Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cước di động đua về đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cước di động đua về đâu?

Tuyết Ân

MobiFone luôn tìm cách đưa thương hiệu của mình hiện diện ở các triển lãm quan trọng. Ảnh:Tuyết Ân.

(TBVTSG) – Việc đồng loạt giảm giá cước điện thoại di động của ba nhà cung cấp Viettel, MobiFone và VinaPhone kể từ đầu tháng Sáu đã làm thị trường nóng lên. Liệu đây có phải là động thái tích cực để chăm sóc người tiêu dùng khi mà lâu nay các nhà cung cấp lấy việc khuyến mãi để thu hút khách hàng trả trước làm động cơ chính trong việc phát triển số thuê bao…?

Cả hai mạng của VNPT là VinaPhone và MobiFone đã thực hiện “cuộc soán ngôi” về giá cước rẻ nhất thị trường của Viettel chỉ sau vài ngày mạng này công bố giảm cước.

Quay lại với khách hàng truyền thống

Cả ba mạng lớn này đều đưa ra “thông điệp” riêng của mình. Tuy nhiên, khó có câu trả lời chính xác cho việc giảm giá cước lần này. Liệu những động thái nói trên có làm thay đổi chính sách khuyến mãi ồ ạt mà ngay chính các mạng lớn đã và đang dùng để cạnh tranh thu hút khách thuê bao? Hay đây còn là phương án “phòng vệ từ xa” của các nhà cung cấp dịch vụ khi việc quản lý số thuê bao điện thoại sắp đến thời điểm thắt chặt?

Cũng có lẽ hiện là thời điểm cần giữ chân khách hàng truyền thống để có thể tung ra các dịch vụ mới khi mạng 3G ra đời. Nếu nhóm khách hàng trung thành – đối tượng tiêu dùng mang lại lợi nhuận cao cho nhà cung cấp dịch vụ – rời bỏ mạng thì việc khuyến mãi liên tục như lâu nay cũng chỉ là vô nghĩa. Bản thân các nhà mạng sau khi ồ ạt tung kho số ra thị trường cũng phải đến lúc có phương thức phát triển số thuê bao có hiệu quả hơn, thay vì sử dụng tràn lan và lãng phí như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc phát triển và cạnh tranh lấy phương thức giảm cước và khuyến mãi làm chính thoạt nhìn thì tưởng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhưng cuối cùng đẩy thị trường vào điểm bất ổn.

Xét ở toàn cục, hành vi tiêu dùng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam hiện chưa ở ngưỡng trưởng thành. Trong đó phần lớn còn thể hiện ở định hướng phát triển tiêu dùng của chính nhà cung cấp. Ít có lĩnh vực nào mà doanh nghiệp chỉ chăm chăm phát triển khách hàng mới, lơ là khách hàng trung thành như các mạng viễn thông đang làm lâu nay.

Còn có một thực tế là nhiều người tiêu dùng không hiểu hết giá trị thực chất của các gói cước, hoặc chạy theo tâm lý sử dụng dịch vụ miễn phí từ khuyến mãi. Trong khi một nhóm người tiêu dùng trả sau thì chấp nhận duy trì số thuê bao của mình mặc cho giá cước có thay đổi hay không. Ít ai quan tâm rằng người chi tiền nhiều cho dịch vụ viễn thông đang gánh chi phí cho nhóm người “được tặng tiền để nghe”. Cuối cùng, “đường nào cũng đến thành Rome”, và nhà cung cấp nào điều phối càng tốt mối quan hệ này thì có số doanh thu càng cao.

Nếu tính theo con số các mạng công bố thì thị trường Việt Nam hiện đã vượt 90 triệu số thuê bao – một con số khó tin khi mà tỷ lệ thuê bao tính trên dân số đã đạt quá 1/1. Trong khi đó Viettel cho biết đang nhắm đến đối tượng khách hàng có thu nhập thấp với việc tính toán rằng thị trường còn khoảng 30 triệu người chưa sử dụng điện thoại di động. Đây cũng là chiến lược của mạng mới gia nhập thị trường như Vietnamobile với việc thu hút học sinh-sinh viên, bà nội trợ hay những khách hàng ở khu vực nông thôn.

Nhiều đợt giảm cước “đình đám” đã diễn ra trong những năm trước và cứ đến hẹn lại lên, thị trường càng sôi động khi có một mạng mới nhập cuộc. Đã qua cái thời VinaPhone hay MobiFone giữ giá cước cao và hưởng chỉ số ARPU (doanh thu trung bình từ một số thuê bao) cao ngất ngưỡng (năm 2002: 18 đô-la Mỹ, năm 2004: 12 đô-la). Hiện chỉ số này được các mạng GSM công bố là khoảng 5-6 đô-la – nhưng vẫn đang là mức doanh thu lý tưởng. Việc giảm giá đối với các mạng lớn là phương cách đơn giản trong cục diện cạnh tranh này.

Theo tính toán của các chuyên gia, để duy trì hoạt động và bảo đảm tái đầu tư thì một mạng di động phải đạt được tối thiểu 1 triệu số thuê bao hoạt động ổn định và chỉ số ARPU trung bình là 4 đô-la Mỹ. Mặc dù chỉ số này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác về chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn… của từng mạng nhưng xét ở bất cứ góc độ nào thì việc cạnh tranh của các mạng viễn thông cũng sẽ khốc liệt hơn, khi mà các ngôi đầu thị phần đã định hình trong khi nhiều mạng mới còn nhiều việc phải làm.

Cá lớn sẽ nuốt cá bé?

Những năm mới ra đời, Viettel luôn “đánh” vào vấn đề thị phần khống chế của VNPT, tạo áp lực bảo vệ doanh nghiệp có thị phần nhỏ. Và Viettel đã khá thành công khi lấy thông điệp “bảo vệ người tiêu dùng” để cạnh tranh với VinaPhone và MobiFone. Người tiêu dùng đã hưởng lợi nhờ giá cước giảm nhanh chóng. Trước cơ chế độc quyền, các mạng nhỏ như Viettel, S-Fone được duy trì mức cước thấp hơn khoảng 15% so với hai mạng của VNPT.

VNPT cũng đã từng kiến nghị với Bộ Bưu chính-Viễn thông (trước đây) rằng viễn thông di động là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao, một mạng mới chỉ cần đạt được khoảng 400.000 khách hàng đã là có lãi, vì vậy không thể vì sợ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mới mà tạo áp lực buộc một mạng lớn phải duy trì mức cước cao hơn, làm ảnh hưởng đến khách hàng của họ.

Nhưng cục diện thị trường hiện nay đã khác. Đây cũng là lần đầu tiên giá cước của MobiFone và VinaPhone thấp hơn so với Viettel. Không chỉ S-Fone mà các mạng mới như Vietnamobile và Gtel sẽ phải vất vả hơn nhiều trong cuộc chiến chưa cân sức này. Ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành mạng S-Fone, cho biết việc các mạng di động lớn giảm cước sẽ khiến S-Fone gặp nhiều khó khăn bởi trên thực tế mức cước hiện nay đã gần sát với giá thành. Theo ông, đây là sắc thái của một cuộc đua giảm giá cước, và điều này là không cân sức đối với các doanh nghiệp có thị phần nhỏ và đặc biệt là các doanh nghiệp chưa chính thức tham gia thị trường.

“Để không ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và sự phát triển lành mạnh của thị trường, chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cần phải chặt chẽ và thận trọng trong việc quản lý chính sách giá cước viễn thông trong thời điểm khó khăn này để bảo đảm sự phát triển của thị trường trên cơ sở hài hòa lợi ích của xã hội – nhà nước – người tiêu dùng và doanh nghiệp”.  

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định rằng S-Fone chắc chắn sẽ phải tuân theo quy luật và xu hướng chung của thị trường, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng của mình với giá cước bằng hoặc tốt hơn so với giá đã giảm của các doanh nghiệp GSM. “Chúng tôi cho rằng không nên quá ủng hộ cho một động thái đơn thuần là giảm giá cước. Để thực sự mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng, việc điều chỉnh giảm giá cước rất cần song hành với việc bảo đảm chất lượng dịch vụ,” ông Sơn nói.

Một thị trường có càng nhiều nhà khai thác sẽ càng cạnh tranh mãnh liệt, và người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi khi sự cạnh tranh là lành mạnh. Chuyện các mạng nhỏ yếu hoặc có dịch vụ kém bị thâu tóm là điều tất yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc cạnh tranh viễn thông còn mang những nguyên tắc khác biệt của nó. Khi biến “thương trường thành chiến trường”, các nhà khai thác chỉ có thể chiếm thị phần hay bảo vệ thị phần bằng cách giảm giá tối đa. Việc can thiệp vào thị trường có khi là cần thiết nếu có dấu hiệu về “độc quyền nhóm” nhằm giữ giá dịch vụ ở mức cao để hưởng lợi, o ép người tiêu dùng và giảm độ phủ của thị trường, và cũng cần thiết không kém khi có dấu hiệu của việc cùng đẩy giá xuống mức thấp nhất có thể để loại trừ đối thủ.

Trước khi mạng 3G ra đời và những vấn đề trong việc chia sẻ bốn giấy phép khai thác tần số của sáu nhà mạng “nóng” lên, có thể còn sớm để đề cập đến việc mua bán, sáp nhập hay phá sản một mạng viễn thông nào đó tại Việt Nam. Nhưng việc chạy đua khuyến mãi ồ ạt trong thời gian qua đã tạo ra một “thị trường ảo” làm lãng phí kho số và số thuê bao được “thổi phồng” một cách không cần thiết, tưởng như đã làm cạn kiệt tần số. Những hệ quả xấu của cuộc đua này đang dần lộ rõ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới