Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cùng người lao động vượt khó trong đại dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cùng người lao động vượt khó trong đại dịch

Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Cuộc chiến với dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, cuộc sống của những người lao động nghèo càng gặp muôn vàn khó khăn bởi những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Điều đáng chú ý là trong bối cảnh khó khăn, xuất hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tự nguyện chia sẻ tài chính, vật chất lẫn hỗ trợ tinh thần nhằm chung tay cùng người lao động vượt khó, chiến thắng dịch bệnh.

Hàng ngàn phòng trọ áp dụng giảm giá cho công nhân

Ghi nhận từ cuộc vận động giảm giá phòng trọ để chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động tại TPHCM và Bình Dương cho thấy hàng ngàn người thuê nhà đã được miễn hoặc giảm phí thuê, phần nào bớt đi nỗi lo về chi phí sinh hoạt mỗi tháng.

Cầm trên tay giấy báo đóng tiền trọ tháng 8 này được giảm 500 ngàn đồng. N.T. Huyền, một công nhân ngành may mặc ở trọ tại quận 2, TPHCM, không giấu được nỗi vui sướng nghẹn ngào.

Chị Huyền cho biết chị từ Hà Tĩnh vào TPHCM làm công nhân đã vài năm. Chị có hoàn cảnh khá éo le khi chồng mất sau một cuộc gây hấn với bạn hàng xóm trong một cuộc nhậu, và Huyền phải một mình nuôi hai con. Công việc làm nông tại quê nhà không đủ trang trải chi tiêu khi các con ngày càng lớn và đi học. Chị Huyền gửi hai con cho ông bà ngoại để vào TPHCM làm công nhân.

Cùng người lao động vượt khó trong đại dịch
Chị N.T. Huyền, một công nhân ở trọ tại quận 2, vui mừng khoe tờ hóa đơn được giảm tiền trọ.

Những ngày đầu vào chưa kiếm được việc lại phải đóng tiền trọ hàng tháng nên cuộc sống tại một thành phố lớn của Huyền vô cùng khó khăn. Khi vừa kiếm được việc làm trong nhà máy vào cuối năm ngoái thì chỉ trong vài tháng, dịch bệnh ập đến khiến công ty nơi chị Huyền làm việc gặp khó khăn. Đơn hàng sụt giảm khiến thu nhập người công nhân giảm sút theo, chị Huyền phải cắt giảm bớt phần chi tiêu của bản thân. Chính vì thế khi cầm trên tay hóa đơn thu tiền nhà được giảm gần một nửa chi phí, chị Huyền mừng đến rơi nước mắt.

Bà H.T. Trang, chủ dãy nhà trọ nơi chị Huyền thuê, cho biết bà và người thân trong gia đình kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng trọ với gần 100 phòng. Hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp chính quyền, cùng chia sẻ khó khăn với người lao động nên các thành viên trong gia đình bà Trang đã quyết định giảm tiền thuê phòng cho tất cả nhười thuê trong vài tháng sắp tới, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. "Khách ở trọ phần lớn là công nhân và sinh viên, có thu nhập khá thấp, khi dịch bệnh diễn ra đời sống của họ khó khăn thấy rõ”, bà Trang chia sẻ.

Tại Bình Dương, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hà ở khu phố Nhị Đồng 2, TP Dĩ An là một trong những chủ nhà trọ tiên phong thực hiện việc giảm giá thuê nhà cho công nhân.

Bà Hà cho biết, bà xuất thân là nông dân, để có được công việc kinh doanh như ngày hôm nay, bao gồm 70 phòng trọ, bà đã trải qua nhiều công việc mưu sinh, tích lũy dần dần, chính vì vậy bà Hà đồng cảm với nỗi khó khăn của người lao động trong mùa dịch.

Từ tháng 3 đến nay, bà Hà đã thực hiện việc giảm 20% tiền thuê phòng trọ mỗi tháng cho người thuê. Ngoài ra, nhiều trường hợp người lao động bị mất việc không có khả năng trả tiền nhà, bà không chỉ cho họ trả sau mà còn cho vay thêm tiền để trang trải cuộc sống.

“Việc giảm giá tiền nhà là điều nên làm lúc này, nếu tình hình dịch còn kéo dài và diễn biến phức tạp thì tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các tháng tiếp theo cho mọi người”, bà Hà nói.

Một chủ nhà trọ tại Dĩ An (Bình Dương) được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tri ân sau khi giảm tiền thuê trọ cho công nhân trong nhiều tháng liên tục.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cuộc vận động giảm giá phòng trọ hiện đã thu hút trên 1.100 chủ kinh doanh nhà trọ ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tham gia. Việc làm này đã góp phần sẻ chia bớt khó khăn đối với người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống.

Nhiều phương án hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Chia sẻ trên SGGP ngày 13-8 ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay, TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 541.100 người (đạt 99,99%), với tổng số tiền gần 593 tỷ đồng, nhưng vẫn có 15.800 giáo viên mầm non, bảo mẫu không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tôi rất chia sẻ với những trường hợp này, nhưng vì họ không đóng BHXH nên không được hỗ trợ.

Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, TPHCM dự kiến dành 1.800 tỉ đồng hỗ trợ, thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Đến tháng 5-2020, TPHCM cơ bản đã kiểm soát được dịch và phục hồi sản xuất. Cao điểm phòng chống dịch là tháng 4 và TPHCM đã hỗ trợ người dân trong tháng đó, với tổng số tiền gần 593 tỉ đồng (gần bằng 1/3 dự kiến ban đầu là 1.800 tỉ đồng). Đến nay, việc hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành. Dù vậy, để thực hiện chính sách một cách trọn vẹn và nhân văn nhất, cơ quan này sẽ tổ chức gặp gỡ trực tiếp, đối thoại với người dân tại một số quận, huyện về việc chi trả hỗ trợ, nhằm ghi nhận các ý kiến và giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có).

Trong khi đó, tại Bình Dương, Liên đoàn Lao động của tỉnh với vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cụ thể, các cấp công đoàn đã đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời thông qua nhiều hình thức giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.

Đầu năm đến nay, từ ngân sách công đoàn và các nguồn quỹ trong công nhân viên chức lao động, các cấp công đoàn đã kịp thời chi thăm hỏi, hỗ trợ và tặng quà cho gần 3.000 trường hợp là đoàn viên với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương ký kết thỏa thuận hợp tác với 52 đơn vị thực hiện các hoạt động như: ngoài trao tiền mặt, thông qua các cửa hàng 0 đồng đã trao tặng các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận tay người công nhân… Tính đến thời điểm này, đã có hơn 676.000 đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng các chương trình phúc lợi với tổng số tiền 20 tỉ đồng.

Bên cạnh đó để người lao động tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay ưu đãi Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phối hợp với tổ chức tài chính như CEP để triển khai gói vay ưu đãi 50 tỉ đồng. Mỗi lao động có thể vay 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Đại diện tổ chức CEP (chi nhánh TP Thủ Dầu Một) cho biết, trong 34 tỉnh, thành có tổ chức CEP đang hoạt động, Bình Dương là tỉnh duy nhất được các cấp công đoàn liên kết với CEP tạo điều kiện cho công nhân lao động vay gói 50 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 2%/ tháng.

Mỗi trường hợp được xét hồ sơ vay 5 triệu đồng và sau đó trả cả gốc lẫn lãi chia đều cho 12 tháng, có thể ân hạn 3 tháng đầu. Gói hỗ trợ tương ứng cho 10.000 lượt công nhân lao động vay vốn để chi tiêu, trang trải cuộc sống.

Trong lúc doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch thì sự tương thân tương ái của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền với những giải pháp chăm lo, hỗ trợ, người lao động cảm thấy được sẻ chia, phần nào giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới