Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chiến không ai thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chiến không ai thắng

Thái Bình

(TBKTSG) – Trong vài tuần qua, cuộc chiến tranh tiền tệ trên quy mô toàn cầu đã chuyển nhanh từ một nguy cơ sang một thực tế khi càng lúc càng có nhiều nước đua nhau phá giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh trong một xu thế mà ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gọi là “cuộc đua tới đáy”, với ngụ ý rằng sẽ không có ai là người thắng cuộc.

Nguyên ủy của sự việc thì dường như ai cũng rõ: Mỹ nhiều lần tố cáo Trung Quốc ngăn cản không cho đồng nhân dân tệ tăng giá, từ đó làm méo mó dòng chảy thương mại toàn cầu; đổi lại, Trung Quốc cho rằng, sự méo mó chủ yếu do chính sách kinh tế bất cập của các nước giàu.

Tuy nhiên, như ghi nhận trong một bài báo trước (*) , cuộc xung đột tiền tệ hiện nay không chỉ là cuộc đối đầu Trung-Mỹ mà thực tế đã lan rộng thành cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn này với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Không thuyết phục được Trung Quốc nâng giá đồng tiền, Mỹ buộc phải tung ra cùng lúc nhiều áp lực: một mặt đe dọa áp thuế phòng vệ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước “thao túng đồng tiền”, một mặt duy trì biện pháp “nới lỏng định lượng” (QE) mà thực chất là tung ra thị trường hàng trăm tỉ đô la Mỹ mua lại trái phiếu và các tài sản khác, nhắm tới việc hạ bớt giá trị đồng đô la Mỹ.

Theo tính toán của hãng tin Reuters, từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) áp dụng biện pháp QE, đồng đô la Mỹ đã giảm giá 9,5% so với các ngoại tệ chính, còn đồng nhân dân tệ Trung Quốc nhờ neo chặt vào đô la Mỹ nên cũng xuống giá theo.

Xung đột tiền tệ thực chất là một dạng chiến tranh thương mại kiểu mới, thay vì dùng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo hộ thị trường nội địa, ngày nay người ta thích dùng các biện pháp tiền tệ-tỷ giá vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Khi đồng tiền một nước được định giá thấp hơn giá trị thực, hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và hàng xuất khẩu sẽ rẻ hơn, vừa có lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế vừa hạn chế được nhập khẩu, phát triển sản phẩm nội địa để thay thế.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng thành công biện pháp này, không chỉ giúp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu mà còn triệt tiêu nhiều ngành công nghiệp của nhiều quốc gia – nhất là các nước đang phát triển. Ngay cả doanh nghiệp các nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU cũng không chống đỡ nổi, hậu quả là tình trạng thất nghiệp lan tràn ở hai nơi này.

Trung Quốc không nâng giá đồng tiền thì Mỹ phá giá đồng tiền để giành lại lợi thế, kích hoạt một cuộc “cạnh tranh phá giá” mà điển hình là ngày 15-9, Chính phủ Nhật Bản tung ra 2.000 tỉ yen để ngăn chặn đà tăng giá của đồng yen sau khi đồng tiền này tăng giá 15% so với đô la Mỹ trong vòng nửa năm qua.

Biện pháp phá giá đồng đô la có thể góp phần giúp Mỹ phục hồi kinh tế, nhưng gây thiệt hại khủng khiếp cho các nền kinh tế đang phát triển. Trước tiên, giá nguyên liệu và nhiên liệu tăng vọt vì hầu hết các mặt hàng này được định giá bằng đô la Mỹ; hiện tượng giá dầu thô, giá vàng “nhảy múa” ở mức cao là một minh chứng.

Đồng đô la giảm giá và tiền mặt dồi dào trên thị trường giúp FED duy trì lãi suất cực thấp có lợi cho kinh tế Mỹ nhưng đồng thời kích hoạt làn sóng đầu cơ tiền tệ từ Mỹ sang các nền kinh tế khác có lãi suất cao hơn. Viện Tài chính quốc tế dự báo dòng “tiền nóng” chảy vào các nền kinh tế đang phát triển năm nay có thể đạt 825 tỉ đô la Mỹ, tăng 42% so với năm ngoái.

Các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á, đã có kinh nghiệm xương máu với loại tiền này: nó gây bong bóng trên thị trường nhà đất, chứng khoán, và đẩy giá cả tiêu dùng lên cao; nó cũng gây áp lực buộc các đồng tiền nội địa phải tăng giá và khi bong bóng bùng vỡ thì hậu quả là hết sức khủng khiếp như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

Báo New York Times gần đây đã phân tích rất kỹ xu hướng các nhà đầu tư ở Wall Street lợi dụng thanh khoản dồi dào để thâu tóm tài sản ở các thị trường đang phát triển. Một số quốc gia như Brazil, Thái Lan và Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp kiểm soát như đánh thuế cao lên lợi nhuận từ đầu tư tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, cấm ngân hàng trong nước cho vay bằng ngoại tệ… để ngăn không cho dòng tiền nóng làm mất ổn định nền kinh tế của họ.

Việt Nam, vừa là nạn nhân của biện pháp phá giá đồng tiền của các nước lớn, vừa là điểm thu hút dòng tiền nóng do lãi suất vẫn ở mức cao nhất nhì thế giới, cần phải hết sức cảnh giác và linh hoạt trong chính sách tiền tệ trong tình hình thế giới đầy bất ổn hiện nay.

Nhìn rộng ra, những hành động đơn lẻ của các chính phủ sẽ chẳng giải quyết được gì mà còn làm cho xung đột thêm căng thẳng. Điều cần thiết lúc này là các nước lớn phải thừa nhận rằng họ không chỉ là nạn nhân mà còn là thủ phạm gây nên tình trạng rối rắm này và nên chấm dứt việc chỉ trích lẫn nhau để cùng hướng tới một giải pháp: thúc đẩy thương mại tự do trong một cơ chế tỷ giá linh hoạt phản ánh đúng giá trị thực của đồng tiền. Và đó là kỳ vọng đặt vào hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc sắp tới.

_________________________________________________

(*) Xem bài “Ứng phó với chiến tranh tiền tệ” – TBKTSG số 41, ngày 7-10-2010, http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/41489/Ung-pho-voi-%e2%80%9cchien-tranh-tien-te%e2%80%9d.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới