Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc “cách mạng” trong quản lý vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc “cách mạng” trong quản lý vàng

Hải Lý

Mua vàng miếng ở công ty PNJ. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngày làm việc cuối cùng của tháng 4-2011 trước kỳ nghỉ lễ, gần trụ sở TBKTSG, chi nhánh một ngân hàng TMCP vẫn trưng biển huy động vàng với lãi suất 2,4%/năm. Trong khi lãi suất huy động vàng của các tổ chức tín dụng khác dưới 0,5%/năm, đây là mức lãi suất tiết kiệm vàng cao nhất cả nước.

Ngân hàng nọ chắc hẳn đang thiếu tiền đồng bởi trước đó họ là “tín đồ” thường xuyên của nghiệp vụ chuyển đổi vàng thành tiền đồng để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất.

Quá rủi ro

Chính sách tỷ giá hợp lý của Nhà nước hai tháng gần đây đã “cứu” một bàn thua trông thấy cho các ngân hàng huy động vốn bằng vàng và chuyển một phần thành tiền đồng để cho vay. Nếu tỷ giá không ổn định theo hướng tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ và Chính phủ không tuyên bố “tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng”, có lẽ giá vàng trong nước đã bằng hoặc cao hơn chứ không thể thấp hơn giá thế giới như hiện nay.

Những ngân hàng chuyển đổi vàng thành tiền đồng, cho dù được hưởng chênh lệch cao giữa lãi suất tiết kiệm vàng và lãi suất tiết kiệm nội tệ, đã và đang gánh chịu thiệt hại vì giá vàng quốc tế leo thang.

Khi chuyển đổi một phần vàng thành tiền đồng, không ít ngân hàng đã đánh cược với rủi ro. Thông tư 22/TT-NHNN ngày 28-10-2010 về quản lý huy động, cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng, yêu cầu hạn chót các ngân hàng phải tất toán việc chuyển vàng thành tiền vào ngày 30-6-2011. Một số ngân hàng thận trọng đã ngưng chuyển vàng thành tiền, chỉ còn thực thi nghiệp vụ theo chiều ngược lại (chuyển tiền thành vàng để trả cho người gửi đến hạn). Tuy nhiên vẫn có những ngân hàng kỳ vọng giá vàng quốc tế giảm, hoặc do quá “khát” thanh khoản tiền đồng, vẫn tiếp tục chuyển vàng thành tiền.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không công bố số vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng hiện tại. Eximbank là ngân hàng duy nhất công khai số vàng huy động là 13 tấn và số dư cho vay vàng là 7 tấn. Theo số liệu cũ của NHNN, đến cuối tháng 9-2010 có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng với tổng lượng huy động 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỉ đồng. 60% số vàng trên, tức 55,56 tấn hay 43.800 tỉ đồng được cho vay. Giả sử số lượng vàng huy động đến nay không đổi, và 30% số vàng được chuyển thành tiền đồng, thì các ngân hàng cần phải mua lại từ thị trường trong nước 27,78 tấn vàng.

Trên thực tế vốn huy động bằng vàng quí 4-2010 và quí 1-2011 vẫn tăng ít nhiều do các ngân hàng nỗ lực tăng tỷ trọng vốn huy động chung so với cho vay, một phần đảm bảo thanh khoản, phần khác để tăng trưởng tín dụng, đảm bảo lợi nhuận đã cam kết với cổ đông. Vì thế phỏng đoán hiện có khoảng 30 tấn vàng được chuyển thành tiền tỏ ra có cơ sở. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến trong cuộc họp báo của Chính phủ ngày 29-4-2011 thông báo đến 31-3-2011 số dư chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền giảm 14,7% so với cuối năm ngoái. Mức giảm này là không nhiều dẫu thời điểm ban hành Thông tư 22 đến nay đã hơn sáu tháng. Liệu đến hạn cuối tháng 6 tới các ngân hàng có kịp chuyển đổi lại chừng 30 tấn vàng thành tiền như qui định?

Không phải chỉ chống đầu cơ

Một thông tin đáng quan tâm được NHNN công bố: 75,85% tổng số vàng huy động của hệ thống ngân hàng tập trung ở TPHCM, 11,67% tập trung ở Hà Nội. Thông thường theo tâm lý dân cư từ trước đến nay, người dân nông thôn chuộng giữ vàng hơn thành thị nếu nhìn từ góc độ tích lũy. Thế nhưng vàng ở các địa phương lại không huy động được nhiều, theo NHNN, chứng tỏ vàng đang được đầu cơ hơn là đầu tư.

Trên cơ sở đó, có những nhận định việc chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng từ ngày 1-5-2011 theo quy định của Thông tư 11/TT-NHNN ngày 29-4-2011 không có tác động lớn đến thị trường tiền tệ. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Hoạt động đầu cơ vàng hầu hết giao dịch với ngân hàng. Những nhà đầu cơ mua bán hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng với ngân hàng, thực tế chỉ là giao dịch tiền đồng vì vàng vẫn nằm trong két ngân hàng.

Nay ngân hàng không thể cho vay vàng, và chuẩn bị không được chuyển vàng thành tiền, tức là không thể bán vàng. Một khi không bán được, ngân hàng sẽ không mua hoặc chỉ mua cầm chừng để tất toán số vàng đã được chuyển thành tiền đồng, hoặc mua để bán lại cho NHNN nếu NHNN có nhu cầu, hoặc xuất khẩu dưới dạng nữ trang. Trong cả ba trường hợp, giá vàng trong nước phải thấp hơn giá quốc tế sao cho ngân hàng có lời.

Nếu tình trạng giá vàng trong nước thấp hơn giá quốc tế kéo dài, sự đầu cơ tự động giảm đi. Nhu cầu tích lũy vàng cũng sẽ giảm. Việc chuyển từ gửi, giữ vàng sang bán vàng sẽ bắt đầu. Thời gian đầu tốc độ chuyển dịch có thể chậm chạp do người sở hữu vàng sẽ nghe ngóng, sau đó mới quyết định giữ hay bán vàng, giống như những gì đã từng diễn ra những tuần qua với thị trường ngoại hối.

Vấn đề là NHNN sẽ can thiệp vào thị trường vàng như thế nào? NHNN có mua lại vàng từ các ngân hàng khi các ngân hàng và công ty kinh doanh vàng bạc đá quí mua vàng của dân? Nếu mua, lượng tiền đồng “bơm” ra theo phương thức nào, nhất là khi NHNN cũng đang mua vào ngoại tệ? Còn nếu để cho các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng xuất khẩu dưới dạng nữ trang như đang tồn tại, cân đối lượng ngoại tệ có được từ xuất vàng cũng không phải giản đơn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Về phía mình, các ngân hàng sẽ mất công sức, thời gian, chi phí cho việc thực thi các quy định của thông tư 22 và 11, mà không tạo được đồng lợi nhuận nào từ vàng (có thể lỗ do phải trả phí cho số vàng huy động mà không kịp cho vay). Ngân hàng nào huy động vàng càng nhiều, chuyển vàng thành tiền càng nhiều, chi phí càng lớn.

Giải bài toán vàng như một mảng của thị trường tài chính, trong đó đảm bảo quyền hợp pháp của người dân trong việc giữ tài sản bằng vàng; có quy định đảm bảo việc mua bán vàng của người dân đúng pháp luật, đang đòi hỏi tầm xử lý bao quát trên diện rộng hơn là chỉ chống đầu cơ. Bởi vàng là nguồn vốn lớn, nó cần được khơi thông, được chảy. Nếu để nó ứ đọng trong ngân hàng hay trong dân, có thể nó sẽ không nằm yên. Một cuộc “cách mạng” trong quản lý vàng là cần thiết, nhưng phải chuẩn bị kỹ mọi điều kiện. Liệu những điều kiện như thế đã đủ?

Giải bài toán vàng như một mảng của thị trường tài chính, trong đó đảm bảo quyền hợp pháp của người dân trong việc giữ tài sản bằng vàng; có quy định đảm bảo việc mua bán vàng của người dân đúng pháp luật, đang đòi hỏi tầm xử lý bao quát trên diện rộng hơn là chỉ chống đầu cơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới