Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua cửa hàng tạp hóa công nghệ siêu nhanh trên thị trường bán lẻ Mỹ

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các hãng bán lẻ lớn thường mất một đến hai giờ để giao một đơn hàng thực phẩm. Các dịch vụ giao thực phẩm hay đi chợ hộ của các ứng dụng gọi xe công nghệ ở Đông Nam Á thường giới hạn thời gian giao hàng trong 20-30 phút. Nhưng các dịch vụ giao hàng chỉ trong 15 phút, không phí giao hàng, không cần đơn đạt giá trị tối thiểu đang hình thành ở Mỹ. Và cả xe tạp hóa lưu động chạy đến trước nhà đợi khách. Đây là những bước đi tiên phong mở ra thị trường mua sắm ước tính 1.000 tỉ đô la ở Mỹ.

Buyk: Ứng dụng giao hàng Buyk đến từ Nga hiện có khoảng 20 cửa hàng tại New York City. Buyk đảm bảo giao bất cứ đơn hàng nhỏ nhất, không phí giao hàng trong 15 phút. Ảnh: NYT

Dịch vụ giao một chai nước miễn phí

Công ty khởi nghiệp Buyk đến từ Nga đã ra mắt dịch vụ mới hồi cuối tháng 8 tại trung tâm thành phố New York. Khách dùng ứng dụng đặt hàng và chỉ trong 15 phút món hàng đã đến tay. Một chai nước, một gói chíp, không thành vấn đề. Các kho hàng trung tâm quy mô nhỏ được gọi là “cửa hàng tối” – tức không trưng bày bộ mặt cửa hàng ở trung tâm và bán hàng cho khách vãng lai – tạo thành xương sống cho dịch vụ của startup này. Hiện có 20 địa điểm như vậy ở New York, Buyk có kế hoạch mở rộng sang Chicago vào cuối năm nay, nâng tổng số cửa hàng tối trên toàn quốc lên khoảng 100.

Khi đơn hàng được đặt qua app, người lấy hàng sẽ đi xung quanh cửa hàng để thu thập các mặt hàng và đóng gói chúng vào một ba lô lớn. Chỉ khoảng hai phút rưỡi. Sau đó, tài xế chuyển phát nhanh sẽ dùng xe đạp điện và giao hàng đến tận nhà và văn phòng. Bán kính giao hàng khoảng 1,5-2 km cho mỗi cửa hàng tối.

Slava Bocharov, CEO và đồng sáng lập Buyk, cho biết: “Khách hàng có thể mua trứng, sữa và các mặt hàng tạp hóa khác khi họ cần, không cần phải lên kế hoạch mua trước và mua với số lượng lớn”.

Cửa hàng tối của Buyk không giống như siêu thị, không cần sổ đăng ký, thu ngân hoặc thường xuyên kê lại các kệ hàng để có được vẻ tươm tất, gọn gàng của siêu thị mini hay cửa hàng.

“Thay vào đó, chỉ cần thuê một người giao hàng, chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm của mình với mức giá tương đương với các siêu thị gần đó”, Yana Pesotskaya, người đứng đầu hoạt động bán lẻ của Buyk tại Mỹ cho biết.

Gọi cả cửa hàng tạp hóa di động đến trước cửa

“RoboCop” có thể thuộc về thế giới khoa học viễn tưởng. Nhưng Robomart – một công ty ở Santa Monica, California – thì không. Robomart đặt mục tiêu giao hàng trong 10 phút trong khu vực hoạt động của startup ở West Hollywood.

Ronaldo Salas, một người đàn ông địa phương, nhấn vào một ứng dụng trên smartphone. Một chiếc xe van nhỏ được biến đổi thành một cửa tiệm tạp hóa di động có bốn bánh xuất hiện trước nhà Salas chỉ sau hai phút. Nhấn lại vào ứng dụng và cửa tự động mở ra, cho phép Salas chọn sản phẩm mình muốn.

Các mặt hàng được gắn thẻ để nhận dạng bằng các cảm biến trong xe. Phí mua hàng được tính vào thẻ tín dụng đã đăng ký trước với Robomart. Không có giá trị tối thiểu cho mỗi lần mua, nhưng Salas phải trả phí tối thiểu 2 đô la cho mỗi lần được Robomart phục vụ.

“Thật tiện lợi khi mua sắm trong những kỳ nghỉ ngắn ngày thay vì đến cửa hàng,” Salas nói.

Dịch vụ này loại bỏ nhu cầu đóng gói bằng cách “phó mặc” toàn bộ cửa hàng cho người tiêu dùng. Thời gian trung bình để “cửa hàng bốn bánh” đến nơi là chín phút và có thể đạt dưới hai phút, kể từ khi chạm vào ứng dụng. CEO Ali Ahmed, cũng là nhà đồng sáng lập Robomart vào năm 2017, đã ví dịch vụ này giống như Uber và Lyft. Nhưng mà đây là “gọi cả cửa hàng tạp hóa công nghệ đến trước nhà mình” – store hailing.

“Đây là một kênh mới để người tiêu dùng mua sắm, giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm và tốc độ. Thay vì đến cửa hàng hoặc dựa vào giao hàng, cả cửa tiệm mini sẽ xuất hiện trước cửa nhà. Việc mua vài món lặt vặt trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết”, Ahmed nói với Nikkei Asia.

Một “xe đồ ăn nhanh” chở các món ăn nhẹ, đồ uống và thực phẩm khác bắt đầu hoạt động vào tháng 6-2021. Đây là diễn biến tiếp theo của một hiệu thuốc trên bốn bánh xe chạy thử nghiệm từ tháng 12-2020, cung cấp các sản phẩm như thuốc không kê đơn và chất tẩy rửa. Robomart dự định có sáu loại cửa hàng di động bao gồm siêu thị thực phẩm tươi sống, quán cà phê, cửa hàng kem và cửa tiệm thức ăn nhanh.

Robomart hiện vẫn có người lái. “Tuy vậy, đây là một trải nghiệm hoàn toàn tự động cho khách hàng. Họ không cần nói chuyện hay chạm vào. Trong tương lai, chúng tôi sẽ giới thiệu xe hàng không người lái”, Ahmed nói.

Robomart có kế hoạch bán hệ thống này cho các nhà bán lẻ khác vào năm tới. Ahmed nói: “Các nhà bán lẻ có thể tăng lượng đơn giao lên đến 500% nhờ vào hệ thống các robomart”.

Robomart: Từ việc đưa các cửa hàng tạp hóa đến tận nhà khách hàng từ 2-9 phút, Robomart sẽ có cả quán cà phê, tiệm kem và cả tiệm ăn nhanh trên xe bốn bánh tự lái. Ảnh: Robomart

Tương lai của bán lẻ sau dịch

Trong các đợt dịch Covid-19, việc giao thực phẩm tươi sống tại nhà trở nên phổ biến. Những gã khổng lồ như Walmart và Amazon hay như hãng giao đồ ăn Instacart lớn nhất tại Mỹ đã tung ra dịch vụ lấy ngay trong ngày. Các hãng đang cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu về tốc độ và giữ chân người tiêu dùng.

Thông thường, giao một đơn hàng thực phẩm hay tạp hóa mất ít nhất một hoặc hai giờ, kể từ thời điểm chạm ứng dụng để đặt hàng. Các đại siêu thị hay các tập đoàn bán lẻ lớn luôn có lợi thế về quy mô – từ số lượng nhân viên và trung tâm của họ cho đến quy mô của các khu vực mà họ bao phủ. Nhưng sự gia nhập của các startup với dịch vụ siêu nhanh chỉ mất chưa đầy 15 phút có tiềm năng thay đổi ngành bán lẻ.

Trong tương lai, tủ lạnh sẽ không còn cần thiết nữa trong sinh hoạt của hộ gia đình – ứng dụng giao hàng siêu nhanh Fridge No More đã tuyên bố như vậy. Gorillas có trụ sở tại Đức đã xuất hiện ở các khu vực thuộc New York để giao chuối và các mặt hàng khác trong vòng 10 phút, trong khi GoPuff loanh quanh với hàng tạp hóa trong vòng 30 phút.

“Tôi có thể sử dụng các dịch vụ khác nhau một cách thuận tiện”, Mia Parker, một phụ nữ sống ở New York City cho biết.

Các hãng nghiên cứu cho biết thị trường hàng tạp hóa của Mỹ dự kiến ​​đạt giá trị khoảng 1.000 tỉ đô la trong năm nay. Dòng vốn mạo hiểm đang đổ vào thị trường giao nhận thực phẩm gần như tức thì, ngay trước cửa nhà bởi thương mại điện tử vẫn còn không gian rộng lớn để phát triển, thâm nhập vào các thị trường trước đây do các chuỗi siêu thị truyền thống thống lãnh.

Rồi sẽ có những “kỳ lân” – công ty khởi nghiệp trị giá 1 tỉ đô la xuất hiện. Bởi khi các nền kinh tế mở cửa bình thường trở lại, các công ty từng thu hút, giữ chân được người tiêu dùng trong các đợt bùng phát dịch sẽ có cơ hội chiến thắng khi cuộc đua giành thị phần trở nên nóng bỏng hơn trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới