Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cung thấp, cầu cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cung thấp, cầu cao

Bùi Trinh – Nguyễn Văn Huân

(TBKTSG) – Theo Tổng cục Thống kê, GDP quí 1-2010 tăng trưởng 5,8%. Đây chính là phần tăng thêm của giá trị gia tăng mà các ngành sản xuất tạo ra trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó khu vực I (nông lâm, thủy sản) tăng so với cùng kỳ năm trước là 3,45%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,65% và khu vực III (dịch vụ) tăng 6,64%.

Trong khu vực I, ngành nông nghiệp tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2008 (3,3%) và 2009 (1,84%). Với khu vực II, ngành điện nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 10,4%. Trong khu vực III, ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất là vận tải, bưu điện.

Nếu xét về cơ cấu GDP, một điều có thể gây ngạc nhiên là tỷ trọng ngành thương mại còn cao hơn tỷ trọng của toàn bộ khu vực I gần 1 điểm phần trăm (15,85% so với 14,91%) và cao hơn ngành nông nghiệp (bao gồm trồng trọt và chăn nuôi) gần 5 điểm phần trăm (15,85% so với 10,97%).

Như vậy có thể thấy phí thương mại chiếm trong hàng hóa trên dưới 30%, điều này có nghĩa hàng hóa từ nơi sản xuất đến người sử dụng phải cộng thêm khoảng 30% phí thương mại nữa. Nếu tính thêm cả phí vận tải, thì phí lưu thông sẽ chiếm khoảng trên 40% giá trị hàng hóa khi đến tay người sử dụng.

Điều này cho thấy nền kinh tế phát triển không thực sự hài hòa và cân đối. Nếu những số liệu thống kê phản ánh chính xác hiện trạng của nền kinh tế thì đây phải chăng là một điểm cần tái cấu trúc?

Hơn nữa, cơ cấu của hoạt động thương mại trong toàn bộ các ngành dịch vụ (biểu đồ) cũng cho thấy một điều gì đó không thật hợp lý. Thực ra điều này có thể lý giải rằng quí 1-2010 có Tết cổ truyền nên cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành thương nghiệp tăng cao hơn mức bình quân chung của năm một chút.

Với xu hướng tỷ trọng của nhóm ngành nông nghiệp trong GDP thường năm sau thấp hơn năm trước (năm 2008 là 17,55%, năm 2009 là 16,42%), còn ngành thương nghiệp thì năm sau cao hơn năm trước, tăng từ 14,29% trong năm 2008 lên 14,77% trong năm 2009 và sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2010, không phải là điều đáng tự hào mà là điều đáng lo ngại, nhất là khi tỷ trọng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ cao lại do ngành thương mại tạo ra.

Những số liệu ở trên cho thấy Việt Nam đang cư xử với ngành nông nghiệp và nông dân chưa đúng với tầm quan trọng của nó. Và quả thực là cần phải “giật mình” (1) khi một nhà đầu tư nước ngoài của xứ dầu mỏ muốn đầu tư 25.000 héc ta đất trồng lúa ở Trà Vinh để đảm bảo an ninh lương thực (cho dân của họ). Đây không phải chuyện họ lo xa mà an ninh lương thực thực sự là một vấn đề đối với toàn thế giới.

Về phía cầu có thể thấy nếu quí 1-2009 tiêu dùng cuối cùng giảm sâu so với quí 1-2008 khoảng 9% thì quí 1-2010, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ theo giá hiện hành tăng trên 24% (2) . Từ đó có thể thấy tăng trưởng về tiêu dùng cuối cùng theo giá so sánh (đã loại trừ yếu tố tăng giá) khoảng trên 10%.

Đầu tư theo tính toán sơ bộ (3) cũng tăng trưởng trên 10%. Về xuất khẩu, ước tính kim ngạch xuất khẩu quí 1-2010 đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu loại trừ giá trị xuất khẩu vàng của năm 2009 thì kim ngạch xuất khẩu của quí 1-2010 tăng khoảng 20%. Về nhập khẩu, kim ngạch quí 1-2010 tăng đến 37,6%.

Phía cung chỉ tăng trưởng 5,8% nhưng nhu cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng và tích lũy đều tăng mạnh cho thấy nhu cầu nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng trong nước là rất lớn (thể hiện kim ngạch nhập khẩu tăng rất cao).

Chuyện tất yếu sẽ xảy ra là khi cầu tăng lên mà năng lực sản xuất (cung) không đáp ứng được thì dẫn đến tăng giá và kích thích nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tồn kho trong quí 4-2009 gần như không còn. Điều này có ảnh hưởng nhân quả làm cho nhập siêu và thâm hụt cán cân thương mại ngày càng lớn.

Ngoài ra tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,75% trong tháng 3-2010, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2009 thì CPI đã tăng 8,51%. Hơn nữa tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP quí 1 cũng trên 40%. Từ đó có thể thấy hiệu quả sử dụng đồng vốn rất kém, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát.

Từ những tín hiệu này cho thấy, dù tăng trưởng GDP của quí 1 là 5,8%, hoặc thậm chí là 6% như một số công bố trước đó, cũng vẫn còn nhiều điều đáng lo.

Chính vì vậy nhiều chuyên gia mới cho rằng trong giai đoạn hiện nay ổn định vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế cần được đưa lên hàng đầu.

________________________

(1) Báo Tuổi trẻ ngày 25-3-2010 với bài “Giật mình với Qatar”.

(2) Chỉ tiêu tổng mức bán lẻ của cơ quan thông kê là một chỉ tiêu có từ thời bao cấp, chỉ tiêu này không phải để chỉ tiêu dùng cuối cùng nhưng tạm xem như vậy.

(3) Đây là tính toán sơ bộ của tác giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới