh môi trường và hiệu quả đối với nền kinh tế.

Theo phân tích của các chuyên gia, hoạt động thu gom và tái chế rác chẳng những giảm bớt lượng rác thải và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, mà nó còn giúp giảm đáng kể năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất, qua đó giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Cứ một tấn nhôm được thu gom đưa vào tái chế sẽ tiết kiệm được tám tấn bauxite và 14.000 kwh điện so với sản xuất nhôm từ bauxite.

Tương tự, sản xuất một tấn giấy từ phế liệu sẽ bảo tồn được 17 mét khối nước, 17-31 cây rừng và sử dụng ít hơn 20% năng lượng so với sản xuất giấy từ gỗ.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm TPHCM thải ra gần 2,5 triệu tấn rác thải rắn, trong đó khoảng một phần tư là rác công nghiệp và có thể tái chế thành các sản phẩm hữu dụng. Tuy nhiên, lượng phế liệu được thu gom và tái chế hàng năm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Chẳng hạn như phế liệu nhựa, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, khối lượng sản phẩm nhựa tiêu thụ ở thị trường Việt Nam năm ngoái đến gần 2,3 triệu tấn. Nhưng lượng phế liệu được thu gom để tái chế thành nguyên liệu trong cả nước chỉ chiếm 0,3%.

Nhu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam rất lớn, tiềm năng khai thác nguồn nguyên liệu rẻ tiền này ở trong nước cũng không nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp vẫn không thể tìm được ở trong nước nguồn cung cấp phế liệu cần thiết, mà phải nhập từ bên ngoài. Vấn đề đặt  ra ở đây là Việt Nam chưa phát triển được hệ thống thu gom phế liệu hiệu quả.

Từ hơn nửa thế kỷ nay, thu gom phế liệu vẫn là công việc kiếm sống của người nghèo ở đô thị. Trước đây, đội ngũ những người nhặt ve chai, thu lượm cả túi nylon, những tờ giấy và mảnh thủy tinh nhỏ, nhưng đến nay hầu như chẳng ai thèm để mắt đến loại rác này nữa, vì bán chẳng được bao nhiêu tiền và các vựa ve chai cũng không muốn mua. Nhưng nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ và khuyến khích hấp dẫn, việc thu gom phế liệu để tái chế sẽ có kết quả khả quan hơn.

Vừa qua, TPHCM và Hà Nội đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhưng chưa đạt kết quả gì đáng kể, do ý thức của người dân còn hạn chế và thói quen khó thay đổi. Có thể, đây là giải pháp duy nhất có hiệu quả để thu hồi phế liệu ở nhiều nước châu Âu, nơi người nghèo không phải dựa vào bãi rác để kiếm sống.

Còn ở những nước nghèo như Việt Nam, trong khi chờ đợi nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân, có thể thực hiện việc phân loại và thu hồi phế liệu thông qua việc kiếm sống hàng ngày của đội ngũ công nhân vệ sinh và những người lượm ve chai. Nếu nhà nước có chính sách phù hợp để kích thích những người này thu lượm, phân loại tất cả những gì tái chế được, chẳng hạn như hỗ trợ bằng chính sách thuế và tài chính để các cơ sở tái chế nâng giá mua phế liệu, chắc chắn hiệu quả sẽ khác.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc thu gom phế liệu còn liên quan đến công nghệ của các cơ sở tái chế. Hiện TPHCM có 508 cơ sở họat động trong lĩnh vực này, trong đó đến 99% có quy mô rất nhỏ và công nghệ tái chế rất lạc hậu. Hơn nữa, tái chế rác thải thường gây nhiều ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi, khói thải… mà việc đầu tư để xử lý thì quá tốn kém và không hiệu quả về kinh tế, nên các cơ sở tái chế nhỏ không muốn mua những loại phế liệu vụn… do khó loại bỏ tạp chất.

Hiện nay, một số doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy tái chế phế liệu lớn với công nghệ hiện đại. Những dây chuyền sản xuất với công nghệ có thể sử dụng rác làm nhiên liệu đốt cũng đã được nhập về Việt Nam. Có thể thấy, nhu cầu sử dụng nguyên liệu từ rác không thiếu. Nếu Việt Nam có thể tổ chức được hệ thống thu gom, phân loại hiệu quả, thì tái chế rác có thể trở thành ngành công nghiệp mạnh và môi trường cũng đỡ bị tàn phá hơn.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới