Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến khí thải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chiến khí thải

P. Nguyễn Dũng

Cuộc chiến khí thải
Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Từ châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc bay đến 27 nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), mọi hành khách đều ăn no rồi ngủ yên hoặc xem phim trong chuyến bay kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Ít ai ngờ rằng đang diễn ra một cuộc chiến, tuy âm thầm nhưng không kém phần ác liệt, giữa chính các hãng hàng không đang chở họ với EU. Thậm chí nó có thể là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chiến thương mại.

ETS, nguyên nhân của cuộc chiến

Nhằm bảo vệ bầu khí quyển địa cầu và môi trường sinh thái, Brussels, “thủ đô” của EU, quyết định từ ngày đầu năm 2012, mọi chuyến bay đến và đi từ 27 nước thuộc EU sẽ bị “tính tiền” khí thải. Điều khiến các hãng hàng không cho là “bị ép” nhất là việc Brussels tính tiền CO2 ngay từ khi máy bay cất cánh từ sân bay ở quê nhà, chẳng hạn từ Bangkok, Singapore, Bắc Kinh hay Hồng Kông…

Brussels nói rằng tiền thu được – do các hãng bay nộp, nhưng chắc chắn hành khách là người phải thanh toán khi mua vé bay – sẽ được đầu tư vào những dự án bảo vệ môi trường, chẳng hạn như trồng thật nhiều cây xanh. Nhưng chương trình ETS (Emissions Trading Scheme) này của EU đang gặp phải sự kháng cự mạnh từ các hãng hàng không quốc tế và chính quyền nhiều quốc gia.

Hiệp hội Vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), một tổ chức quy tụ hơn 230 hãng hàng không khắp thế giới – Vietnam Airlines cũng là một hãng thành viên – góp đến 93% tổng số chuyến bay lên lịch của toàn thế giới, liên tục lên tiếng đề nghị EU không áp dụng ETS. IATA cho rằng ETS sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành vận chuyển hàng không, vốn là một công cụ thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và toàn thế giới.

Chính các thành viên IATA đã cam kết đạt mục tiêu đến năm 2050 giảm 50% tổng lượng khí CO2 thải ra từ các động cơ máy bay so với năm 2005 nhưng hầu như không có hãng nào chấp nhận ETS của EU. Để đạt được mức giảm 50% khí thải vào năm 2050, các hãng đã đặt mua những máy bay thế hệ mới của các nhà sản xuất Airbus, Boeing ít hao tốn nhiên liệu hơn, xả ít khí thải hơn và ít gây tiếng ồn hơn.

Nhiều phản ứng mạnh

Sát cánh với IATA trong “cuộc chiến” chống lại ETS của Brussels là Hiệp hội các hãng hàng không châu Á – Thái Bình Dương (AAPA, Vietnam Airlines cũng là một hãng thành viên), Hiệp hội Vận chuyển hàng không Mỹ (ATA) và Hiệp hội các hãng hàng không khu vực châu Âu (ERA). Ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc AAPA, nhận định rằng việc EU triển khai ETS với các hãng quốc tế mà không có sự đồng ý của chính quyền các nước là vi phạm những nguyên tắc hợp tác quốc tế và những thỏa thuận hợp tác hàng không song phương giữa các quốc gia. Còn tại các kỳ họp quan trọng nhất của Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế thuộc Liên hiệp quốc (ICAO), hơn 140 chính quyền ngoài EU cũng đã lên tiếng phản đối.

Khi thời hạn 1-1-2012 chính thức áp dụng ETS đối với ngành vận tải hàng không quốc tế càng đến gần thì chính quyền các nước càng lên tiếng phản đối Brussels mạnh hơn. Không chỉ có phản đối từ chính quyền liên bang Mỹ mà còn có các chỉ trích và đe dọa từ Bắc Kinh, Canberra, Doha, Dubai, Ottawa, Ryadh, New Delhi…

Hiệp hội Vận chuyển hàng không Trung Quốc (CATA) đã thu thập chữ ký của 20 hãng hàng không quốc tế vào một văn bản tố cáo ETS của EU là hành động sai luật pháp quốc tế. Ngoài chữ ký các hãng hàng không Trung Quốc còn có chữ ký của ANA (Nhật), EVA Air (Đài Loan), Singapore Airlines… Được hậu thuẫn của Hiệp hội Vận chuyển hàng không Mỹ (ATA), một số các hãng hàng không Mỹ cũng đã khiếu kiện ETS lên tòa án EU.

Theo IATA, nếu ETS được thực hiện, các hãng hàng không xuất phát từ châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị thiệt hại nhiều hơn các hãng hàng không thuộc Mỹ và vùng Vịnh, Trung Đông vì các chuyến bay từ châu Á đến châu Âu dài hơn, lượng khí thải lớn hơn nên bị tính tiền nhiều hơn.

Mầm mống chiến tranh thương mại?

Gần cuối tháng 10 qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự thảo luật nhằm chống lại ETS của Brussels. Theo một vài nhà phân tích, đây chính là mầm mồng của một cuộc chiến thương mại giữa hai khu vực kinh tế ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Dự thảo luật này cấm các hãng hàng không Mỹ mua tín dụng CO2 để bay đến 27 nước thuộc EU. Vì khi chấp nhận mua ETS, các hãng sẽ tốn thêm 3,1 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tám năm, từ 2012-2020. Nếu trở thành đạo luật, nó sẽ khiến các hãng bay của Mỹ lâm vào tình thế rất khó xử: mua ETS thì phạm luật, tuân thủ đúng luật pháp Mỹ thì đồng nghĩa với việc bỏ hẳn mọi đường bay sinh lợi lớn đến EU.

Và không thiếu việc chính quyền một vài nước, ngầm thông qua các hãng hàng không nước nhà, đe dọa không tiếp tục mua máy bay Airbus của châu Âu nếu như Brussels khăng khăng áp dụng ETS.

EU tính tiền CO2 như thế nào?

Từ năm 2012 trở đi, để được bay đến EU, một hãng bay phải mua tín dụng CO2 được tính như sau: thanh toán cho 15% tổng lượng khí thải động cơ máy bay xả ra trong suốt thời gian chuyến bay, không tính tiền số 85% lượng khí thải còn lại. Giá một tấn CO2 hiện là 16 euro.

– Theo CATA, năm thứ nhất EU tiến hành ETS, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ phải chi thêm 123 triệu đô la Mỹ và đến năm 2020 thì tăng gấp ba lần.

– ATA dự kiến, từ năm 2012-2020, số tiền các hãng hàng không Mỹ chi cho ETS sẽ lên đến hơn 3 tỉ đô la Mỹ.

– Emirates Airlines, hãng bay lớn nhất của Dubai cho biết trong một thập niên tới, chi phí cho ETS của hãng sẽ là 1 tỉ đô la Mỹ.

– Vietnam Airlines sẽ tốn thêm bao nhiêu với ETS trong năm 2012 khi bay đến Paris, Frankfurt…?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới