Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc cờ thế giới: Mỹ sang Đông, Trung Quốc đi Tây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc cờ thế giới: Mỹ sang Đông, Trung Quốc đi Tây

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Sau màn dạo đầu là những chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates liên tục trong nửa năm qua, Chính phủ Mỹ đã đi bước quyết định trong chiến lược quay trở lại châu lục này bằng chuyến viếng thăm chính thức kéo dài 10 ngày của Tổng thống Barack Obama tại Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Báo chí phương Tây nhận định, ông Obama sẽ cố nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á cả về an ninh, chính trị lẫn kinh tế, đồng thời làm ấm lại mối quan hệ hợp tác với các đồng minh chiến lược nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Chỉ trước đó vài hôm, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng tiến hành chuyến công du ngược chiều với ông Obama, sang châu Âu, qua các nước Bồ Đào Nha và Pháp. Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào tiếp sau chuyến công du tương tự của Thủ tướng Ôn Gia Bảo qua các nước Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý hồi tháng 9-2010. Những chuyến đi liên tục này cho thấy Trung Quốc đang tiến sang phương Tây, tận dụng thời cơ do khủng hoảng tài chính toàn cầu mang lại để thâu tóm các tài sản chiến lược đồng thời gia tăng ảnh hưởng lên đường lối kinh tế-chính trị của Liên minh châu Âu, hóa giải phần nào áp lực quốc tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

Như vậy, cả Mỹ và Trung Quốc, trong cuộc đua quyền lực hiện thời, đều đang có những động thái “lấn sân” vào “khu vực ảnh hưởng” của nhau. Sự va chạm giữa hai ông lớn này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến toàn thế giới trong một xu hướng chưa biết trước được. Các quốc gia nhỏ hơn nhất thiết phải cảnh giác trước khả năng “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.

* * *

Một số nhà quan sát nhận định, để giữ tính chính danh với dân chúng trong nước, chính quyền Trung Quốc gần đây đã thay đổi chính sách ngoại giao, tận dụng sức mạnh kinh tế – quân sự để lấn lướt các quốc gia láng giềng và điều đó đã tạo cớ để Mỹ quay lại củng cố vị thế lãnh đạo ở châu Á.

Quan sát chuyến du thuyết của ông Obama ở bốn nước châu Á, cộng với sự có mặt gần như thường xuyên của các quan chức hàng đầu của Mỹ tại khu vực này, người ta dễ dàng nhận ra một “vành đai” đang dần dần ló dạng ở Thái Bình Dương, liên kết các quốc gia dân chủ từ Nhật Bản tới Ấn Độ để đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Về quan hệ Mỹ – Ấn Độ chẳng hạn, báo New York Times nhận định: “Bằng cách ủng hộ Ấn Độ làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Tổng thống Obama cho thấy ý định của Mỹ tạo ra một quan hệ đối tác sâu rộng hơn giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, mở rộng các quan hệ thương mại và kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng hung hăng”.

Ở Hàn Quốc, dù đảng Dân chủ Mỹ phản đối nhưng ông Obama vẫn ký hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ-Hàn vì nó không chỉ mở cửa thị trường cho hàng hóa hai nước mà “Một FTA với Hàn Quốc sẽ có lợi ích to lớn về ngoại giao và an ninh quốc gia ở châu Á” như nhận định của Clayton K. Yeutter, Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.

* * *

Người Trung Quốc vốn là những cao thủ về chiến lược chính trị, thủ pháp “hợp tung” đối phó với “liên hoành” đã được tổ tiên họ vạch ra từ thời Trương Nghi-Tô Tần. Mỹ quay về Đông thì Trung Quốc chuyển hướng sang Tây, tranh thủ hợp tác với khối EU xưa nay vẫn liên kết với Mỹ. Khủng hoảng tài chính, tiếp theo là khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tạo cơ hội ngàn năm có một để Trung Quốc ra tay “giúp đỡ” Hy Lạp, rồi Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha.

Với túi bạc khổng lồ trong tay, mà giá tài sản lại đang tụt dốc, Trung Quốc vung tiền mua quyền kiểm soát các hải cảng lớn ở Hy Lạp và Ý, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối Đông và Tây Âu, vừa được tiếng “nghĩa hiệp”, vừa xây dựng căn cứ cho hàng hóa và nhân công Trung Quốc. Xa hơn nữa, Trung Quốc kỳ vọng, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới các quyết sách kinh tế của châu Âu, chẳng hạn như vấn đề tỷ giá tiền tệ, điều tra chống bán phá giá… “Điều đang xảy ra là Trung Quốc đang mở rộng ở châu Âu như họ từng làm ở châu Phi”, Francois Godement, thành viên cao cấp của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận định.

* * *

Nếu như chuyến du thuyết của ông Obama bị phủ bóng đen bởi thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ hồi đầu tháng này và nền kinh tế hồi phục chập chờn thì chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào lại rất thuận buồm xuôi gió, chỉ bỏ ra vài chục tỉ đô la trong kho dự trữ vài ngàn tỉ của mình mà Trung Quốc đã được châu Âu chào đón như một vị cứu tinh.

Có điều, Chính phủ Trung Quốc dường như hơi vội. Củ cà rốt Trung Quốc gieo xuống đất châu Âu chưa kịp bén rễ thì họ đã giương lên cây gậy: ông Hồ Cẩm Đào khuyến cáo các quốc gia châu Âu không nên “về hùa” với Mỹ gây áp lực với Trung Quốc chung quanh vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ; Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì yêu cầu châu Âu tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình ở Na Uy vào tháng sau, nếu không thì phải “gánh chịu hậu quả”… Những động thái lấn lướt này khiến cho nhiều nhà phân tích có cảm tưởng, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu dường như ẩn chứa một “con ngựa thành Troy” chưa biết là phúc hay họa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới