Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu

Đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông, khách hàng luôn muốn có thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Ảnh: Tuấn Linh

(TBVTSG) – Không chỉ thoại, nhắn tin SMS…, người sử dụng điện thoại di động còn sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động : trò chơi, tải hình, tải nhạc chuông, các ứng dụng hỗ trợ… “Miền đất” này được xem là mỏ vàng của một thời…

Dịch vụ “cấp thấp”

Từ khi các thiết bị đầu cuối được gia tăng công nghệ với cấu hình mạnh, chạy được nhiều ứng dụng cao cấp, trên thị trường đã tràn ngập những dịch vụ nhắn tin để tải hình, nhạc, thông tin bóng đá, trò chơi trên điện thoại di động (mobile game)…

Theo Bộ Thông tin-Truyền thông, doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số trong năm 2007 là 180 triệu đô-la Mỹ, trong đó có khoản đóng góp khá lớn của những dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, dù các cơ quan chức năng chưa thể xác định được con số cụ thể.

Cách đây hai năm, mở bất kỳ tờ báo nào cũng thấy các trang thông tin quảng cáo về dịch vụ tải trò chơi, hình ảnh, nhạc, tư vấn sức khỏe… với giá dịch vụ từ 3.000-15.000 đồng/tin nhắn. Có thể nói đây là thời kỳ hưng thịnh của các nhà cung cấp dịch vụ trên nền di động. Hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đua nhau khai thác nội dung dịch vụ này.

Các doanh nghiệp trong nước khai thác từ nguồn không có bản quyền nên giá dịch vụ mềm hơn, cao nhất cũng là 5.000 đồng/trò chơi. Còn các doanh nghiệp nước ngoài khai thác sản phẩm có bản quyền nên giá cao hơn, nhiều trò chơi lên tới 15.000 đồng.

Mỗi nhà cung cấp đều có đối tượng khách hàng riêng nhưng tất cả đều nhắm vào nhóm khách hàng trẻ. Những sản phẩm được nhóm khách hàng này quan tâm là hình ca sĩ nổi tiếng, những bài hát đang được giới trẻ ưa chuộng, các lời tư vấn về sức khỏe – tâm sinh lý…

Nhưng đó là chuyện của vài năm trước, còn hiện nay thị trường đang bị thu hẹp dần. Nguyên nhân là khách hàng đã chán vì không có gì mới, cứ lặp đi lặp lại những nội dung cũ. Hiện trên thị trường chỉ còn không quá vài chục nhà khai thác còn kinh doanh loại hình dịch vụ này (FPT SMS, DaLink, MobiCity…).

Nếu trước đây, những công ty này tập trung vào quảng cáo trên báo giấy, thì giờ đây họ đã chuyển về các kênh truyền hình địa phương như Đồng Nai, Bình Dương để quảng cáo trên các “giờ vàng” của phim truyện, các trận đá bóng…

Dịch vụ cao cấp – thiếu người làm

Tính đến nay, thị trường Việt Nam có khoảng 30 triệu số thuê bao điện thoại di động đã được kích hoạt. Nếu tính tỷ lệ thuê bao ảo khoảng 40%, số máy (tương ứng với số thuê bao đang hoạt động thường xuyên) thực đang hoạt động xấp xỉ 20 triệu chiếc.

Theo một chuyên gia viễn thông, cứ theo tỷ lệ 50% số máy chạy được các ứng dụng mở rộng thì đây sẽ là con số không nhỏ, nếu như mỗi máy dùng một ứng dụng hoặc một trò chơi có bản quyền. Nhưng đó là con số lý thuyết. Còn trên thực tế lại là chuyện đáng buồn.

Ước mơ về một thị trường sử dụng những ứng dụng trên nền tảng di động đã có từ lâu nơi các doanh nghiệp phát triển ứng dụng phần mềm nhưng chưa mấy doanh nghiệp mạnh dạn làm vì sự hấp dẫn của thị trường với dòng phần mềm này chưa cao.

Hiện nay, có thể đếm trên đầu ngón tay các nhà phát triển ứng dụng trên nền tảng di động, như FPT Mobile, GameLoft, Punch, MSS… Trong số đó chỉ có vài doanh nghiệp còn chút tâm huyết với việc phát triển các ứng dụng “thuần Việt”, còn lại chỉ lo phát triển các hợp đồng nước ngoài vì họ thấy an toàn hơn và cũng không muốn “dính” vào chuyện tranh chấp về bản quyền. Đại diện của một nhà phát triển ứng dụng có nhiều công cụ để phát triển đã nói như vậy.

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng vì sao các ứng dụng chạy trên nền tảng di động do các công ty trong nước sản xuất chưa có điều kiện để phát triển. Cần nhìn nhận rằng, so với những ứng dụng có nguồn gốc từ nước ngoài, những ứng dụng trong nước không thể sánh bằng, từ nội dung cho đến kỹ thuật đồ họa, từ cấu trúc câu chuyện cho đến hình ảnh của nhân vật… Bên cạnh đó, tâm lý xài “hàng chùa” của người dùng cũng làm cho các nhà phát triển ứng dụng mệt mỏi vì số tiền thu lại chẳng thấm vào đâu so với số vốn đầu tư.

Tính đến nay, FPT đã thương mại hóa bốn sản phẩm từ những cuộc thi Mobile Labs, gồm bản đồ số eMap, trò chơi Lục Vân Tiên truyền kỳ, đua xe F0 và ứng dụng Calculator. Theo ông Nguyễn Anh Quân thuộc Ban Truyền thông FPT, dù đưa vào kinh doanh nhưng giá trị mà bốn sản phẩm này đem lại rất thấp. Theo ông Quân, một trong những lý do khiến mức độ thương mại hóa các sản phẩm này chưa cao là thiếu sự phối hợp giữa các hãng điện thoại, các công ty viễn thông và những nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho điện thoại di động.

Ông Nguyễn Văn Minh thuộc Phòng Nghiên cứu dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động của FPT (gọi tắt là Visky) cho biết muốn phát triển một trò chơi trên điện thoại di động phải mất từ 3-6 tháng nhưng khi bán, giỏi lắm cũng chỉ được vài ngàn đô-la Mỹ, chẳng bù vào đâu so với nguồn kinh phí đầu tư cho cả nhóm (ít nhất là ba người) thực hiện. Cũng theo ông Minh, hiện nay các ứng dụng chưa phát triển mạnh trên môi trường điện thoại di động còn do nguyên nhân hạ tầng mạng viễn thông chưa tiến lên chuẩn 3G.

Mobile-Monday – “sân chơi” của dân “ghiền” công nghệ

Cùng với việc thành lập MoMo Việt Nam, FPT cam kết tiếp tục duy trì cuộc thi Mobile Labs. Tính đến nay, FPT đã tổ chức ba cuộc thi Mobile Labs vào các năm 2004, 2005 và 2007.

Cho đến ngày nay, đây là cuộc thi duy nhất về nội dung số cho điện thoại di động tại Việt Nam. Trong hai năm đầu, cuộc thi với tên gọi Mobile Games chỉ giới hạn chạy trên điện thoại Samsung bằng ngôn ngữ Java nên đã thu hút được các bạn lập trình trẻ. Đã có 1.500 lượt thí sinh tham gia cuộc thi tổ chức vào năm 2005.

Đến năm 2007, ban tổ chức quyết định mở rộng ra tất cả các loại điện thoại di động và hai nội dung được khuyến khích phát triển là trò chơi trên điện thoại và phần mềm ứng dụng. Kết quả, cuộc thi 2007 đã thu hút 35 sản phẩm dự thi, gồm 20 trò chơi và 15 ứng dụng chủ yếu chạy trên các nền đã thu hút 3.000 ý tưởng gửi về.

Mobile Labs 2008 sẽ được bắt đầu trong tháng Sáu này và kết thúc vào tháng 12.

Một trong những nỗ lực của giới “ghiền” công nghệ lập trình trên nền tảng di động là thành lập Mobile-Monday (gọi tắt là MoMo) Việt Nam. Đây là “sân chơi” mới của cộng đồng lập trình công nghệ di động Việt Nam. Theo ông Phan Thanh Giản, phụ trách Visky, mục đích của Mobile-Monday là tập hợp các bạn trẻ trong giới lập trình yêu thích những ứng dụng trên nền tảng di động.

Tại những buổi sinh hoạt, cộng đồng sẽ được các chuyên gia đến từ lĩnh vực điện thoại di động, CNTT và truyền thông trò chuyện, trao đổi về xu hướng công nghệ của thông tin di động trên thế giới và Việt Nam, nhu cầu sử dụng và các dịch vụ mới, sự giao thoa giữa di động – Internet, giải trí – thương mại…

Đến nay, Mobile-Monday Việt Nam đã có hai buổi họp mặt tại TP.HCM và Hà Nội. Theo quan sát của Siêu thị số, hơn 100 bạn trẻ say mê lập trình trên nền di động đã tham gia cuộc gặp mặt này. Thạc sĩ Thu Hương, giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Đại học Bán công Tôn Đức Thắng, nói: “Sân chơi này bổ ích vì những người tham dự sẽ được chia sẻ nhiều thông tin cũng như những giải pháp công nghệ mới. Tôi sẽ giới thiệu diễn đàn này cho các bạn sinh viên của trường biết để cùng tham dự”.

Hiện tượng MoMo khởi nguồn từ thủ đô Helsinki của Phần Lan từ năm 2000 do Vesa-Matti Paananen khởi xướng. Năm 2004, tại Tokyo (Nhật) và Silicon Valley (Mỹ), hai nhóm MoMo đầu tiên ngoài Phần Lan được thành lập. Đến nay, số lượng các nhóm MoMo đã lên trên 50.

Diễn  đàn MoMo đã thu hút khoảng 100.000 thành viên, là một diễn đàn phi lợi nhuận nên thành viên của MoMo không đóng góp bất kỳ khoản lệ phí nào mà hoạt động của nó phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động và dịch vụ mạng.

Tất cả chỉ mới bắt đầu nhưng giới trẻ mê công nghệ lập trình sẽ có sân chơi mới với nhiều điều thú vị.

THIỆN VŨ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới