Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua của hai ‘người khổng lồ’ trong ngành chip Mỹ và Trung Quốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng Intel Corp của Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư đến 80 tỉ euro, tương đương 94,77 tỉ đô la, tại châu Âu trong vòng thập niên tới để tăng năng lực sản xuất chip của châu lục và ngành công nghiệp xe điện. Nhưng hãng Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) của Trung Quốc lại công bố đầu tư vào hai nhà máy chip có tổng giá trị hơn 11,3 tỉ đô la chỉ để sản xuất các con chip trị giá vài đô la.

Hai xu hướng đối nghịch này có ý nghĩa thế nào? Riêng hướng đi của hãng chip Trung Quốc đã làm nhiều nhà phân tích đặt các dấu hỏi.

Intel chú trọng vào “cỗ máy tính có bốn bánh xe” cho EU

Phát biểu tại triển lãm xe hơi IAA ở thành phố Munich của Đức tối 7-9, CEO Pat Gelsinger nói Intel sẽ công bố địa điểm của hai nhà máy chip lớn tại châu Âu vào cuối năm. Đã có nhiều đồn đoán về các địa điểm tiềm năng cho hai nhà máy này, bao gồm Đức và Pháp. Ba Lan cũng là một ứng viên sáng giá cho cuộc tuyển chọn bởi Intel đã hiện diện tại đây. Intel cũng đồng thời mở nhà máy chất bán dẫn ở Ireland dành cho các hãng chế tạo xe hơi. Vị CEO nói rằng nguồn vốn khổng lồ này sẽ là “chất xúc tác cho toàn ngành công nghệ vi mạch trên thế giới”.

“Đá thử bánh xe trước khi đi một vòng xe taxi tự lái ở Munich. Thật là một ngày đẹp trời”, CEO Pat Gelsinger viết trên trang Twitter cá nhân. Ảnh: PatGelsinger @ Twitter

Đây là lần đầu tiên triển lãm IAA tổ chức ở Munich và cũng là triển lãm xe hơi lớn nhất EU kể từ khi đại dịch bùng phát. Đức vừa thông qua luật cho phép xe tự lái chạy trên đường phố. Vì thế, triển lãm lần này là cột mốc đầy ý nghĩa của ngành công nghệ xe điện thời hậu Covid.

Intel là hãng lớn nhất thế giới về các loại chip xử lý cho máy tính cá nhân và trung tâm dữ liệu. Hồi tháng 4-2021, CEO Gelsinger nói với Reuters rằng hãng muốn sản xuất các loại chip cho các hãng xe hơi trong vòng 6-9 tháng nữa, nhằm xóa bỏ tình trạng thiếu hụt chip đã làm gián đoạn sản xuất xe hơi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích không rõ những tuyên bố mới nhất của Intel sẽ đáp ứng mục tiêu đó.

“Xe hơi đã trở thành cỗ máy tính có bánh xe. Quý vị cần chúng tôi và chúng tôi cần quý vị. Mục tiêu là tạo ra trung tâm sáng tạo ở châu Âu, dành cho châu Âu”, Gelsinger phát biểu.

Dự án “Máy gia tốc dịch vụ đúc khuôn chip của Intel” có thể giúp các hãng xe tự chế tạo chip bằng việc sử dụng công nghệ chế tạo mà hãng này gọi là “Intel 16”, rồi sau đó chuyển sang công nghệ “Intel 3” và “Intel 18A”.

Dòng xe điện tự lái IONIQ 5 của hãng Hyundai của Hàn Quốc tại Triển lãm xe hơi IAA tại Munich. Ảnh: Bloomberg

Các công nghệ này hiện đại hơn rất nhiều so với các quy trình hiện nay đang sử dụng trong ngành công nghiệp xe hơi. Intel nói rằng gần 100 hãng xe và nhà cung ứng chủ yếu – bao gồm BMW, Volkswagen, AG, Daimler AG và Bosch – đã bày tỏ sự ủng hộ cho chương trình gia tốc. Tuy vậy, người phát ngôn của Intel đã từ chối xác nhận rằng đã có hãng nào cam kết mua các loại chip trên của Intel hay chưa.

Trong khi đó, Reuters trích lời ông Gelsinger rằng Intel muốn EU cam kết cung cấp tài trợ chính phủ cho dự án đầu tư của Intel tại châu lục này.

Intel xem các hãng xe là ưu tiên chiến lược hàng đầu của hãng. CEO Gelsinger nhấn mạnh rằng tập đoàn tin tưởng rằng chip sẽ chiếm đến 20% giá thành của xe hơi vào năm 2030, tăng gấp 5 lần so với tỷ lệ 4% trong năm 2019.

Hồi cuối tháng 7 rồi, phát biểu trong hội nghị trực tuyến ngành bán dẫn, Gelsinger cũng nói rằng Intel sẽ trở thành hãng chế tạo khuôn hay hãng gia công cho các hãng chip hàng đầu thế giới. Trong năm 2020, hãng đã giành được hợp đồng chế tạo chip cho hãng Qualcomm – khách hàng lớn của hãng Samsung thuộc Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan. Intel đã vạch ra lộ trình sẽ ngang bằng với hai đối thủ trên vào năm 2024 và qua mặt cả hai để giành lại vị trí dẫn đầu thế giới trong năm 2025.

Gelsinger bật mí rằng kỹ thuật mới của hãng có tên “Intel 20A” có thể sản xuất những con chip có kích thước 2nm (nanometer). Khi kích thước nano này càng nhỏ, con chip càng hiện đại và có năng lực xử lý lớn, điều này cũng đồng nghĩa Intel đầu tư vốn khủng để phát triển và sản xuất.

SMIC bỏ tiền tỉ để sản xuất các con chip rẻ tiền

Trong khi đó, tay chơi chiếu dưới SMIC lại có những bước đi khiến các nhà phân tích ngạc nhiên.

Quyết định khó hiểu mới nhất là hôm 3-9, SMIC đã ký hợp đồng trị giá đến 8,9 tỉ đô la để xây nhà máy ở Thượng Hải. Hãng chip hàng đầu của Trung Quốc sẽ chi 5,5 tỉ đô la để chiếm 51% cổ phần và chịu trách nhiệm vận hành. Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải sẽ sở hữu 25%, phần còn lại thuộc về nhóm các nhà đầu tư khác.

SMIC cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy 2,35 tỉ đô la ở Thâm Quyến, và chính quyền địa phương cũng góp vốn vào dự án này.

Tuy vậy, hai nhà máy này sẽ có sản lượng cực lớn các loại chip có công nghệ cũ kỹ, hơn 10 năm tuổi. Cả hai nhà máy ở Thượng Hải và Thâm Quyến sẽ xuất xưởng loại chip 28nm trở lên. Các loại chip này sử dụng có cảm ứng hình ảnh, bộ xử lý thiết bị wifi, mạch tích hợp chủ, bộ vi xử lý. Phần lớn các loại chip này đang bị thiếu hụt nghiem trọng trong cơn khát chip trên toàn cầu – theo Nikkei Asia.

Khoảng 40 tỉ nhân dân tệ, khoảng 6,19 tỉ đô la, đã được đầu tư cho 164 hãng chip ở Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021. Theo Caixin, phần lớn số tiền này được đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo, viễn thông và quang điện tử. Ảnh: Reuter

Loại chip có công nghệ cao nhất hiện giờ là loại 5nm được sử dụng trong các bộ xử lý của iPhone và CPU của Macbook. Hiện TSMC và Samsung đang thống lĩnh thị trường chip 5nm, và cả phân khúc thấp. Chẳng hạn TSMC công bố sẽ đầu tư 2,8 tỉ đô la cho nhà máy chip 28nm ở Nam Kinh, Trung Quốc.

Cả hai nhà máy của SMIC sẽ có tổng sản lượng 140.000 đĩa bán dẫn wafer mỗi tháng. Nhưng hãng tin Bloomberg nói rằng nguồn vốn quá lớn rót trong một năm có hai vấn đề lớn.

Một là, cả hai nhà máy của SMIC sẽ hoạt động trong 2-3 năm tới. Lúc đó, tình trạng thiếu hụt đã được cải thiện, nhiều khả năng giá chip công nghệ thấp sẽ giảm sâu. Bên cạnh đó, ngành chip Trung Quốc vẫn chưa tự chủ hoàn toàn về nguyên liệu, phần mềm thiết kế và thiết bị chế tạo. Vì thế, việc mở rộng sản xuất ngày càng phức tạp.

Hai là, Trung Quốc đang mơ những con chip điều khiển xe tự lái, hay nền kinh tế công nghệ số dựa trên Internet vạn vật (IoT). Tạo ra những con chip công nghệ cao với giá trị vài trăm đến vài ngàn đô la mới là thách thức thật sự. Chẳng hạn, hãng xe điện Xpeng của Trung Quốc vẫn nhập chip AI từ hãng công nghệ Nvidia của Mỹ có giá 999 đô la/chip. Trong khi đó, loại chip trong bộ phận điều hình màn hình xe hơi chỉ có giá 1 đô.

“Tiền không phải là thứ duy nhất lãng phí, tài năng bị lãng phí mới là điều quan trọng. Các hãng chip đại lục có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất trong ngành công nghiệp này. Chất xám không được tận dụng để giải quyết những thách thức công nghệ mới”, một chuyên gia về công nghệ Trung Quốc bình luận.

Dường như đó là bước đi an toàn của các tập đoàn Trung Quốc vốn quen với vai trò “đại công xưởng của thế giới” – kiếm tiền nhanh với những món thượng vàng hạ cám. SMIC và hãng đồng hương như Hua Hong Semiconductor vẫn sống khỏe. Người tiêu dùng thế giới vẫn đang cần đồ điện tử giá rẻ và các hãng Trung Quốc cố lấp đầy bằng những sản phẩm cấp thấp.

Và nếu xét đến những đợt khảo hạch dữ dội của Bắc Kinh hiện nay đối với các hãng đại công nghệ như Alibaba hay Tencent, liệu đây có phải là bước né tránh của SMIC trong thời thế của “thịnh vượng chung”.

Vẫn còn một câu hỏi lớn. Trung Quốc nổi tiếng là chuyên bán tháo công nghệ lỗi thời sang các nước nghèo hơn. Một lúc nào đó, công nghệ cổ lỗ sỉ và tổn hại môi trường sẽ được chuyển giao đến các nước nghèo hơn sau khi bộ máy đã rệu rã vì kiếm tiền nhanh ở đại lục?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới