Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cùng nông dân canh tác ruộng lúa trên smartphone

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cùng nông dân canh tác ruộng lúa trên smartphone

Trung Chánh

Cùng nông dân canh tác ruộng lúa trên smartphone
 

(SGTT) – Có thể, trong tương lai không xa, cảnh người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” sẽ trở thành hình ảnh chỉ còn trên sách vở với viễn cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trong ngành nông nghiệp.

 

 

Con người hiện đang sống trong thế giới mới, nơi công nghệ có thể tạo ra mọi sự đột phá phục vụ mọi khía cạnh của đời sống, kể cả kinh tế và xã hội. Công nghệ đã tạo ra được một hãng vận chuyển hàng đầu thế giới không sở hữu một chiếc xe nào; một tập đoàn thương mại điện tử lớn không có một kho hàng nào hay một “đại gia” khách sạn không nắm trong tay một phòng nghỉ nào…

Chỉ cách đây ít năm, dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được ghi thủ công vào những cuốn nhật ký có tên gọi “sổ tay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”. Khi đó, muốn biết quy trình sản xuất như bón phân, phun thuốc, tưới nước… của một loại sản phẩm nông nghiệp nào đó được thực hiện ra sao, thì phải lấy nhật ký ghi chép ra xem. Nhưng, với sự phát triển của công nghệ 4.0, kết quả quy trình sản xuất sẽ được biết chính xác thông qua quét mã “code” bằng ứng dụng trên điện thoại. Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, việc hình thành một công ty sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới không sở hữu một thửa ruộng nào là hoàn toàn có thể.

Để chuẩn bị cho bước đi mang tính chiến lược của mình, trong những năm qua, Rynan Technologies đã thí điểm và thực hiện khá thành công mô hình được tạm gọi là tập đoàn nông nghiệp không sở hữu thửa ruộng nào tại tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, thay vì đàm phán với địa phương để sở hữu ruộng đất để canh tác, đơn vị này ký hợp đồng canh tác lúa thay cho nông dân trên chính thửa ruộng của họ.

Công ty sản xuất lúa gạo không sở hữu một thửa ruộng nào sẽ được vận hành ra sao? Ông Mỹ cho biết, thông qua ứng dụng di động trên điện thoại, nông dân có thể thao tác ký hợp đồng với Rynan Technologies để đơn vị này thực hiện canh tác lúa thay cho nông dân, và nhận được tiền chuyển khoản mà không cần ra khỏi nhà.

Khi hợp đồng đã xác lập, tức quyền canh tác lúa trên ruộng của nông dân sẽ thuộc về Rynan Technologies. Khi đó, đơn vị này sẽ thay thế người nông dân triển khai thực hiện sản xuất lúa trên chính thửa ruộng của nông dân thông qua sự hỗ trợ của hệ thống các loại máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại.

Nhờ vào máy móc, thiết bị công nghệ nên Rynan Technologies có thể dễ dàng thay thế hàng ngàn, thậm chí hàng triệu hộ nông dân để đảm đương được việc sản xuất lúa gạo với quy mô lớn.

Cụ thể, Rynan Technologies đã có hệ thống máy cấy ba trong một, tức máy vừa có chức năng cấy lúa, vừa vùi phân bón, vừa có khả năng phun phân vi sinh. Còn với khâu bơm tưới nước lên ruộng lúa, thông qua bộ cảm biến (sensor) theo dõi mực nước được đặt trên nền ruộng và kết nối không dây đến một ứng dụng trên điện thoại di động thông minh sẽ thực hiện chức năng cảnh báo để người của công ty biết và thao tác kích hoạt máy bơm từ xa nhờ được kết nối thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Theo ông Mỹ, thông qua những thiết bị hỗ trợ thông minh, việc canh tác lúa sẽ không đòi hỏi sự hiện diện của người nông dân trên đồng, tất cả mọi thứ sẽ được thực hiện thông qua thiết bị di động. “Chẳng hạn, ngồi nhà cũng có thể bơm nước lên ruộng. Ngồi uống cà phê cũng có thể bơm nước hay thậm chí người nhân công đi ngủ thì việc canh tác vẫn có thể diễn ra”, ông Mỹ dẫn chứng.

Về phần nông dân, sau khi đã ký hợp đồng chuyển giao quyền canh tác cũng đồng nghĩa với việc họ không cần phải ra đồng làm ruộng nữa mà vẫn có thể thu được một khoản lợi nhuận nhất định nhờ vào hợp đồng. Điều này có nghĩa là sức lao động của người nông dân sẽ được giải phóng để làm những công việc khác để có thêm thu nhập. Khi đó, đời sống của người nông dân có thể sẽ được cải thiện hơn so với việc độc canh cây lúa như hiện nay.

Thực tế, từ năm 2015, Rynan Technologies đã bước đầu xây dựng một công ty sản xuất phân bón công suất 20.000 tấn ở tỉnh Trà Vinh. Đây là loại phân chỉ cần bón một lần mỗi vụ. Chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp đúng vào những thời điểm cây lúa cần. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã sản xuất ra những thiết bị phục vụ vào quá trình sản xuất lúa như phao quan trắc nước (quan trắc nước mặn) kết nối và truyền dữ liệu cảnh báo về smartphone thông qua ứng dụng; máy bơm và những thiết bị khác phục vụ vào sản xuất lúa gạo có thể kết nối và điều khiển bằng điện thoại thông qua kết nối Internet vạn vật (IoT).

“Nhờ vào những thiết bị này, chúng tôi biết chính xác quá trình phát triển của cây lúa, khi nào ruộng cần nước để cung cấp. Mọi thao tác sẽ được thực hiện chỉ bằng một nút bấm qua chiếc điện thoại”, ông Mỹ cho biết và nói rằng việc canh tác này sẽ được thực hiện hoàn toàn tự động.

Mô hình nêu trên sẽ giúp giải quyết vấn đề nan giải trong ngành nông nghiệp hiện nay, đó là câu chuyện tích tụ ruộng đất để có những cánh đồng mẫu lớn. Nếu triển khai thành công, chính quyền sẽ không cần đến những mệnh lệnh hành chính để thúc đẩy chuyện “tích tụ ruộng đất” mà nông dân sẽ tự nguyện ký hợp đồng cho Rynan Technelogies sản xuất thay. Khi đó, sản phẩm tạo ra vẫn sẽ đồng bộ về chất lượng mà người nông dân vẫn sở hữu đất của mình.

 

Nội dung: Trung Chánh – Trình bày: Doãn Thụy

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới