Thứ Ba, 30/05/2023, 04:09
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump

Minh Đức

(TBKTSG) – Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thực thi các chính sách thương mại cứng rắn hơn, các nhà sản xuất Mỹ đã nhiều lần đề nghị Washington bảo vệ họ trước các đối thủ nước ngoài. Song, cuộc chiến thương mại quốc tế lớn đầu tiên của ông Trump dự kiến sẽ khởi động từ đầu năm tới, bắt đầu từ các tấm pin năng lượng mặt trời.

Ngành công nghiệp pin năng lượng mặt trời được coi là “bài kiểm tra đầu tiên” đối với ông Trump về việc liệu những ngôn từ “khắc nghiệt” mà ông dành cho Trung Quốc trong vấn đề thương mại có biến thành những biện pháp cứng rắn thật hay không.

Các nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở Trung Quốc hiện chiếm hơn hai phần ba tổng sản lượng của thế giới. Trong vòng sáu năm trở lại đây, hàng chục công ty sản xuất mặt hàng này ở Mỹ đã phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với đồ Trung Quốc.

Việc Trung Quốc nỗ lực vươn mình để trở thành nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đã làm giảm giá thành của tấm pin trên toàn cầu tới gần 90% trong thập kỷ qua và thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong việc đối phó với ô nhiễm do phát thải khí thải nhà kính.

Các quan chức Trung Quốc cho rằng họ đang giúp thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn. Ông Li Junfeng, cố vấn kinh tế cấp cao của Trung Quốc, đồng thời là kiến trúc sư của nhiều chính sách về năng lượng tái tạo của Trung Quốc, tại một hội thảo mới đây ở San Francisco, khẳng định: “Mọi người đều cần những tấm pin mặt trời rẻ hơn, không chỉ ở Trung Quốc”.

Nhưng các nhà sản xuất Mỹ cho rằng, sở dĩ giá của pin mặt trời ở Trung Quốc rẻ là vì chính quyền Bắc Kinh đã trợ cấp một cách không công bằng. Các công ty Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản vay giá rẻ từ các ngân hàng nhà nước.

Ông Mark Widmar, Giám đốc điều hành của First Solar, một nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Mỹ, quả quyết: “Nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc dù không có khả năng thanh toán nhưng họ vẫn nhận được vốn vay”.

Trước tình trạng đó, Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với tấm pin mặt trời xuất xứ từ Trung Quốc. Để đối phó, Trung Quốc đã chuyển các cơ sở sản xuất của mình sang Đông Nam Á. Nếu tính cả các nhà máy thuộc sở hữu Trung Quốc ở Đông Nam Á thì quốc gia này chiếm khoảng bốn phần năm doanh thu toàn cầu đối với các tấm pin mặt trời.

Và giờ đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho biết họ sẽ xem xét việc áp dụng mức thuế đối với tất cả tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ, theo đơn khiếu nại của các nhà sản xuất Mỹ. Ngày 26-1 tới sẽ là hạn chót để chính quyền của Tổng thống Trump đưa ra kết luận cuối cùng.

Trung Quốc, tất nhiên, phản đối động thái này, và cho rằng việc đánh thuế sẽ làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Và không chỉ Trung Quốc, ngay cả các công ty phát triển dự án điện năng lượng mặt trời và các doanh nghiệp khác có liên quan đến ngành này tại Mỹ cũng phản đối việc đánh thuế cao.

Hiệp hội Công nghiệp năng lượng Mặt trời Mỹ, đại diện cho các nhóm này, cho rằng việc đánh thuế cao sẽ tước đi việc làm của nhiều người trong lĩnh vực lắp đặt pin mặt trời và số lượng người mất việc còn lớn hơn so với những người mà chính quyền đang muốn bảo vệ.

Nếu chính quyền ông Trump quyết định áp mức thuế cao hơn đối với tấm pin mặt trời Trung Quốc vào ngày 26-1, đây sẽ là cú đấm thương mại đầu tiên của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Hơn một tuần sau đó (ngày 3-2), chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục ra quyết định về việc liệu có áp dụng mức thuế cao với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt là từ Trung Quốc hay không.

Ông Li, cố vấn kinh tế Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh, chứ không phải Mỹ, mới là người quyết định thắng thua trong cuộc đua trên thị trường tấm pin năng lượng mặt trời.

Cách đây một thập kỷ, Trung Quốc có 800 công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời. Giờ đây số công ty rút xuống chỉ còn 70-80, nhưng năng suất đã tăng lên gấp 5 lần. Ông Li cho biết Bắc Kinh đã để cho thị trường tự sàng lọc ra những công ty tốt nhất, cạnh tranh hiệu quả nhất.

Ngược lại, sự hỗ trợ chính trị tại Mỹ cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời bị suy yếu sau khi công ty thiết bị năng lượng mặt trời tại California, Solyndra, sụp đổ vào năm 2011, dù nhận được khoản vay 5,5 triệu đô la Mỹ từ Bộ Năng lượng.

Hãy chờ xem Tổng thống Donald Trump có “nói đi đôi với làm” và Bắc Kinh sẽ trả đũa ra sao trong bài kiểm tra đầu tiên này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới